Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những ứng viên tiềm năng điều hành kinh tế Trung Quốc

Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội Trung Quốc khóa XIV được cho là thời điểm để nước này vạch ra mục tiêu kinh tế ngắn và dài hạn, nhằm thu hút đầu tư thời kỳ phục hồi sau Covid-19.

Kỳ họp Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc, khai mạc ngày 5/3, dự kiến đưa ra những mục tiêu phục hồi của nền kinh tế số hai thế giới, sau thời gian dài bị tác động bởi Covid-19.

Bên cạnh đó, kỳ họp dự kiến đưa ra những thay đổi trong bộ máy chính trị Trung Quốc nhằm theo đuổi những mục tiêu kinh tế mới. Nhân sự trong các lĩnh vực quan trọng như tài chính cũng có thể được tái cơ cấu.

Nhân sự cho mục tiêu kinh tế

Phiên họp toàn thể Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 28/2 đã ra thông cáo nói Trung Quốc nên mở rộng nhu cầu nội địa, tăng cường khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, phát triển môi trường kinh doanh quốc tế dựa trên luật lệ, ngăn chặn các rủi ro về kinh tế và tài chính, đồng thời cảnh giác trước những rủi ro mang tính hệ thống, theo Tân Hoa xã.

Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ có những thay đổi sâu rộng. Bên cạnh tài chính, công nghệ và khoa học cũng là những lĩnh vực sẽ được theo dõi sát sao.

kinh te trung quoc anh 1

Ông Lý Cường (trái) và ông Hà Lập Phong nhiều khả năng sẽ đảm nhiệm những vị trí cấp cao trong nội các Trung Quốc. Ảnh: Financial Times.

Bộ máy nhân sự Quốc vụ viện (chính phủ) Trung Quốc dự kiến có sự thay đổi. Ông Lý Cường, ủy viên Ban thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc, nhiều khả năng sẽ trở thành thủ tướng. Ông Lý Cường từng có thời gian làm việc cùng ông Tập Cận Bình khi còn là tỉnh trưởng Chiết Giang.

Trong khi đó, chức phó thủ tướng Trung Quốc có thể thuộc về ông Hà Lập Phong, người đang giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc.

Theo Financial Times, ông Hà Lập Phong cũng có thể được bổ nhiệm làm bí thư đảng ủy Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, trong khi vị trí thống đốc ngân hàng có thể thuộc về ông Chu Hạc Tân, người có sự nghiệp làm việc trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng. Ông Lục Trị Nguyên, Bí thư Thành ủy Thanh Đảo, được dự báo sẽ trở thành bộ trưởng Tài chính mới của nước này.

Những vị trí cấp cao được kỳ vọng thực hiện mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế, được coi là trọng tâm trong chính sách của Trung Quốc sau khi dỡ bỏ các lệnh hạn chế Covid-19. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Trung Quốc năm 2022 chỉ tăng 3%, thấp hơn so với mục tiêu 5,5% nước này đặt ra.

Mặc dù tăng trưởng dự kiến phục hồi trong năm nay, đội ngũ kinh tế mới ở Bắc Kinh sẽ phải thuyết phục được các nhà đầu tư rằng Trung Quốc đã nghiêm túc mở cửa hoạt động kinh doanh, ngoài ra phải cam kết giải quyết những trở ngại như nợ chính phủ hay giảm dân số.

“Ưu tiên hàng đầu của quốc hội là vạch ra lộ trình tăng trưởng cả trong ngắn hạn, và thuyết phục các nhà đầu tư về con đường phát triển bền vững dài hạn”, Victor Shih, giáo sư kinh tế chính trị Trung Quốc tại Đại học California, cho biết.

Giải quyết thách thức tài chính

Theo hai nguồn thạo tin, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thảo luận về đề xuất lập một ủy ban giám sát ngân hàng trung ương và các cơ quan tài chính khác, được cho là có nhiều quyền hạn hơn Ủy ban Ổn định và Phát triển Tài chính của Quốc vụ viện Trung Quốc.

Ủy ban mới nhiều khả năng sẽ có quyền ra quyết định nhanh chóng đối với các rủi ro liên ngành, như vụ sụp đổ của tập đoàn bất động sản Evergrande, nguồn tin cho biết.

Quốc hội Trung Quốc dự kiến đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay là 5-5,5%, và chính phủ mới có thể thúc đẩy tăng trưởng thông qua việc rót vốn vào lĩnh vực bất động sản hoặc thúc đẩy tiêu dùng, chuyên gia kinh tế UBS Tao Wang cho biết.

kinh te trung quoc anh 2

Chi tiêu tiêu dùng của Trung Quốc vào năm 2021, tính theo tỷ trọng GDP, thấp hơn so với các nền kinh tế phát triển phương Tây. Đồ họa: Financial Times.

Dù vậy, các nhà kinh tế đã chỉ ra những thách thức để Trung Quốc duy trì tốc độ tăng trưởng thời kỳ phục hồi hậu Covid-19, đặc biệt khi Bắc Kinh đặt mục tiêu thịnh vượng chung vào năm 2035.

Điều này yêu cầu Trung Quốc phải đạt tăng trưởng hàng năm là 3,5% đến năm 2035, để đạt thu nhập bình quân đầu người 20.000 USD/người, Robin Xing, trưởng nhóm kinh tế Trung Quốc tại Morgan Stanley, nói.

Đạt tăng trưởng dài hạn và bền vững cũng đặt ra nhiều câu hỏi về cách thúc đẩy tiêu dùng, khi đây vẫn là nhân tố chiếm tỷ trọng cao trong phát triển kinh tế.

"Chúng ta có thể đạt tăng trưởng tốt trong năm nay và mọi người đều hài lòng. Nhưng nó chỉ là tạm thời", Michael Pettis, giáo sư tài chính tại Đại học Bắc Kinh, nói.

Sự bùng nổ của Trung Quốc

Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả cuốn sách “Sự bùng nổ của Trung Quốc” do NXB Chính trị Quốc gia Sự thật xuất bản tháng 4/2021. Cuốn sách phác thảo bối cảnh diễn ra sự bùng nổ tư bản (vốn) của Trung Quốc và cơ cấu tổ chức xã hội - chính trị những năm 1980 dẫn tới sự bùng nổ này; đồng thời, khám phá những tác động, phạm vi mang tính toàn cầu của sự bùng nổ kinh tế thị trường ở Trung Quốc, từ đó xây dựng một lăng kính giúp chúng ta có thể đánh giá triển vọng phát triển của Trung Quốc một cách toàn diện và đầy đủ hơn.

Kỳ họp 'lưỡng hội' của Trung Quốc quan trọng ra sao?

Các kỳ họp lưỡng hội của Trung Quốc trong những năm qua đã thông báo nhiều thay đổi quan trọng về chính sách của nước này.

Hai trọng tâm được kỳ vọng tại phiên họp Quốc hội Trung Quốc

Giới chuyên gia nhận định ổn định kinh tế và tự chủ công nghệ là hai trọng tâm sẽ được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh trong phiên họp quan trọng vào tháng 3.

Trần Hoàng

Bạn có thể quan tâm