Từ thời Trần, những vụ hỏa hoạn lớn được ghi chép vào các tài liệu lịch sử. Một trong số đó là vụ hỏa hoạn ở kinh thành Thăng Long năm 1278, đích thân vua Trần Thánh Tông phải dẫn quân lính đi chữa cháy.
Những vụ hỏa hoạn được chính sử chép lại
Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư dù ghi chép khá vắn tắt, nhưng cũng chỉ ra những vụ hỏa hoạn lớn trong lịch sử khiến các triều đại phong kiến bao phen nguy khốn.
Năm Giáp Dần (1434) ở kinh thành Thăng Long cháy lớn khiến hàng trăm nóc nhà bị thiêu rụi, có người chết cháy.
Đến năm Tân Mùi (1631), chúa Trịnh Tráng ngồi ngự ở Đông Lâu, sai đào sông cho thuyền đánh nhau và tập bắn thì hỏa hoạn xảy ra. Đám cháy lan rộng vào nhiều đường phố trong kinh thành, vào cả vương phủ, cung điện. Vua Lê Thần Tông phải bỏ chạy khỏi kinh thành lánh nạn. Bốn ngày sau, khi đám cháy được khắc phục, ông mới về hoàng cung.
Luật pháp xưa nghiêm trị những ai gây ra hỏa hoạn. Ảnh: Tư liệu |
Đến thời nhà Nguyễn, khi kinh thành được chuyển về Phú Xuân (Huế), Thăng Long vẫn là đô thành quan trọng. Hoạt động ở đây đều được chính sử ghi chép. Khoảng thời gian này, một số vụ cháy lớn xảy ra ở Thăng Long, để lại hậu quả nghiêm trọng. Vua Minh Mạng phải ra lệnh cho mở kho lương thực cứu dân.
Sách Quốc sử di biên chép: “Năm 1828, Bắc Thành cháy to, bắt đầu cháy từ phố Hàng Mũ, sau đến kho gạo, cháy lan vài trăm nhà, người và súc vật phần nhiều bị thương, đều cấp cho tiền tuất và vải trắng”.
Không lâu sau đó, một vụ cháy lớn thứ hai xuất hiện, lửa lan rộng tới 27 phường ở Thăng Long, đốt cháy 1.430 căn nhà, gây chấn động cả nước. Năm 1437, một vụ cháy khủng khiếp khác thiêu rụi 1.400 căn nhà, làm rất nhiều người dân thiệt mạng và bị thương. Quan tổng đốc Bắc Thành cũng suýt chết cháy, hàng nghìn gia đình mất sạch cơ nghiệp.
Nghiêm trị tội gây hỏa hoạn
Nhận thức rất rõ hậu quả khủng khiếp do hỏa hoạn gây ra nên từ xa xưa cha ông ta đã có những quy định cụ thể để xử phạt những ai gây ra hỏa hoạn khiến lương dân thống khổ.
Từ thời nhà Lê, luật pháp quy định xử phạt các hành vi gây hỏa hoạn. Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, năm 1467, thuận lời tâu của thượng thư bộ Hộ, vua Lê Thánh Tông ban lệnh “cấm không được dùng diêm tiêu làm trò chơi đốt pháo bông”.
Sau khi bộ Luật Hồng Đức ra đời, tội gây hỏa hoạn được quy định chi tiết. Điều 87 quy định ai gây hỏa hoạn trong sơn lăng, mồ mả vua thì bị lưu đày. Làm cháy đến cây cối thì bị xử nghiêm một bậc, phải bồi thường các tổn hại ấy.
Điều 610 quy định: “Thấy lửa bốc cháy mà không báo, chạy đến cứu mà không làm thì bị xử tội nhẹ hơn kẻ gây hỏa hoạn hai bậc. Quan quân canh giữ cung điện, kho lẫm, coi tù đều không được rời vị trí cứu hảo, trái luật bị đánh 80 trượng”.
Cũng theo Luật Hồng Đức, ở kinh thành để xảy ra hỏa hoạn, cháy nhà mình bị phạt 80 trượng, để cháy sang nhà hàng xóm bị phạt 80 trượng và đem bêu trước công chúng ba ngày, phạt 10 quan tiền sung công.
Nếu để cháy nhà tông miếu trong cung cấm thì bị xử tội lưu. Cố ý đốt nhà người khác bị xử như tội ăn cướp. Đàn bà ghen tuông đốt nhà bị xử tội như ăn trộm. Ban thưởng cho ai bắt được kẻ gây ra hỏa hoạn như thưởng cho người bắt được trộm cướp.
Những kẻ thừa cơ khi có trộm, cướp, lụt, cháy mà vơ vét tiền của người khác đều bị xử theo tội ăn trộm.
Đến năm 1687, vua Lê Hy Tông ban lệnh “cố ý đốt cháy nhà người, luận theo tội cướp bóc, bị xử trảm. Thưởng cho người bắt được 50 quan tiền quý”.
Theo sách Sử Việt những bất ngờ lý thú, đến thời nhà Nguyễn, vua Minh Mạng quy định: “Người gây hỏa hoạn chỉ cháy nhà mình bị phạt 100 trượng, nếu cháy sang nhà khác thì bị phạt tù, đóng gông”.
Dù không thể ghi chép hết những vụ hỏa hoạn trong lịch sử, qua một số sách sử, chúng ta có thể thấy từ xa xưa, việc phòng chống hỏa hoạn và nghiêm trị những kẻ gây ra hỏa hoạn rất được coi trọng.