Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những vấn đề nữ phó tổng thống Mỹ đầu tiên phải đối mặt

Giống như những người phụ nữ khác nắm giữ quyền lực, tân Phó tổng thống Mỹ sẽ phải đấu tranh với nạn phân biệt giới tính, màu da và lời đàm tiếu về năng lực của mình.

Zing trích dịch bài đăng từ Politico, đề cập đến chặng đường chông gai trước mắt mà bà Kamala Harris phải đối mặt khi trở thành nữ Phó tổng thống đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ.

Chỉ ít phút sau khi kết quả cuộc bầu cử được công bố, mạng xã hội Mỹ như bùng nổ, tràn ngập niềm hân hoan, vui mừng.

“Bà Phó tổng thống Mỹ không còn là một nhân vật giả tưởng nữa”, Julia Louis-Dreyfus, nữ diễn viên phim truyền hình VEEP, đăng trên Twitter.

Có lẽ, bà Kamala Harris (sinh năm 1964) là người sở hữu nhiều dấu mốc “đầu tiên” hơn bất kỳ chính trị gia nào: Nữ Phó tổng thống Mỹ đầu tiên, Phó tổng thống Mỹ da màu đầu tiên, nữ Phó tổng thống Mỹ da màu đầu tiên, người Mỹ gốc Nam Á đầu tiên, người phụ nữ Mỹ gốc Nam Á đầu tiên, Phó tổng thống Mỹ đầu tiên có cha mẹ là người nhập cư từ Ấn Độ và Jamaica, Phó tổng thống Mỹ đầu tiên là “mẹ kế”...

kho khan cua Kamala Harris anh 1

Tân Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris. Ảnh: AP.

Trong vài thập kỷ gần đây, nước Mỹ chứng kiến một loạt những “người đầu tiên”, bên cạnh bà Harris: Carol Moseley Braun - người phụ nữ da đen đầu tiên trong Thượng viện Mỹ, Sonia Maria Sotomayor - thẩm phán người Latin đầu tiên của Tòa án Tối cao Mỹ, Ruth Simmons - nữ Chủ tịch da màu đầu tiên của hệ thống Ivy League…

Nhà Trắng cũng có không ít phụ nữ đóng vai trò là “người đầu tiên”: Một phụ nữ người da đỏ Mỹ được bầu vào Quốc hội, một người nhập cư Ấn Độ, hai phụ nữ Hồi giáo và một người Mỹ gốc Haiti.

Con đường của những nữ chính trị gia Mỹ trên để lại cho bà Harris không ít bài học, trong đó là lời khuyên "hãy thận trọng khi chiến thắng".

Khi một người phụ nữ da màu lên nắm quyền, nhiều người sẽ trông chờ vào cô ấy. Bên cạnh đó, cô ấy phải đương đầu với nạn phân biệt giới tính, chủng tộc và lời đám tiếu về năng lực cá nhân.

Tiêu chuẩn cao hơn vì màu da khác biệt

“Bạn luôn có thể nhận ra một người tiên phong thông qua những trở ngại mà họ từng vượt qua”, cựu Thượng nghị sĩ Mỹ Carol Moseley Braun (sinh năm 1947) chia sẻ.

“Về phần mình, tôi nhận thấy còn nhiều khó khăn mà bản thân chưa lường trước được. Tuy nhiên, được trở thành một phần của Thượng viện Mỹ là trải nghiệm đổi đời đối với tôi”, bà nói.

kho khan cua Kamala Harris anh 2

Cựu Thượng nghị sĩ Mỹ Carol Moseley Braun - người phụ nữ da đen đầu tiên làm việc trong Thượng viện Mỹ. Ảnh: Reuters.

Là người phụ nữ da đen đầu tiên làm việc trong Thượng viện Mỹ, Moseley Braun cảm thấy phải chịu sự giám sát ở mọi mặt, từ ngoại hình đến mối quan hệ giữa bà và vị hôn phu thời đó, rồi cả lập trường của bà về việc cải cách phúc lợi, hay phải chịu những cáo buộc vi phạm đạo đức.

Tất cả những gì Moseley Braun từng nói hoặc làm đều chỉ được nhìn qua “lăng kính” chủng tộc và giới tính của mình.

“Bỗng nhiên, bạn bị đặt vào một tiêu chuẩn khác và cao hơn hẳn. Thực sự, tôi rơi vào tình huống khó khăn vô cùng và gặp không ít vấn đề cần phải giải quyết. Hàng đêm, tôi cầu nguyện rất nhiều để bản thân bình tĩnh lại”, bà nói sau lần thua khi tái tranh cử năm 1998.

Gần 20 năm sau, bà Harris, con gái của hai người Ấn Độ và Jamaica nhập cư, vẫn phải đối mặt với nạn phân biệt chủng tộc. Người thì bảo làn da của bà chưa đủ đen hoặc đen quá, có người lại chỉ trích rằng bà chẳng đen chút nào.

Bất bình đẳng giới

Khi những phụ nữ “đầu tiên” này nắm quyền, đôi khi họ còn gặp phải sự phản kháng từ không ít đàn ông có cùng màu da với họ.

Khi nữ nghị sĩ quốc hội Shirley Chisholm (1924-2005) trở thành người Mỹ da đen đầu tiên tranh cử tổng thống vào năm 1972, bà nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ những phụ nữ Mỹ gốc Phi.

kho khan cua Kamala Harris anh 3

Nghị sĩ quốc hội Shirley Chisholm. Ảnh: History.

Tuy nhiên, cánh đàn ông da đen thì không, theo Beverly Guy-Sheftall, học giả nữ quyền kiêm Giám đốc Trung tâm Tài nguyên và Nghiên cứu Phụ nữ tại Đại học Spelman.

Harris cũng đối mặt với vấn đề tương tự. Một cuộc khảo sát hồi tháng 10 cho thấy chỉ 1/3 nam giới da đen đồng tình với việc ông Joe Biden chọn một phụ nữ da đen làm phó tổng thống.

“Dù là bất kể chủng tộc nào, đàn ông thường bày tỏ sự phản đối khi thấy phụ nữ ngồi ở vị trí mà nam giới cho rằng là của họ. Đây là một vấn đề đáng lo ngại”, Giáo sư Giddings cho biết.

Ngoài ra, sắc đẹp cũng vừa có thể giúp ích, vừa gây cản trở cho phụ nữ, khiến họ không được nhìn nhận bằng thực lực của bản thân.

Theo bà Giddings, Alexandria Ocasio-Cortez, hạ nghị sĩ trẻ tuổi nhất nước Mỹ, được biết đến với nhan sắc nổi bật, thay vì bên cạnh nhiệt huyết và trí tuệ của cô. Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama từng bị chỉ trích khi nhận xét bà Harris, khi đó là Tổng chưởng lý bang California, là “vị tổng trưởng lý đẹp nhất cả nước”.

Padma Lakshmi, một nhà sản xuất chương trình truyền hình người Mỹ gốc Ấn, coi chiến thắng của bà Kamala Harris là “khoảnh khắc vô cùng quan trọng”, khiến cô liên tưởng đến những trải nghiệm cá nhân.

Vào những năm 1990, Lakshmi là siêu mẫu đình đám đầu tiên tại Ấn Độ, sau đó lấn sân sang mảng truyền hình với chương trình America’s Top Chef. Trong sự nghiệp, vô số lần cô phải đối mặt với những lời chỉ trích.

“Dường như bạn không thể vừa đẹp vừa thành công, bất chấp việc bạn đã nỗ lực thế nào. Nó khiến những người xung quanh ngứa mắt”, cô chia sẻ.

kho khan cua Kamala Harris anh 4

Nhà sản xuất chương trình truyền hình người Mỹ gốc Ấn Padma Lakshmi. Ảnh: Medium.

Niềm tự hào của nữ giới

Trong tương lai, bộ đôi Biden - Harris sẽ phải điều hành một quốc gia mệt mỏi vì vừa bị chia rẽ, vừa chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, trước nhiệm vụ khó khăn, nhiều người đặt niềm tin vào tân Phó tổng thống Mỹ.

Bà lớn lên trong nền văn hóa đa sắc tộc: Gia đình là dân nhập cư Mỹ, bố là người Jamaica, mẹ đến từ Ấn Độ, dì có quốc tịch Mexico. Hơn nữa, cuộc chiến chống bất bình đẳng giới của những người phụ nữ “đầu tiên” diễn ra trước đó đã giúp bà Kamala Harris chuẩn bị đối mặt với loạt khó khăn, định kiến xã hội trong tương lai.

Trên hết, việc trở thành “người đầu tiên” là một niềm vinh hạnh. Bà Jayapal cho biết cộng đồng người Nam Á vô cùng vui sướng trước thành công của bà Harris.

“Chúng tôi rất tự hào về cô ấy. Harris không chỉ là người Nam Á mà còn là phụ nữ da đen đầu tiên trúng cử. Chúng tôi hãnh diện về tân Phó tổng thống ở mọi danh tính: Gốc Á, da màu, được nuôi dạy bởi bố mẹ nhập cư…”, bà khẳng định.

kho khan cua Kamala Harris anh 5

Thành công của bà Kamala Harris là niềm tự hào của những người phụ nữ trong xã hội. Ảnh: AP.

Tối ngày 7/11, trong lễ phát biểu hậu đắc cử, dường như Kamala Harris đã tiếp nhận tất cả sức mạnh, niềm tự hào, kỳ vọng và kế thừa thành tựu mà những người phụ nữ đi trước đạt được.

“Những phụ nữ da màu, da trắng, gốc Á, gốc Latin, người Mỹ bản địa… đã mở đường cho khoảnh khắc này. Họ đã chiến đấu và hy sinh rất nhiều vì sự bình đẳng, tự do và công lý cho cộng đồng.

Quá trình phấn đấu này có cả niềm vui và sự tiến bộ. Bởi chúng ta là những người có sức mạnh xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Chính các bạn đã mở ra kỷ nguyên mới cho nước Mỹ”, tân Phó tổng thống phát biểu.

'Kamala Harris là một đứa trẻ luôn tò mò về mọi thứ'

Cậu ruột của tân Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris khẳng định thành công của cháu gái là do gia đình uốn nắn từ nhỏ, đặc biệt chịu sự ảnh hưởng từ chị gái ông.

Hồng Chang

Bạn có thể quan tâm