Xã hội
Ảnh & Video
Những xe hủ tiếu 60 năm tuổi ở Sài Gòn
- Chủ nhật, 20/7/2014 08:29 (GMT+7)
- 08:29 20/7/2014
Anh Văn không nhớ rõ mình là đời thứ thứ bao nhiêu của dòng họ từ Triều Châu di cư đến đây nhưng chiếc xe hủ tiếu, mì truyền lại từ đời ba anh, đến nay cũng ngót nghét gần 60 năm.
|
Những người Hoa đầu tiên từ Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây, Triều Châu… đã đặt bước chân di dân đầu tiên lên “Hòn ngọc viễn đông”. Họ mang theo nhiều nét văn hóa, phong tục khác nhau làm cho linh hồn mảnh đất này thêm phong phú. Mà trong đó, nghệ thuật ẩm thực là nét chấm phá thú vị, với điểm nhấn đặc sắc là hình ảnh những chiếc xe hủ tiếu, mì “chở” trên mình các điển xưa tích cũ của lịch sử Trung Hoa. |
|
Năm 1778 người Hoa từ Cù lao Phố đã chuyển về Chợ Lớn sinh sống và một cộng đồng người Hoa bắt đầu hình thành. Cũng từ đó những chiếc xe hủ tiếu mì đầu tiên bắt đầu xuất hiện ở Sài Gòn. Ban đầu phần lớn người Hoa tập trung ở khu Chợ Lớn. Anh Lưu Khải Văn không nhớ rõ mình là đời thứ bao nhiêu của dòng họ từ Triều Châu di cư đến đây nhưng chiếc xe hủ tiếu mì truyền lại từ đời ba anh, đến nay cũng ngót nghét gần 60 năm. |
|
Cứ đều đặn 7h sáng anh bắt đầu nấu và chế biến nguyên vật liệu, đến 13h chiều thì bày bán, đến 23h khuya lại dọn hàng. Chu kỳ ấy cứ tiếp diễn đều đặn tuần tự từ hàng chục năm nay. Tất cả công thức nấu nước lèo, pha chế đều “bí truyền” riêng trong dòng họ. |
|
Hơn 43 tuổi, anh Văn vẫn chưa có thời gian để lập gia đình nên anh nhận một đứa con để làm niềm vui, hạnh phúc cho cuộc sống hàng ngày cũng như có người nối nghiệp nhà. |
|
Hiện nay, anh chị em anh Văn đều sống quây quần cùng nhau trong xóm nhỏ ở đường Cao Văn Lầu. Mọi người cùng giúp đỡ nhau nối nghiệp gia đình. Anh hai, anh ba cùng thay phiên “đứa em” buôn bán. |
|
Ngày xưa, nơi đây còn là vựa gạo rất lớn của Sài Gòn - Chợ Lớn. Bên cạnh gia đình anh Văn còn nhiều hàng xóm láng giềng khác cùng nương tựa lẫn nhau. Anh mua gạo ủng hộ về làm hủ tiếu, ngược lại họ sẵn sàng thưởng thức những tô mì ngon của quán anh. “Truyền thống” nghĩa tình làng xóm tốt đẹp ấy kéo dài hàng chục năm đến tận bây giờ. |
|
Khác với gia đình anh Văn, ông bà nhà cô Ngọc từ Quảng Châu lại di dân về sinh sống gần cầu Băng Ky, Bình Thạnh và xe hủ tiếu mì của gia đình cũng có tuổi đời hơn 60 năm. Cô chia sẻ, xe được làm bằng gỗ đỏ rất chắc chắn, mấy miếng lót inox thay mấy lần rồi mà gỗ vẫn còn nguyên. |
|
Những hoa văn các điển tích xưa vẽ trên kính xe cũng nhuốm màu thời gian nhưng vẫn còn sắc nét. Các nét vẽ tinh tế sống động nhắc lại những cuộc chiến đẫm máu trong lịch sử Trung Hoa cổ đại. |
|
Hay như tích Lã Bố lén hội phụng Nghi đình gặp Điêu Thuyền, một trong tứ đại mĩ nhân Trung Hoa xưa. Điều thú vị là các tích đều là văn hóa, lịch sử Trung Hoa nhưng người nghệ nhân đều có chú thích bằng từ thuần Việt như một sự kết giao hài hòa của văn hóa Việt – Trung. |
|
Không cổ xưa như ở các gia đình khác, xe của dòng họ Tâm Ký di cư từ Quảng Đông sang có nhiều hoa văn sắc sảo và bóng loáng cuốn hút. Anh Tâm chia sẻ chiếc xe trước do đã quá lâu nên không còn nữa, chiếc xe này mới đóng lại. Gia đình vẫn yêu cầu giữ nguyên dáng vẻ như chiếc xe cũ để ghi nhớ lại những hình ảnh đẹp. |
|
Hình ảnh tái hiện lại tích Tiết Đinh San phá phép Dương Phàn. |
|
Những điển tích không phải được vẽ ngẫu nhiên rời rạc mà có liên kết chặt chẽ là một câu chuyện cuốn hút tiếp nối nhau. |
|
Ngày nay khi cuộc sống trở nên vội vã hơn bao giờ hết, khách đi đường cũng vội vàng lướt qua mà không còn kịp ngắm nhìn những hình ảnh thân quen của Sài Gòn xưa. |
|
Những xe hủ tiếu, mì nhỏ ven đường, thật khó vượt qua được những nhà hàng sang trọng rực rỡ ánh đèn để níu chân thực khách. |
|
Dẫu vậy, với niềm hoài cổ, tình nghĩa xóm giềng và của hương vị đặt biệt, những chiếc xe mì nhỏ vẫn tồn tại khắp nơi. Một chút hình bóng của Sài Gòn xưa lưu lại giữa náo nhiệt của Sài Gòn ngày nay. |
Sài Gòn- Chợ Lớn
hòn ngọc Viễn Đông
người Hoa
hủ tiếu
văn hoá
phong tục
Trung Hoa