Vụ án về tranh chấp vật nuôi, phải đưa bò đi giám định ADN, hay chuyện vợ chồng ly hôn đòi chia cá dưới ao là hai trong những số những vụ khiến thẩm phán đau đầu vì những tình tiết ly kỳ, chưa hề có tiền lệ.
Vợ chồng ly hôn, đòi chia cá dưới ao
Thẩm phán Nguyễn Khắc Hoàn, Phó chánh án Tòa án nhân dân (TAND) huyện Thạch Hà là người có 17 năm công tác trong ngành tòa án, 7 năm là thẩm phán, trực tiếp xét xử hàng trăm vụ án hôn nhân gia đình.
Tuy vậy, vụ án vợ chồng ly hôn, đòi chia cá dưới ao là lần đầu tiên ông Hoàn thụ lý bởi tình huống hy hữu này.
Ông Hoàn nhớ lại, đầu năm 2022, TAND huyện Thạch Hà nhận được đơn khởi kiện của chị P.T.A. (trú tại huyện Thạch Hà) về việc yêu cầu ly hôn với chồng là anh N.X.Đ.
Ngoài việc đưa ra yêu cầu liên quan đến quyền nuôi dưỡng con, chị A. đề nghị tòa án phân chia khối tài sản chung mà 2 vợ chồng tạo lập được gồm đất, nhà ở và một thửa đất thuê của nhà nước để nuôi trồng thủy, hải sản. Phần tài sản thuộc đất thuê theo chị A. đề cập, có một lượng cá trong hồ.
Trụ sở Tòa án Nhân dân huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. |
Quá trình hòa giải diễn ra khá căng thẳng bởi các đương sự không tìm được tiếng nói chung trong vấn đề phân chia tài sản.
Cả chị A. và anh Đ. đều tỏ thái độ gay gắt nhằm bảo vệ quyền lợi cho bản thân. Trong khi chị A. yêu cầu chia đều thửa đất thuê cho 5 thành viên trong gia đình và chia đôi tài sản trên đất cho các bên được hưởng thì anh Đ. lại kiên quyết bác bỏ.
Sau một thời gian không tìm được tiếng nói chung, bất ngờ cả nguyên đơn và bị đơn đều yêu cầu cán bộ tòa án phải bắt toàn bộ cá nuôi dưới hồ (tài sản trên đất) để đong đếm, phân chia nhằm đảm bảo tính công bằng.
“Những tài sản khác thì có thể nhìn thấy và dễ phân chia, còn cá ở dưới nước, cá to, cá nhỏ, cá loại gì thì chưa thể biết được nên sẽ có khó khăn”, thẩm phán Nguyễn Khắc Hoàn cho hay.
Để có căn cứ xác thực trong quá trình giải quyết vụ án, thẩm phán Nguyễn Khắc Hoàn trực tiếp đến thửa đất nuôi trồng thủy sản của gia đình chị A., anh Đ. thẩm định.
Qua quan sát thực tế và tìm hiểu một số bên liên quan, vị thẩm phán xác định được trong hồ đang nuôi khoảng một tấn cá các loại (cá trắm, cá chim...).
Ông Hoàn còn tham khảo ý kiến của các hộ nuôi trồng thủy sản lâu năm, để đưa ra số liệu tương đối nhất nhằm sớm tháo gỡ nút thắt của vụ án.
“Lúc đầu chị A. nói dưới hồ có khoảng 5 tấn cá, sau đó thì nói khoảng 2 tấn. Giá cá đưa ra là 70.000 đồng/kg. Tôi phải mất vài tuần đi tìm hiểu để đưa ra các số liệu, việc tính toán giá trị kinh tế chỉ nằm ở mức tương đối. Ngoài ra, vấn đề đánh bắt toàn bộ cá không thể tiến hành ngay mà cần có thời gian, chưa kể đến rủi ro trong quá trình thực hiện.
Chi phí thuê người đánh bắt dự tính sẽ rất lớn, trong khi khó bảo đảm tài sản còn nguyên vẹn, như vậy, thất thoát về mặt kinh tế là không hề nhỏ”, ông Hoàn phân tích cho các đương sự hiểu và nhận thức đúng về quá trình giải quyết.
Cũng theo ông Hoàn, nếu không hòa giải thành công thì buộc phải bắt cá lên để định giá, sau đó mới phân chia.
Mà muốn định giá thì phải thành lập hội đồng và phải mời những người có chuyên môn. Chính vì thế vụ án sẽ kéo dài và kéo theo nhiều khó khăn khác.
Trước phân tích thấu tình đạt lý của thẩm phán, chị A. và anh Đ. dần hiểu ra. Tại buổi hòa giải cuối cùng trước khi ra tòa, đôi bên đi đến thống nhất về số lượng cá dưới hồ, cũng như giá bán và hướng xử lý.
Đưa bò đi giám định ADN
Một vụ án hy hữu khác lại đòi tranh chấp vật nuôi, phải đưa bò đi giám định ADN cũng khiến thẩm phán Nguyễn Thành Nhân, Chánh án TAND huyện Thạch Hà nhớ mãi.
Nguyên đơn trong vụ án là ông Hải (ngụ xã Lưu Vĩnh Sơn), bị đơn là ông Cường (ngụ xã Thạch Xuân). Gia đình ông Hải có 9 con bò, được nuôi thả ở khu vực Đá Dóc, xã Lưu Vĩnh Sơn.
Tối 7/5/2020, sau khi lùa bò về, ông Hải thấy mất 3 con (2 bò cái và một con bê). Thời điểm bị mất, một con bò đã mang thai gần 9 tháng.
Đến ngày 12/5/2020, con trai ông Hải thấy 3 con trong số đàn bò của ông Cường có nhiều điểm tương đồng với vật nuôi của gia đình nên gọi điện báo cho bố.
Sau khi quan sát và cho rằng đó là bò nhà mình, ông Hải làm đơn khởi kiện, đòi ông Cường trả lại 4 con bò gồm 2 con bò cái, 2 con bê (ông Hải cho rằng một con bê được sinh ra trong thời gian ông Cường nuôi giữ). Tổng giá trị 4 con vật được định giá gần 39,9 triệu đồng.
Tại phiên tòa, ông Hải đã trình bày cụ thể về thời điểm, số lượng mất, đặc điểm nhận dạng... của vật nuôi trùng khớp với các biên bản làm việc từ trước.
Trong đó, xuất hiện một chi tiết “đắt giá”, lỗ tai bên phải của một trong 2 con bò cái có bấm một lỗ tròn và cắt thẳng xuống theo chiều tai dài 4-5 cm. Vết tích này do ông Hải dùng ghim sách vở gắn với ống kim loại bấm để đánh dấu.
Về phía bị đơn, gia đình ông Cường trình bày, gia đình có 23 con bò nuôi thả tại Khu bảo tồn Kẻ Gỗ, Thạch Xuân; có 2 con bị mất từ thời điểm 18/1/2020 (âm lịch) đến tháng 3 (âm lịch).
Trong đó, một con bò cái sinh thêm một con bê đực, tổng cộng gia đình ông Cường tìm lại được 3 con bò.
Để giải quyết tranh chấp, cơ quan chức năng đã tiến hành giám định ADN cho bò bằng cách lấy mẫu của bò cái được ông Cường nuôi giữ và con bê của nhà ông Hải.
Kết quả, hai con vật này có quan hệ huyết thống mẹ con với xác suất hơn 99%. Từ đó, đủ cơ sở xác định 4 con vật thuộc sở hữu của ông Hải.
Sau quá trình xét xử sơ thẩm vào ngày 19/8/2020, TAND huyện Thạch Hà tuyên buộc ông Cường trả lại 4 vật nuôi cho ông Hải.
Cùng đó, nguyên đơn có nghĩa vụ trả cho bị đơn hơn 2,4 triệu đồng tiền công chăn dắt và 1/2 giá trị con bê cái mới sinh (tương đương 1 triệu đồng). Ngoài ra, ông Cường phải hoàn trả cho ông Hải 7,5 triệu đồng chi phí giám định ADN.
Theo luật sư Nguyễn Văn Huế, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, trong việc chia tài sản khi ly hôn xác định có những phần là tài sản chung, có những phần là tài sản riêng, việc chia tài sản chung được thực hiện dựa vào một số nguyên tắc nhất định trong luật.
Ngoài ra việc chia tài sản cũng được xác định với hai phương pháp cơ bản: có thể vợ chồng tự chia mà không đưa vào vụ án, không nhờ tòa án giải quyết; Hoặc tòa án sẽ giải quyết việc chia. Khi tòa giải quyết việc chia cũng có thể là chia theo thỏa thuận của vợ chồng, trừ khi vợ chồng không thỏa thuận được thì tòa án sẽ chia theo quy định của pháp luật.
Để hiểu hơn về Bộ luật hình sự, trách nhiệm hình sự, 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật hình sự hay những quy định về xử phạt hành chính, khiếu nại, tố cáo… mời độc giả của Zing truy cập Tủ sách Pháp luật.
Bên cạnh đó, bạn đọc cũng có thể tìm hiểu các quy định về thuế thu nhập cá nhân, quy định về các khoản thưởng không phải chịu thuế hoặc Luật cư trú, Luật hộ tịch và các điều cần biết khác…