Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Niềm tin của xã hội với giáo dục đang giảm mạnh'

Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, phiếu tín nhiệm thấp của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phản ánh khách quan niềm tin của Quốc hội và xã hội với giáo dục.

Trao đổi với Zing.vn sau khi Quốc hội công bố phiếu tín nhiệm, TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT - cho rằng kết quả "tín nhiệm thấp" cao nhất của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phản ánh những hạn chế của ngành, cũng như lòng tin của Quốc hội, xã hội với giáo dục.

Nhiều hạn chế dai dẳng, niềm tin giảm sút mạnh hơn

- Kết quả 140 phiếu tín nhiệm cao, 194 tín nhiệm và 137 phiếu tín nhiệm thấp của Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ có đồng nhất hiệu quả công việc của ngành trong thời gian qua, thưa ông?

- Gần 3 năm qua, ngành giáo dục đã làm được khá nhiều việc, bám sát 9 giải pháp mà người đứng đầu đề ra. Nhìn một cách khái quát, ngành đã ban hành được một số tiêu chuẩn, thúc đẩy việc tự chủ giáo dục đại học và có giải pháp khuyến khích nghiên cứu trong các trường đại học.

Phung Xuan Nha anh 1
TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng trong quá trình quản lý, tư lệnh ngành giáo dục bộc lộ một số hạn chế. Ảnh: NVCC.

Ở những kỳ thi cấp độ thế giới, Việt Nam vẫn được xếp vào thứ hạng cao, trong khi điều kiện đầu tư kém nhiều nước.

Tuy nhiên, ngành giáo dục cũng còn một số hạn chế tồn tại từ vài năm trước. Những hạn chế có thể thấy rõ nhất là lùm xùm trong vụ thi tốt nghiệp THPT 2017, 2018; xét công nhận chức danh giáo sư; một vài đề án lớn chuẩn bị chưa kỹ nên chưa được xã hội đồng tình.

Đặc biệt, việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình và sách giáo khoa, trình đề án dự thảo Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học còn chậm so với kế hoạch được giao. Những vấn đề hội nhập quốc tế, đặc biệt hội nhập ASEAN, chưa được đẩy mạnh trong giáo dục đào tạo.

Kết quả lấy phiếu như trên đã phản ánh những hạn chế của ngành, cũng như lòng tin của Quốc hội. Nó cho thấy ngành giáo dục còn phải cố gắng rất nhiều để đạt được kỳ vọng của người dân và Quốc hội.

Tuy nhiên, tôi không đồng ý về so sánh hiệu quả công việc của ngành giáo dục thông qua lần lấy phiếu tín nhiệm so với một số ngành khác. Bởi vì, giáo dục khá đặc thù, chỉ có tiêu tiền trong điều kiện ngân sách không đủ, quản lý không khéo dễ bị thất thoát do tham nhũng.

- Từ số phiếu này, ông đánh giá thế nào về niềm tin của Quốc hội và xã hội với ngành giáo dục?

- Niềm tin xã hội vào giáo dục giảm sút từ vài năm trước và hai năm nay có xu hướng giảm sút mạnh hơn. Lấy phiếu tín nhiệm bộ trưởng nhưng thực chất là lấy tín nhiệm cho toàn ngành mà ở đó các cấp quản lý, cán bộ giáo viên, học sinh, sinh viên có phần trách nhiệm.

Niềm tin xã hội vào giáo dục giảm sút từ vài năm trước và hai năm nay có xu hướng giảm sút mạnh hơn.

TS Hoàng Ngọc Vinh

Giáo dục có thể coi là ngành lớn nhất trên bình diện số người tham gia (hơn 20 triệu người). Ngành quản lý tài sản thiết bị lớn trong điều kiện kinh phí có tăng lên nhưng so với nhiều quốc gia khác còn khá khiêm tốn (tính về chi thực trên đầu học sinh, sinh viên).

Sự kỳ vọng của người dân vào ngành cao nên ghế bộ trưởng giáo dục luôn "nóng" và thách thức. Bộ trưởng phải cố gắng gấp nhiều lần các bộ trưởng khác mới hy vọng lãnh đạo nền giáo dục Việt Nam vượt qua khó khăn.

Phải bằng tầm nhìn xa, rộng, tâm trong sáng, nhiệt huyết sục sôi, cống hiến, cùng tấm gương đạo đức, niềm tin của xã hội may ra mới trở lại.

Cần chung tay, giáo dục mới có cơ hội cất cánh

- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã trải qua nửa nhiệm kỳ. Ông thấy tư lệnh ngành giáo dục có những ưu, nhược điểm gì?

- Tôi chỉ được làm việc với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khoảng 7 tháng. Ngày bộ trưởng nhận công tác tại Bộ GD&ĐT, tôi kỳ vọng nhiều về đổi mới mạnh mẽ, kiên quyết và dấn thân hơn người tiền nhiệm.

Bộ trưởng đề ra 9 nhiệm vụ căn cốt, tôi thấy hợp lý và tin tưởng, như quy hoạch phát triển giáo dục, thúc đẩy tiếng Anh, phân luồng hướng nghiệp, đảm bảo chất lượng giáo dục, hội nhập quốc tế, và tự chủ đại học. Những ngày đầu, tôi thấy bộ trưởng nhiều sáng kiến và hăng hái chỉ đạo các địa phương cùng các sở GD&ĐT.

Tuy nhiên, quá trình quản lý đã bộc lộ một số hạn chế như thiếu tư duy hệ thống mang tính chất điều hành vĩ mô, liên ngành. Tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm đội ngũ cán bộ giúp việc có khiếm khuyết, thiếu sự quan tâm, động viên, tôn trọng thích đáng với cán bộ đương nhiệm từ nhiệm kỳ trước, cũng như minh bạch quá trình tuyển dụng, bổ nhiệm. Điều đó là tối kỵ trong công tác cán bộ.

Ngoài ra, một số phát ngôn của bộ trưởng hơi vội vã, dễ gây hiểu nhầm, chưa xứng với tầm một chính khách, chưa huy động và dựa trên những nghiên cứu khoa học để tham mưu với Đảng và Nhà nước chính sách, cơ chế phát triển giáo dục.

- Những vấn đề "nóng" về giáo dục khiến ông trăn trở nhất?

- Ngành giáo dục rất phức tạp, đụng đến hàng triệu gia đình và con người, đòi hỏi toàn xã hội chung tay với ngành và với bộ trưởng. Một mình bộ trưởng rất khó xoay xở.

Phung Xuan Nha anh 2
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm 2018 của Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ. 

Những vấn đề trăn trở nhất với tôi vẫn là chất lượng giáo dục đại học nói riêng và chất lượng nguồn nhân lực nói chung mà giáo dục có thể coi là nhân tố then chốt nhất, quan trọng hàng đầu của chiến lược phát triển bền vững.

Chúng ta thấy giáo dục đại học khởi sắc, nhưng niềm tin vào chất lượng giáo dục đại học vẫn còn lơ lửng, khi số học sinh du học nước ngoài vẫn chưa hề thuyên giảm và con số sinh viên ngoại quốc đến Việt Nam chẳng tăng được bao nhiêu.

Nói đến chất lượng cần có chiến lược phát triển nhân lực giáo dục linh hoạt, bài bản hơn nữa, không chỉ về đào tạo mà cả về tuyển dụng và đãi ngộ. Thúc đẩy quyền tự chủ cơ sở giáo dục nhằm huy động nhiều nguồn lực hơn nữa từ xã hội mà vẫn đảm bảo công bằng và cơ hội tiếp cận của người dân.

Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn với bộ trưởng khi vừa muốn áp dụng cơ chế thị trường nhưng vẫn giữ định hướng xã hội chủ nghĩa để đảm bảo sự bình đẳng, tiếp cận giáo dục có chất lượng, trong điều kiện khả năng chi trả của người dân có hạn.

Vì thế, chỉ khi có sự chung tay của toàn xã hội với ngành giáo dục, chia sẻ và đồng cảm với những khó khăn của ngành, cũng như của Chính phủ, giáo dục mới có hy vọng và cất cánh.

Vấn đề cuối cùng là cần có nhiều hành động thực tế hơn về phân luồng học sinh sau THCS. Mỗi năm, hơn 300.000 học sinh tốt nghiệp hoặc bỏ học THCS mà không vào THPT, ra thị trường lao động không có kỹ năng, là sự lãng phí xót xa nhất.

Bộ GD&ĐT cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội để cùng hợp tác, chia sẻ nguồn lực, phối hợp quy hoạch phát triển giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, đảm bảo sự hài hòa trong phân bổ nguồn lực và cân đối cơ cấu trình độ và ngành nghề đào tạo.

Phiếu tín nhiệm thấp và niềm tin giáo dục

“Kết quả lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội đối với người đứng đầu ngành giáo dục phản ánh sự không hài lòng, thiếu tín nhiệm của nhân dân về ngành", GS.TSKH Phạm Tất Dong nói.

- Ngành giáo dục và bộ trưởng cần làm gì trong thời gian tới để lấy lại niềm tin của xã hội?

- Tôi nghĩ còn rất nhiều việc phải làm ngay, nhưng trước mắt phải tăng cường truyền thông chân chính, chuyên nghiệp hơn để xã hội hiểu thêm về công việc của ngành, từ đó cùng chung tay góp sức.

Đồng thời, bộ cần ráo riết chuẩn bị rà soát nguồn lực, điều kiện của các địa phương khi triển khai chương trình và sách giáo khoa mới, đặc biệt giải quyết dứt điểm câu chuyện thừa thiếu giáo viên ở giáo dục phổ thông.

Bộ GD&ĐT cần nhanh chóng hoàn thiện Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học để có thể được Quốc hội thông qua vào kỳ họp tới.

Bộ cũng cần quán triệt các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6, Đại hội 12 của Đảng bằng hành động cụ thể, thúc đẩy tự chủ và dân chủ trong các cơ sở giáo dục đào tạo.

Một nhiệm vụ cũng không kém phần cấp bách là chuẩn bị dự thảo xây dựng chiến lược (kế hoạch tổng thể) phát triển giáo dục đào tạo sau năm 2020.

Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 25/10, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nói: "Tôi coi kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này là động lực để bản thân tôi và toàn ngành cố gắng hơn nữa, có nhiều giải pháp quyết liệt hơn nữa, để đáp ứng sự kỳ vọng của Đảng và nhân dân đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo". 

Người đứng đầu ngành giáo dục cũng cho rằng như tinh thần Nghị quyết của Quốc hội đã chỉ rõ việc lấy phiếu tín nhiệm nhằm giúp người được lấy phiếu thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: 'Tôi xin nhận trách nhiệm'

Đánh giá vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang, Sơn La là những sai phạm rất nghiêm trọng, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ xin nhận trách nhiệm tại phiên họp Chính phủ sáng nay.

Quyên Quyên thực hiện

Bạn có thể quan tâm