Ngày 23/11, UBND tỉnh Ninh Thuận có công điện hỏa tốc về việc cấm tàu thuyền ra khơi, đồng thời triển khai công tác ứng phó bão số 9 và mưa lũ trên địa bàn tỉnh.
Neo đậu tàu thuyền tránh bão số 9 tại Ninh Thuận. Ảnh: Tuấn Kiệt. |
Theo đó, tỉnh Ninh Thuận cấm không cho tàu thuyền ra khơi hoạt động trên biển kể từ 10h sáng 23/11. UBND các huyện, thành phố khẩn trương rà soát, nắm số lượng các hộ dân ở vùng nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở, sẵn sàng phương án sơ tán dân đến nơi an toàn. Tất cả các công việc phải hoàn thành trước 17h chiều 24/11.
Số tàu thuyền đã neo đậu an toàn tại các bến, cảng trên địa bàn tỉnh là 2.100 chiếc, còn hơn 450 chiếc đang hoạt động trên biển đã được liên lạc, hướng dẫn về nơi tránh, trú bão. Gần 300 lồng bè nuôi trồng thủy sản đã được yêu cầu di chuyển đến nơi an toàn. Nghiêm cấm người ở lại trên lồng bè, phương tiện thủy nội địa.
Tỉnh Bình Thuận cũng đã có công điện cấm tàu thuyền, phương tiện vận tải, đánh bắt hải sản trên biển kể từ 16h chiều 22/11. Tổ chức kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển vào bờ tránh trú, không đi vào khu vực nguy hiểm.
Ngư dân phường Đông Hải đưa các phương tiện đánh bắt hải sản lên bờ. Ảnh: Tuấn Kiệt. |
Tổ chức trực ban 24/24 giờ, nhất là ngày nghỉ cuối tuần để theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão. Yêu cầu các thành viên Ban chỉ huy PCTT&TKCN xuống địa bàn phối hợp với địa phương thực hiện phương án ứng phó với bão số 9.
Ông Nguyễn Văn Linh, Phó chủ tịch huyện đảo Phú Quý, cho hay huyện đã triển khai công tác phòng tránh bão, tàu thuyền đã được đưa lên bờ.
"17h hôm nay chúng tôi sẽ hoàn thành việc sơ tán người dân khỏi những nơi xung yếu, ảnh hưởng của triều cường", ông Linh nói.
Phó chủ tịch đảo Phú Quý cũng cho biết huyện đảo đã chuẩn bị lương thực, thực phẩm, thuốc để có hàng dự phòng trong thời gian bão ảnh hưởng trực tiếp, không để bị động khi bị cô lập dài ngày.