Ở Trung Quốc, 35 tuổi bị coi là quá già trong thị trường lao động. Ảnh: Stringer/Reuters. |
Bước sang tuổi 30, Sean Liang bắt đầu nghĩ đến “lời nguyền tuổi 35”.
Trong mắt các nhà tuyển dụng, họ không có giá bằng sinh viên mới tốt nghiệp và sẵn sàng làm thêm giờ, theo SCMP.
Liang (hiện 38 tuổi), chuyên gia hỗ trợ IT chuyển sang làm huấn luyện viên cá nhân, gần như thất nghiệp suốt 3 năm qua. Anh tin rằng tuổi tác của mình chính là lý do.
Liang “quá già” với nhiều nhà tuyển dụng, vốn quy định tuổi tuyển dụng đối với hầu hết vị trí công nhân viên chức là 35.
“Tôi tập thể dục nên trông trẻ hơn tuổi, nhưng trong mắt xã hội, những người như tôi đã lỗi thời”, anh nói.
Ít cơ hội
Tình trạng phân biệt tuổi tác rất phổ biến ở Trung Quốc. Đó là cú sốc nhân đôi đối với người lao động ngoài 30 tuổi khi đứng trước quyết định lớn về sự nghiệp, hôn nhân và con cái.
Liang chuyển từ thành phố Quảng Châu về quê vì không thể trang trải tiền thuê nhà dưới 100 USD/tháng. Anh chưa kết hôn, nhưng cho rằng mình có ít cơ hội vì chỉ những người có công việc ổn định, như giáo viên hay công nhân viên chức, mới có khả năng lập gia đình.
Sự cạnh tranh ngày càng tăng trong thị trường việc làm là một trong số lý do khiến giới trẻ Trung Quốc trì hoãn kết hôn, theo một quan chức của ủy ban y tế quốc gia Trung Quốc.
Các công nhân 35 tuổi lo lắng cho tương lai khi các nhà tuyển dụng gần như không cho họ cơ hội. Ảnh: Aly Song/Reuters. |
Trong 3 tháng đầu năm 2023, Alibaba, Tencent và Baidu, các công ty công nghệ hàng đầu và trả lương cao nhất của Trung Quốc, thuê ít công nhân hơn, Một số nhà phát triển bất động sản lớn nhất của Trung Quốc cắt giảm 30%, 50%, thậm chí 70% số lượng nhân viên vào năm 2022.
“Vài năm tới sẽ là thời điểm khó khăn nhất”, Wang Mingyuan, nhà kinh tế ở Bắc Kinh, nhận xét.
Ông lưu ý khoảng 50 triệu người trong độ tuổi 16-40 có thể thất nghiệp vào năm 2028.
Không kết hôn, sinh con
Flynn Fan bắt đầu sợ hãi tuổi 35 khi anh 30 tuổi. Anh biết mình có thể bị bỏ rơi trong vài năm nữa.
Ở công ty gần nhất của Fan, hầu hết đồng nghiệp đều độc thân giống như anh hoặc đã kết hôn mà không có con. Những ca làm thêm giờ của họ nằm ngoài tầm kiểm soát. Trong 3 tháng của năm 2021, Fan rời nơi làm việc sớm nhất là 23h.
Cuối năm 2022, Fan cùng với phần lớn đồng nghiệp bị sa thải. Trong 6 tháng qua, anh gửi sơ yếu lý lịch tới hơn 300 công ty, nhưng chỉ nhận được 10 cuộc phỏng vấn.
Hiện tại, Fan tìm kiếm những công việc được trả ít hơn 20-30% so với mức lương cũ. Anh cũng bắt đầu tìm kiếm ở các thành phố khác gần Thượng Hải.
Ở tuổi 35, Fan cảm thấy mình còn trẻ. Nhưng đối với xã hội, 35 giống như một “bệnh dịch”.
Nhiều người không dám nghĩ đến chuyện kết hôn, sinh con khi không ổn định về kinh tế. Ảnh: Bloomberg. |
Cici Zhang (32 tuổi) bị các nhà tuyển dụng chê quá già. Một trong những người quản lý cũ nói rằng anh ta có thể thay thế cô bằng một sinh viên trẻ mới tốt nghiệp chỉ sau 3 tháng đào tạo.
Zhang nói các công ty Trung Quốc thích chạy theo xu hướng hot nhất thay vì hoàn thiện những gì đã có. Vì vậy, kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn không phải là những phẩm chất mà họ đánh giá cao nhất.
Là phụ nữ, Zhang phải đối mặt với nhiều tầng lớp phân biệt đối xử. Từ năm 25 tuổi, cô nhận được câu hỏi từ các nhà tuyển dụng về thời điểm dự định có con.
Sau khi mất việc vào tháng 9/2022, Zhang nhắn tin cho hơn 3.000 công ty, gửi sơ yếu lý lịch tới hơn 300 công ty và nhận được chưa đến 10 cuộc phỏng vấn. Tháng 5, cuối cùng cô cũng nhận được lời mời làm việc từ một công ty nhỏ.
Zhang không cảm thấy hứng thú hay hạnh phúc về điều đó.
“Tôi từng kỳ vọng được thăng chức, tăng lương và có cuộc sống tốt đẹp hơn. Bây giờ, tôi chỉ muốn sống sót”, cô nói.
Vợ chồng Zhang cảm thấy mình không đủ khả năng sinh con. Họ có một khoản thế chấp và luôn sợ mất việc. Sự lo lắng khiến họ tự hỏi liệu việc sinh con có công bằng hay không.
Liang cũng yêu trẻ con, nhưng không tin rằng mình có thể cho chúng cuộc sống tốt đẹp.
Giống như nhiều người Trung Quốc lớn lên ở nông thôn, anh được ông bà nuôi nấng, trong khi bố mẹ làm thuê ở thành phố. Anh không muốn con cái phải trải qua cuộc sống đó.
Trước hết, Liang phải tìm một công việc. Khi nghe nhận xét rằng tuổi 35 gánh nặng như cả ngọn núi, Liang trả lời: “Đó là một vách đá dựng đứng”.
Ưu tiên nhân viên tài năng hay thâm niên?
Có bao nhiêu người trong số nhân viên của bạn mà nếu tuyển dụng lại bạn sẽ chọn họ? Bao nhiêu trong số họ chỉ dừng ở mức tầm trung và bao nhiêu người bạn chỉ đang chịu đựng? Đó cũng là câu hỏi khiến hai tác giả Andreas Krebs và Paul Williams phải băn khoăn trong cuốn Ảo tưởng của sự bất khả chiến bại.