Thản nhiên bêu riếu người khác
Mới đây, hình ảnh nhóm người thân mật tập thể (một nữ và nhiều nam) bị rò rỉ trên mạng xã hội khiến dư luận choáng váng. Hàng nghìn người đã chia sẻ, bình luận về tấm ảnh với những lời lẽ bức xúc, ghê tởm hành động của người trong ảnh. Không dừng lại ở đó, cư dân mạng còn rủ nhau truy tìm các nhân vật trong ảnh.
Và những người có khuôn mặt hao hao giống các nhân vật trong tấm ảnh vô tình bị lôi vào, bị đem hình ca nhân ra so sánh, rồi bình phẩm, lăng mạ một cách không thương tiếc. Nhiều người không hiểu đầu đuôi câu chuyện, thông tin chưa được kiểm chứng cũng thản nhiên chia sẻ ảnh, phán xét người khác với những dòng chữ khẳng định chắc chắn “tìm ra các nhân vật trong bức ảnh bầy đàn”.
“Em không biết đầu đuôi như thế nào nhưng nhiều người đang hiểu nhầm em rồi. Em không phải là người ở trong đó, không có mặt cũng không biết gì về chuyện mọi người đang đồn đại. Tóm lại, em không phải là người trong đó, mọi người đang hiểu nhầm em rồi. Em thề có trời chứng kiến, em nói sai trời sẽ chừng phạt em, hoặc ra đường em sẽ bị ô tô đâm”, tài khoản Facebook tên P.A thốt lên trong tuyệt vọng.
Nạn nhân của vụ “truy tìm nhân vật trong bức ảnh bầy đàn” thanh minh trong tuyệt vọng. |
P.A đang bị dân mạng “kết tội” là nhân vật nữ trong tấm ảnh. Người ta tự cho mình cái quyền lấy ảnh, thông tin cá nhân của P.A đi bêu riếu khắp các trang mạng dù thông tin chưa được kiểm chứng. Hàng ngàn lời chỉ trích, chửi bới thậm tệ của dân mạng đang chĩa vào P.A dù không có cơ sở nào khẳng định P.A là nhân vật nữ chính trong bức ảnh đồi trụy.
Anh K. N, bạn thân của một nạn nhân của vụ “truy tìm nhân vật” này cho biết, một số người thấy bạn anh có khuôn mặt giống một nhân vật nam trong ảnh, thế là họ tự tiện lấy ảnh trên trang cá nhân của bạn anh đưa đi bêu riếu khắp nơi. Anh N. đã lên tiếng yêu cầu những người này xóa ảnh khi không có thông tin chính xác nhưng họ vẫn dửng dưng.
“Thực sự tôi rất bức xúc. Nhưng một cái miệng không tài nào cãi nổi thiên hạ. Bạn tôi không làm nên tôi cũng không cần giải thích là bạn bị oan. Mà tôi chỉ muốn nói với những người tự ý lấy thông tin người khác, tự ý bêu riếu khi chưa có cơ sở là làm gì cũng phải suy xét. Và cả những người lợi dụng chuyện này để câu like bán hàng, một hành động bẩn thỉu và vô đạo đức”, anh N. chia sẻ.
Anh N. cho biết, sau khi tấm ảnh của bạn anh bị bêu riếu trên Facebook, bạn anh đã nhận được rất nhiều cuộc gọi của người thân, bạn bè tra hỏi về sự thật. Hiện tại, vợ của người bạn này vẫn chưa biết chuyện.
“Tôi mong tất cả mọi người hãy suy xét trước khi hành động. Đừng mang hình ảnh người khác đi bêu riếu khi không biết chính xác. Hóng thì cũng phải đúng rồi hẵng phán xét người khác!”, anh N. nói thêm.
Vô tình “giết người” mà không biết
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc chia sẻ hình ảnh một cách vô tội vạ, gán cho họ là nhân vật trong bức ảnh đồi trụy khi chưa có căn cứ khẳng định chắc chắn mà chị dựa vào việc “nhìn thấy giống” là hành động vô ý thức. Một số người cũng lên tiếng đề nghị dừng lại hành động này nhưng những người tung tin vẫn dửng dưng, thậm chí còn quay ra chửi cả người góp ý.
“Hôm qua thấy mọi người share thông tin ghê quá mình cũng vào góp ý là đừng nên như thế kẻo đổ oan cho người vô tội thế mà bị họ quay ra chửi như tát nước vào mặt. Bảo mình đạo đức giả, cùng một duộc với lũ trong ảnh. Dân mạng giờ đông và hung hãn quá”, một cư dân mạng chia sẻ.
“Nhìn thấy tận mắt còn chưa phải là thật huống hồ nhìn cái ảnh mù mờ rồi ghép cho người ta cái tội kinh tởm. Thi nhau bàn luận làm gì hả mọi người? Khéo hại người chứ không giúp gì được đâu. Chỉ vì cái Facebook này mà bao gia đình tan bành đấy. Suy nghĩ kĩ đã hãy làm, đừng vì quá tò mò mà hại người khác”, chủ nhân Facebook Hương Nguyễn chia sẻ.
Một cư dân mạng khác có tên Võ Linh cho rằng, những hành động kiểu như thế này chính là “giết người không dao”. “ Mình chả hiểu mọi người lấy đâu ra danh tính của những người trong hình. Nhưng khi không có bằng chứng cụ thể mà đưa ảnh họ lên Facebook, và khẳng định chắc nhắn như đúng rồi thì thật là thất đức. Phá hoại hạnh phúc bao nhiêu gia đình chỉ dựa trên phán xét của con mắt từng cá nhân”, người này nói.
Bạn Hồng Nhung cũng cho rằng, với những người vô tình bị lôi vào câu chuyện không hay này, bị hàng ngàn người chỉ trích, chửi bới không lý do, rất có thể sẽ rơi vào trạng thái trầm cảm, không lối thoát.
“Bao nhiêu vụ tự tử chỉ vì cái mạng xã hội này mà ra. Chẳng hiểu mấy bạn ấy có suy nghĩ không? Trong khi không có căn cứ cũng không chắc 100% là người ta mà share ảnh rồi chửi bới vô tội vạ. Tan nát gia đình cuộc sống của người ta thì sao. Tay nhanh hơn đầu, nói cho sướng miệng rồi người chịu là ai”, cư dân mạng này chia sẻ.
Xử phạt hành vi xúc phạm người khác trên Facebook
Trả lời trên báo Tuổi trẻ, ông Nguyễn Đức Thọ, chánh thanh tra Sở Thông tin - truyền thông TP HCM cho biết, việc nói xấu, xúc phạm đến các tổ chức, cá nhân trên Internet, mạng xã hội là một trong những hành vi vi phạm pháp luật. Nghị định 174 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện ban hành ngày 13/11/2013 (có hiệu lực từ ngày 15/1/2014) quy định rõ: Đối với cá nhân cung cấp các thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm cá nhân trên Internet, mạng xã hội bị phạt tiền 20-30 triệu đồng. Cũng hành vi trên nhưng là tổ chức vi phạm bị xử phạt tiền 30-50 triệu đồng.
Còn theo Luật sư Lê Quang Vy, Đoàn luật sư TP HCM, vấn nạn nói xấu, bôi nhọ, vu khống cá nhân hay tổ chức suy cho cùng cũng xuất phát từ tính đố kỵ, ghen ăn tức ở và hẹp hòi của con người mà ra. Điều 25 Bộ luật dân sự 2005 quy định khi quyền nhân thân của cá nhân bị xâm phạm thì người đó có quyền tự mình cải chính, yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm chấm dứt hành vi, xin lỗi, cải chính công khai, yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm bồi thường thiệt hại. Ngoài ra, hành vi vu khống còn là một tội danh được quy định trong Bộ luật hình sự.
Công ty Luật Minh Khuê, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cũng cho hành vi xuyên tạc, xúc phạm danh dự, uy tín của công dân trên facebook là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Vấn đề này được điều chỉnh bởi Luật Công nghệ thông tin năm 2006 và Bộ luật hình sự năm 1999 (Luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009 - “BLHS”). Cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về công nghệ thông tin thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.