T
rước đêm xảy ra vụ 7 thanh niên dương tính với ma túy bị thiệt mạng tại lễ hội âm nhạc điện tử "Du hành tới mặt trăng" ở Hà Nội, ngày 15/9 tại chương trình âm nhạc Defqon 1 ở thành phố Sydney của Australia, hai 9X thiệt mạng, 13 nạn nhân nhập viện và 700 người khác cần sự trợ giúp y tế. Tất cả bị "sốc thuốc".
Ác mộng "sốc nhiệt"
Trước đó, vào tháng 2/2017, giới chức thành phố Melbourne (Australia) hốt hoảng vì 30 thanh niên đang vui vẻ tham dự lễ hội âm nhạc Electric Parade bỗng lăn đùng ra bất tỉnh và buộc phải được chăm sóc y tế khẩn cấp do sốc GHB (còn gọi là "nước biển") – một chất có tác dụng làm giảm nhịp tim, gây choáng váng, thậm chí ngất xỉu hoặc co giật. Nhưng họ vẫn thuộc dạng may khi qua cơn nguy kịch và sống sót.
Lễ hội Defqon 1 tổ chức hàng năm tại Australia, quy tụ hàng nghìn người hâm mộ dòng nhạc điện tử. Ảnh: Defqon 1. |
Tại Argentina, Time Warp Festival 2016 diễn ra ở Buenos Aires bị hủy giữa chừng sau vụ sốc thuốc tập thể khiến 5 bạn trẻ từ 21-25 tuổi tử vong và 5 người khác "thập tử nhất sinh".
Thảm kịch tương tự xảy ra tại Future Music Festival Asia 2014, khi 6 nạn nhân chết do "sốc nhiệt” sau khi sử dụng các chất kích thích như thuốc lắc, ma túy đá... ngay giữa sân vận động quốc gia Bukit Jalil, phía nam thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia.
Trang Billboard thống kê rằng chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2014, 15 trường hợp tử vong do liên quan đến chất kích thích tại các lễ hội âm nhạc quy mô đã được ghi nhận khắp thế giới.
Chi tiết hơn nữa, nghiên cứu của Sheila Turris và Adam Lund, hai tiến sĩ chuyên ngành Cấp cứu y khoa đến từ Viện đại học British Columbia, viện đại học lớn nhất thành phố Vancouver, Canada, cho thấy trong vòng 16 năm, tổng cộng 722 người đã thiệt mạng khi tham gia các lễ hội âm nhạc. 13% trong số đó chết do "sốc thuốc" trực tiếp.
Con số 13% thoạt trông có vẻ ít ỏi, nhưng nên nhớ rằng đó chỉ mới tính đến các vụ tử vong trực tiếp do sốc thuốc.
Hãy tưởng tượng bạn đang mắc kẹt giữa một đám đông khán giả cuồng nhiệt với hàng nghìn, hàng vạn, thậm chí hàng triệu người và rất nhiều trong số đó có sử dụng chất kích thích... thì việc len lỏi để tiếp cận các vị trí cung cấp điều kiện sinh tồn cơ bản như thức ăn, nước uống, chăm sóc y tế,... trong trạng thái tỉnh táo đã là cơn ác mộng, chứ chưa tính đến trường hợp bị ảo giác.
Hai khảo sát của detox.net và TickPick cho thấy cần sa cùng với thức uống có cồn, ma túy tổng hợp, nấm ảo giác, LSD, cocaine, bạch phiến là 7 loại chất kích thích được sử dụng phổ biến nhất tại các lễ hội âm nhạc trên thế giới. Ảnh: AP. |
Chưa kể rằng khi “phê”, khả năng người dùng chất kích thích bị lạm dụng tình dục, dẫm đạp, tấn công bằng vũ lực... thậm chí tự sát hoặc tử vong vì nguyên nhân tự nhiên (đột quỵ, co giật, trụy tim...) trong lúc đang tham gia các sự kiện tập thể là có thật.
"Bán mạng" vì chất kích thích
Nguy hiểm là thế, tại sao tâm lý “âm nhạc và chất kích thích là đôi bạn thân” vẫn tồn tại cho đến hôm nay? Nhiều nghệ sĩ cho rằng chất kích thích giúp họ giải phóng bản thân cũng như tâm hồn, khiến tư duy thanh thoát hơn, sáng tác hay hơn, nhưng chúng ta có thể kể ra vô số những con người tài năng đã "bán mạng" vì chất kích thích.
Đó là huyền thoại Rock ‘n’ Roll Elvis Presley, nữ nghệ sĩ đạt nhiều giải thưởng nhất mọi thời đại Whitney Houston, ngôi sao của loạt phim truyền hình Glee Finn Hudson, Kurt Cobain - chàng ca sĩ tự bắn vào đầu sau khi sử dụng heroin và diazepam liều cao, trường hợp gần đây nhất là rapper Mac Miller.
Còn đối với một số người thưởng thức âm nhạc, họ cho rằng “phải có ‘hàng’ thì 'quẩy' mới nhiệt, mới cảm thụ được cái tinh túy của âm nhạc, mới chơi hết mình được”, chứng tỏ “ta đây là dân chơi”, muốn chiều chuộng ham muốn sống buông thả của bản thân.
Thực tế, chất kích thích như thuốc lắc, cần sa, heroin... tác động lên hệ thần kinh trung ương, khiến người sử dụng hưng phấn, sảng khoái, thấy cơ thể dường như tự tin, nhẹ nhàng, thanh thoát hơn, đồng thời tăng cường giác quan, giảm đau... Nhưng, đánh đổi một chút sung sướng “ảo” đó bằng mạng sống của chính mình liệu có đáng?
Các festival âm nhạc lớn như Glastonbury, Coachella, Burning Man, Tomorrowland, Ultra... thường là nơi khán giả trẻ sử dụng chất kích thích. Ảnh: Getty Images . |
“Tôi phát nản với những người đe doạ mạng sống của chính mình bằng cách sử dụng những loại thuốc nguy hiểm đó”, ông Paul Holman, thuộc cơ quan phụ trách các vấn đề về cấp cứu bang Victoria (Australia), đã thốt lên như vậy sau sự kiện Electric Parade hồi tháng 2/2017.
Còn tại Việt Nam, khi số lượng lễ hội âm nhạc quy mô ngày càng nhiều, việc sử dụng ma túy, chất thức thần trở thành phong trào thì vụ 7 người thiệt mạng tại lễ hội âm nhạc "Du hành tới mặt trăng" ở Hà Nội có khiến cơ quan chức năng cũng như các nhà tổ chức có trách nhiệm hơn trong việc kiểm soát, ngăn chặn sử dụng chất kích thích đối với khán giả?