Những vai diễn bị chê nhạt nhòa, 'thảm họa' trong 'Thương nhớ ở ai'
Thứ sáu, 1/12/2017 15:37 (GMT+7)
15:37 1/12/2017
Nhiều gương mặt mới trong phim "Thương nhớ ở ai" bị chê diễn xuất nhạt nhòa, thậm chí "thảm họa" dù nhân vật và kịch bản "có đất dụng võ".
Thương nhớ ở ai là một trong những bộ phim truyền hình được nhiều người quan tâm hiện nay. Phim có sự tham gia của nhiều diễn viên trẻ, dù vậy đạo diễn Lưu Trọng Ninh khẳng định ông "chọn diễn viên đúng với nhân vật chứ không quan trọng chuyện cũ hay mới". Thế nhưng, với 8 tập đã lên sóng, bên cạnh nhưng diễn viên thể hiện tròn vai, không ít gương mặt bị cho là "đơ cứng" trên sóng truyền hình.
Nhân (Ngọc Anh đóng) là một ví dụ điển hình. Nhân thuộc tuyến nhân vật chính của bộ phim, một người phụ nữ có chồng hy sinh ngoài mặt trận, một mình nuôi bầy con thơ. Trong nội tâm của Nhân tồn tại nhiều giằng xé, có tình cảm với Vạn, ghen tuông khi Vạn ở cạnh Hơn nhưng cũng sợ dân làng dị nghị, dèm pha.
Nhân từng được NSND Minh Châu thể hiện xuất sắc trong phiên bản điện ảnh Bến không chồng. Thế nên, với phiên bản truyền hình, nhiều người chờ đợi sự mới mẻ từ diễn viên trẻ Ngọc Anh. Thế nhưng, diễn xuất của Ngọc Anh bị nhận xét là "thảm họa", chính một thành viên trong ê-kíp, xin phép được giấu tên, cũng phải thốt lên "diễn đơ toàn tập".
Vạn (Lâm Vissay): Dù là người có kinh nghiệm diễn xuất, cách xây dựng nhân vật Vạn của Lâm Vissay chưa thực sự thuyết phục người xem. Tương tự như Nhân, Vạn là nhân vật có nhiều đất diễn, nhưng trong nhiều phân cảnh Lâm Vissay diễn như trả bài, không làm nổi bật được những mâu thuẫn trong nội tâm của một chiến sĩ Điện Biên về hậu phương và đứng trước "trăm mối tơ vò" về chuyện tình cảm.
Nhân vật Vạn cũng có nhiều lời thoại rời rạc, lồng tiếng không khớp với diễn xuất và khẩu hình. Về nhân vật này, đạo diễn Lưu Trọng Ninh cho biết ông để Lâm Vissay tự do cảm thụ và thể hiện nhân vật theo cách của mình.
Là người từng thể hiện vai Vạn trong phiên bản Bến không chồng nhưng Lưu Trọng Ninh chia sẻ rằng ông không can thiệp nhiều với đàn em về mặt diễn xuất.
Bà Ba (Bùi Thị Nguyệt): Ngoài tuyến nhân vật chính, nhiều nhân vật phụ có số phận, có đất diễn nhưng lại được giao cho những gương mặt có hạn chế về diễn xuất. Nhân vật bà Ba nhà ông Cương là ví dụ. Vào vai một bà Ba đanh đá, tìm đến tận nhà cô Nương để đánh ghen nhưng cách thể hiện của Bùi Thị Nguyệt lại không thuyết phục. Diễn xuất của cô bị nhận xét là "gồng mình" nhưng lại hời hợt và thiếu tự nhiên.
Liễu (Lê Hồng Anh) gần như là một nhân vật thảm họa trong tuyến nhân vật phụ. Một nhân vật có số phận như Liễu, cô gái bị thả bè trôi sông vì chửa hoang, mang đầy đau khổ, uất nghẹn của số phận lại được đạo diễn Lưu Trọng Ninh giao cho một diễn viên có diễn xuất mới tinh và gần như yếu nhất phim về diễn xuất. Cách thoại, chống tay, ánh mặt của Lê Hồng Anh "như trẻ con đóng kịch" và thực sự không thuyết phục người xem.
Chuyển thể từ tiểu thuyết "Bến không chồng", phim "Thương nhớ ở ai" thu hút một bộ phận khán giả vì khắc họa chân thực số phận bi kịch của những phụ nữ nông thôn thời hậu chiến.
"Thương nhớ ở ai" đang là phim truyền hình được nhiều người quan tâm hiện nay. Phim có nhiều trích đoạn gây chú ý khi mô tả chân thực đời sống nông thôn những năm sau 1954.