Nhụy của hoa nghệ tây (saffron) hay còn gọi là “vàng đỏ” có giá bán cao ngất ngưởng từ 250-450 triệu đồng/kg. Chúng được quảng cáo như một loại "thần dược" có thể trị được bách bệnh, kể cả ung thư. Tuy nhiên, bao nhiêu phần trăm là công dụng thật, bao nhiêu phần trăm được thổi phồng?
Zing.vn xin đăng tải bài viết của Nguyễn Thái Anh Thư, cử nhân Công nghệ sinh học, Đại học Yonsei, Hàn Quốc, thành viên Ban Khoa học Ruy Băng Tím về loại "thần dược" này.
Saffron có tên khoa học Crocus sativus L, là thực vật một lá mầm (monocotyledon), thuộc họ Diên Vĩ (Iridaceae), có nguồn gốc từ Nam châu Âu và vùng Tây Nam Á. Chúng mọc hoang dại ở nơi có khí hậu nhiệt đới khô như Iran, Ấn Độ, Hy Lạp, Morocco, Tây Ban Nha, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Ai Cập...
Saffron được sử dụng trong chế biến thực phẩm và Đông y. Nhụy hoa nghệ tây có giá trị kinh tế cao do chứa nhiều hợp chất tốt cho sức khỏe. So với các loại thực phẩm khác, saffron giàu vitamin như riboflavin (vitamin B2) là 56-138 μg/g (ở cà chua chín là khoảng 3400 μg/g) và thiamine (vitamin B1) 0.7-4 μg/g (quả khóm/thơm là khoảng 2 ug/g).
Nhụy hoa nghệ tây được bán với giá đắt đỏ trên thị trường. Ảnh: Deskgram. |
Giá trị của saffron chủ yếu được đánh giá bởi 4 hợp chất crocin, crocetin, picrocin và safranal. Các hợp chất này có vai trò quan trọng trong đặc tính của cây như tác dụng sinh lý, màu sắc, mùi cũng như vị đắng. Màu sắc của saffron chủ yếu liên quan đến số lượng và chất lượng thành phần của crocin, một hợp chất dẫn xuất diester của disaccharide gentiobiose và crocetin (khoảng 6-16% trong nhụy khô). Crocin và crocetin là một dạng không điển hình của carotenoid. Crocin và crocetin cũng có ở hạt của cây dành dành (Gardenia jasminoides)
Hiện nay, nhiều nghiên cứu về công dụng của saffron trong điều trị bệnh, tập trung ở các bệnh lý như trầm cảm, alzheimer, parkinson, tiểu đường và cả ung thư. Trong số đó, các thử nghiệm lâm sàng chủ yếu ở bệnh trầm cảm, alzheimer và parkinson.
Các nghiên cứu trong tiểu đường và ung thư chỉ mới dừng lại ở phòng thí nghiệm. Các thử nghiệm lâm sàng cũng còn nhiều mặt hạn chế vì số lượng nghiên cứu ít, quy trình chưa đồng nhất, số lượng bệnh nhân tham gia không nhiều làm giới hạn tính lặp lại và so sánh giữa các thí nghiệm với nhau.
Hơn thế, các thử nghiệm ở giai đoạn phòng thí nghiệm mang tính chất tham khảo, chưa có bằng chứng về hiệu quả ở người. Ngoài ra, chúng vẫn chưa đánh giá tác dụng phụ toàn diện.
Do đó, bạn cần phải cân nhắc khi sử dụng saffron để điều trị, không thay thế thuốc chữa bệnh.
Saffron trong điều trị ung thư
Hiện, chúng ta chưa có thử nghiệm lâm sàng nào đánh giá hiệu quả điều trị của saffron trong ung thư mà chỉ dừng ở phòng thí nghiệm. Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm (đánh giá tác động của saffron trên các dòng tế bào ung thư, hoặc động vật) cho thấy chiết xuất saffron hoặc các hợp chất chính của nó có thể ức chế tế bào ung thư.
Các nghiên cứu thực hiện trên chuột cho thấy chiết xuất saffron khi được bôi ngoài da hoặc qua đường uống/tiêm tĩnh mạch có tác dụng chống ung thư, khả năng cải thiện cấu trúc của da trên ung thư biểu mô da. Một nghiên cứu khác cũng cho thấy chiết xuất nước saffron và crocetin ức chế quá trình phát triển của ung thư dạ dày trên chuột. Thêm vào đó, saffron có thể gây chết tế bào theo chương trình (apoptosis) ở ung thư đại trực tràng, tuyến tụy, và ung thư bàng quang.
Hiện nay, chúng ta chưa có thử nghiệm lâm sàng nào đánh giá hiệu quả điều trị của saffron trong ung thư mà chỉ dừng ở phòng thí nghiệm. Ảnh: Picgra. |
Hiệu quả kháng ung thư ở saffron có thể liên quan đến một số cơ chế. Saffron và các hợp chất của nó có thể ức chế sinh tổng hợp RNA và DNA . Những cơ chế chống ung thư khác, chủ yếu là hợp chất carotenoids, có khả năng chống oxi hóa và crocetin làm giảm quá trình peroxy hóa lipid (phản ứng oxy hóa để phân hủy lipid) ở ung thư phổi trên chuột.
Saffron trong điều trị bệnh tiểu đường
Bệnh nhân tiểu đường thường có nguy cơ ung thư cao hơn người khỏe mạnh. Do đó, bài viết này cũng đề cập đến tác dụng của saffron trong điều trị tiểu đường. Tuy nhiên, các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng còn hạn chế, khó có thể khẳng định saffron sẽ có tác dụng cho các bệnh nhân tiểu đường.
Đây là một bệnh chuyển hóa bởi sự tăng đường huyết và sản xuất các gốc oxy hóa tự do. Sự mất cân bằng giữa sự hình thành các gốc tự do có oxy (reactive oxygen species) và cơ chế chống oxy hóa là tác nhân gây ra các bệnh lý của tiểu đường. Các chiết xuất saffron tinh khiết có khả năng bảo vệ tế bào bao gồm việc ức chế sự hoạt động của các enzyme ảnh hưởng lên α‐glucosidase, α‐amylase, và cholinesterases (những enzyme này tăng cường phân cắt đường đa thành glucose).
Một số thí nghiệm cho thấy crocin có tác dụng chống oxy hóa lên chuột bị tiểu đường. Thêm vào đó, crocetin có thể tăng tiết insulin từ các tế bào beta ở tụy (pancreatic β‐cells), làm giảm lượng glucose máu.
Một nghiên cứu khác cho thấy saffron làm tăng khả năng hấp thu glucose đáng kể và nhạy cảm với insulin (insulin sensitivity) trong tế bào cơ và làm tăng cường sự phosphoryl hóa của AMPK/ ACC (AMP‐activated protein kinase/acetyl‐CoA carboxylase) và MAPK (mitogen‐activated protein kinases) - các gen liên quan đến việc duy trì cân bằng năng lượng trong tế bào.
Trong một nghiên cứu lâm sàng được thực hiện ngẫu nhiên trên 208 bệnh nhân mắc tiểu đường loại 2, khi đối chiếu với nhóm dùng giả dược, nhóm bệnh nhân sử dụng hỗn hợp thảo dược (saffron, quế, bạch đậu khấu, gừng) cho thấy có hiệu quả lên việc kiểm soát cholesterol, nhưng chúng không kiểm soát đường máu, stress oxy hóa, và đáp ứng viêm.
Mặt khác, chiết xuất saffron hydroalcoholic có khả năng cải thiện kiểm soát glucose máu bằng cách giảm đường máu lúc đói trong 54 bệnh nhân tiểu đường loại 2. Do sự mâu thuẫn về hiệu quả điều trị của saffron trong điều trị tiểu đường giữa các thí nghiệm, các nhà khoa học cần phải tiếp tục nghiên cứu.
Như vậy, saffron cho thấy hiệu quả trong điều trị ung thư và bệnh tiểu đường ở các dòng tế bào và chuột, nhưng vẫn cần phải được nghiên cứu thêm. Hơn thế, chưa có kết luận chắc chắn nào về hiệu quả chữa trị của saffron lên hai bệnh lý này ở người.
Do đó, tác dụng của “vàng đỏ” được nêu ra ở trên chỉ mang tính chất tham khảo, và việc điều trị cần sử dụng các thuốc hoặc các phương pháp dựa trên chỉ định của bác sĩ. Bạn không nên coi saffron là một loại thần dược chữa được bách bệnh.
Bài viết được giám sát và chỉnh sửa bởi TS. Nguyễn Hồng Vũ, Viện City of Hope, California, Mỹ; TS. Lê Anh Phương, Viện Cơ Sinh học, Đại học Quốc gia Singapore, Singapore; ThS Trịnh Vạn Ngữ, Học viện Khoa học Y Sinh SoonChunHyang (SoonChunHyang Institute of Medi-Bio Science) (SIMS), Đại học SoonChunHyang, Hàn Quốc, thành viên Ban Khoa học Ruy Băng Tím.
Ruy Băng Tím là tổ chức phi lợi nhuận về phòng chống ung thư tại Việt Nam, được thành lập vào ngày 12/12/2015 với sự tham gia của các bác sĩ ung bướu, các nhà khoa học nghiên cứu về ung thư trong và ngoài nước.
Tài liệu tham khảo:
1. Leone, S, Recinella, L, Chiavaroli, A, et al. Phytotherapic use of the Crocus sativus L. (Saffron) and its potential applications: A brief overview. Phytotherapy Research 2018.
2. Ila Das, Sukta Das, Tapas Saha (2010). Saffron suppresses oxidative stress in DMBA-induced skin carcinoma: A histopathological study. Acta Histochemica, Volume 112, Issue 4, 2010.
3.Bathaie, S. Z., Miri, H., Mohagheghi, M. A., Mokhtari‐Dizaji, M., Shahbazfar, A. A., & Hasanzadeh, H. (2013). Saffron aqueous extract inhibits the chemically‐induced gastric cancer progression in the Wistar albino rat. Iranian Journal of Basic Medical Sciences.
4. Bakshi, H., Rozati, R., Sultan, P., Islam, T., Rathore, B., Lone, Z., … Saxena, R. C. (2010). DNA fragmentation and cell cycle arrest: A hallmark of apoptosis induced by crocin from kashmiri saffron in a human pancreatic cancer cell line. Asian Pacific Journal of Cancer Prevention.
5. Sun, Y., Xu, H. J., Zhao, Y. X., Wang, L. Z., Sun, L. R., Wang, Z., & Sun, X. F. (2013). Crocin exhibits antitumor effects on human leukemia HL‐60 cells in vitro and in vivo. Evidence‐based Complementary and Alternative Medicine, 2013, 690164.
6. Nair, S. C., Pannikar, B., & Panikkar, K. R. (1991). Antitumour activity of saffron (Crocus sativus). Cancer Letters.
7. Smith, T. A. (1998). Carotenoids and cancer: Prevention and potential therapy. British Journal of Biomedical Science.
8. Molnár, J., Szabó, D., Pusztai, R., Mucsi, I., Berek, L., Ocsovszki, I., … Shoyama, Y. (2000). Membrane associated antitumor effects of crocine‐, ginsenoside‐ and cannabinoid derivates. Anticancer Research.
9. Bonnefont‐Rousselot, D. (2002). Glucose and reactive oxygen species. Current Opinion in Clinical Nutrition and Metabolic Care.
10. Rajaei, Z., Hadjzadeh, M. A., Nemati, H., Hosseini, M., Ahmadi, M., & Shafiee, S. (2013). Antihyperglycemic and antioxidant activity of crocin in streptozotocin‐induced diabetic rats. Journal of Medicinal Food.
11. Menghini, L., Leporini, L., Vecchiotti, G., Locatelli, M., Carradori, S., Ferrante, C., … Orlando, G. (2018). Crocus sativus L. stigmas and byproducts: Qualitative fingerprint, antioxidant potentials and enzyme inhibitory activities. Food Research International.
12. Altinoz, E., Oner, Z., Elbe, H., Cigremis, Y., & Turkoz, Y. (2015). Protective effects of saffron (its active constituent, crocin) on nephropathy in streptozotocin‐induced diabetic rats. Human & Experimental Toxicology.
13. Naghizadeh, B., Mansouri, M. T., & Ghorbanzadeh, B. (2014). Protective effects of crocin against streptozotocin‐induced oxidative damage in rat striatum. Acta Medica Iranica.
14. Kianbakht, S., & Hajiaghaee, R. (2011). Antihyperglycemic effects of saffron and its active constituents, crocin and safranalm in alloxan‐ induced diabetic rats. Journal Medicinal Plants.
15. Shirali, S., Zahra, B. S., & Nakhjavani, M. (2013). Effect of crocin on the insulin resistance and lipid profile of streptozotocin‐induced diabetic rats. Phytotherapy Research.
16. Kang, C., Lee, H., Jung, E. S., Seyedian, R., Jo, M., Kim, J., … Kim, E. (2012). Saffron (Crocus sativus L.) increases glucose uptake and insulin sensitivity in muscle cells via multipathway mechanisms. Food Chemistry, 135(4), 2350–2358.
17. Azimi, P., Ghiasvand, R., Feizi, A., Hariri, M., & Abbasi, B. (2014). Effects of cinnamon, cardamom, saffron, and ginger consumption on markers of glycemic control, lipid profile, oxidative stress, and inflammation in type 2 diabetes patients. The Review of Diabetic Studies.
18. Milajerdi, A., Jazayeri, S., Hashemzadeh, N., Shirzadi, E., Derakhshan, Z., Djazayeri, A., & Akhondzadeh, S. (2018). The effect of saffron (Crocus sativus L.) hydroalcoholic extract on metabolic control in type 2 diabetes mellitus: A triple‐blinded randomized clinical trial. Journal of Research Medicinal Sciences.