Quang cảnh khu vực dân cư ở thủ đô Kathmandu và các khu vực lân cận sau động đất mạnh 7,8 độ Richter ngày 25/4/2015. Cơn địa chấn mạnh nhất tại Nepal trong vòng 80 năm đã cướp sinh mạng của hơn 80.000 người dân quốc gia Nam Á. Ngày 12/5/2015, trận dư chấn mạnh 7,3 độ Richter rung chuyển miền Đông Nepal, gần núi Everest, khiến hơn 100 người chết và hàng nghìn người bị thương. Nhiều khu di tích lịch sử của Nepal bị phá hủy sau thảm họa kinh hoàng. Ảnh: Reuters |
Người dân cố gắng cứu các nạn nhân mắc kẹt bên trong một ngôi đền ở quảng trường Bashantapur Durbar sau động đất và khung cảnh một năm sau vẫn rất hỗn độn. Hoạt động tái thiết ở Nepal hiện diễn ra chậm chạp, nhiều khu vực lều tạm vẫn tồn tại ở thủ đô Kathmandu. “Thật ngạc nhiên khi nơi đây thay đổi rất ít trong suốt một năm qua”, nhiếp ảnh gia James Nachtwey của tạp chí TIME, nhận xét. Ảnh: Reuters |
Theo cơ quan Chữ Thập đỏ, 4 triệu người Nepal hiện sống tại các lều trại tạm thời dưới mức tiêu chuẩn. Sau động đất, chính phủ đã hỗ trợ các gia đình nạn nhân một khoản tiền nhỏ và hứa sẽ giúp đỡ mỗi gia đình mất nhà khoảng 2.000 USD để xây dựng lại nơi ở. Tuy nhiên, hiện số tiền đó vẫn chưa được trao tay người dân. “Mọi người (trong chính phủ) tới rồi lại đi nhưng không làm gì cả. Cho tới nay, chúng tôi chưa nhận được khoản hỗ trợ nào”, Tejkumati Nagarkoti, sống trong nhà tạm ở làng Bajrabarahi, cho hay. Ảnh: Reuters |
Một vài hoạt động tái thiết được thực hiện, nhưng nhìn chung mọi thứ ít thay đổi kể từ năm ngoái. Người dân vẫn tiếp tục sống giữa đống đổ nát của các ngôi nhà cũ. Để hỗ trợ Nepal khắc phục hậu quả thiên tai, các nhà tài trợ quốc tế cam kết ủng hộ nước này 4,1 tỷ USD trong một cuộc họp vào tháng 6/2015 ở Kathmandu. Tuy nhiên, số tiền để hỗ trợ người dân xây lại nhà cửa bị giữ lại do nền chính trị rối ren của Nepal. Các lãnh đạo của đất nước tham gia vào cuộc chiến kéo dài để đưa ra một hiến pháp mới, gây ra các cuộc biểu tình bạo lực giữa những cộng đồng sống dọc biên giới phía nam, giáp Ấn Độ. Ảnh: Channel News Asia |
Trường trung học Shree Padma ở Kathmandu bị hư hại sau động đất kêu gọi sự giúp đỡ từ cộng đồng để xây dựng lại cơ sở vật chất, phục vụ học sinh. Ảnh: Channel News Asia |
Quang cảnh bên ngoài một ngôi đền ở Kathmandu ngay sau động đất và 11 tháng sau đó. Người dân Nepal cảm thấy cuộc sống của họ không khá hơn so với một năm trước. Sau khi chồng thiệt mạng bởi động đất, gia đình bà Beli Bishta phải sống trong lán chật hẹp giữa đống đổ nát của căn nhà bị phá hủy. “Chúng tôi đã mất mọi thứ, không ai hỗ trợ. Tôi đã phải bán đất bởi đó là cách duy nhất chúng tôi có thể làm”, bà Beli Bishta, mẹ của 3 đứa trẻ nói. Ảnh: Channel News Asia |
Du lịch, vốn chiếm 9% nền kinh tế Nepal, cũng chịu tổn thất lớn từ động đất. Nhiều du khách không trở lại quốc gia Nam Á do lo sợ thảm họa và ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nhiên liệu kéo dài 5 tháng cuối năm 2015. Số lượng du khách tới Nepal giảm khoảng 40% so với năm ngoái. Trong khi đó, số lượng khách du lịch quay trở lại khám phá đỉnh Everest dần khôi phục, dù ở mức thấp. Theo Sở Du lịch Nepal, trong mùa du lịch năm nay, 279 người đã đăng ký khám phá Everest. Đây là một tín hiệu tốt khi khách du lịch có thể đem lại hàng triệu USD cho quốc gia Nam Á, một năm sau thảm họa tồi tệ. Ảnh: Reuters |
Ngoài cuộc sống bị xáo trộn, thiên tai lớn đã để lại những vết sẹo tâm lý cho người dân Nepal. Bishnu Maya Dhagal, 72 tuổi, cố gắng chống chọi từng ngày. “Tôi không có bất cứ thứ gì”, người phụ nữ vô gia cư nói. Nhà của bà đã bị phá hủy hoàn toàn sau động đất. Saathi, tổ chức phi chính phủ do Liên Hợp Quốc tài trợ, được thành lập nhằm giúp đỡ phụ nữ Nepal vượt qua cú sốc lớn sau cơn địa chấn. Khoảng 150 phụ nữ đã được Saathi giúp đỡ thông qua các dịch vụ hỗ trợ, bao gồm cả tư vấn tâm lý. Ảnh: Reuters |
Chuyên gia tâm lý học Krista Rajkarnikar cho hay, nhu cầu về dịch vụ sức khỏe tâm thần tăng vọt trong nhiều tuần và tháng sau trận động đất, đặc biệt đối với cư dân vùng đô thị. Theo Rajkarnikar, người dân Nepal đang trải qua các hiện tượng tâm lý như cảm giác lo lắng, ác mộng, mất ngủ, mất cảm giác ngon miệng. "Điều đó kéo theo chứng trầm cảm hay rắc rối trong các mối quan hệ”, Channel News Asia dẫn lời chuyên gia Rajkarnikar nói. Cô thừa nhận đây là hiện tượng bất thường bởi sức khỏe tâm thần chưa bao giờ là vấn đề nghiêm trọng ở Nepal. Ảnh: Reuters
|