Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Nỗ lực cứu ngành du lịch bất thành của Triều Tiên

Giải Marathon Quốc tế Bình Nhưỡng trở lại sau 5 năm, nhưng du lịch Triều Tiên vẫn rơi vào cảnh "đóng băng" với lượng khách quốc tế giảm, thủ tục hạn chế, biên giới mở - đóng thất thường.

Cuộc chạy marathon quốc tế được tổ chức tại Bình Nhưỡng vào ngày 6/4. Đây là giải chạy đầu tiên kể từ khi Triều Tiên đóng cửa vì đại dịch Covid-19 (2020). Ảnh: Kyodo.

Khi Simon Cockerell, Tổng giám đốc Koryo Tours, đơn vị tổ chức tour chính thức của Giải Marathon Quốc tế Bình Nhưỡng, trở lại sự kiện vào tháng 4 vừa qua, ông cảm nhận rõ không khí hào hứng vẫn còn đó, nhưng bối cảnh đã thay đổi hoàn toàn.

Từ con số 700 du khách quốc tế mà công ty từng đưa đến vào năm 2019, năm nay chỉ còn 200 người tham dự. Không giống các kỳ marathon trước vốn được công bố từ rất sớm, cuộc đua năm nay được xác nhận vào sát ngày diễn ra (6/4) khiến người tham gia vội vã hoàn tất đăng ký trong vòng 2 tuần.

Không chỉ hạn chế về thời gian, điều kiện nhập cảnh cũng trở nên khắt khe hơn. Các chuyến bay quốc tế chỉ được phép xuất phát từ Bắc Kinh, khách sạn phục vụ bị giới hạn xuống còn một cơ sở duy nhất thuộc hiệp hội thể thao địa phương, thay vì 5-7 khách sạn như trước đây.

Du lich anh 1

Người dân băng qua đại lộ chính ở thành phố Khai Thành tỉnh Hwanghae. Phía xa là tượng đài của 2 vị lãnh tụ đặt trên đồi cao. Ảnh: Ngô Trần Hải An.

Du khách được gọi với danh xưng “phái đoàn thể thao”, không phải khách du lịch. Dù vẫn được tham quan các điểm đến nổi bật và thưởng thức ẩm thực nội địa, họ không hoàn toàn là những du khách thông thường.

Theo SCMP, Triều Tiên gần như vẫn khép kín với khách quốc tế kể từ khi đóng cửa biên giới vào năm 2020 do đại dịch Covid-19. Nước này chỉ cho phép công dân Nga nhập cảnh từ đầu năm 2024.

Một lần thử mở cửa ngắn vào tháng 2 cho du khách nước ngoài (không phải người Nga) tại thành phố Rason, phía đông bắc, cũng chỉ kéo dài ba tuần. Sau đó, biên giới lại bị đóng mà không có bất kỳ lý do nào được đưa ra.

Tiến sĩ Rüdiger Frank, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Âu về Triều Tiên, chia sẻ với This Week in Asia: "Tóm lại, có thể nói chi phí để duy trì hoạt động du lịch đã vượt quá lợi ích và dường như các nhà hoạch định chính sách tại Triều Tiên đã nhận ra điều đó".

Trong quá khứ, du lịch từng là một phần quan trọng trong nỗ lực của Bình Nhưỡng nhằm kiếm ngoại tệ và cải thiện hình ảnh quốc tế. Dưới thời lãnh tụ Kim Jong-un, đất nước đầu tư mạnh vào các khu nghỉ dưỡng bên núi, biển và cả một trường đào tạo ngành khách sạn.

Theo 38 North, chuyên trang thuộc Trung tâm nghiên cứu Stimson (Mỹ), doanh thu từ du lịch tại Triều Tiên tăng gấp bốn lần từ 2014 đến 2019. Riêng năm 2019, khoảng 350.000 du khách nước ngoài đã đặt chân đến quốc gia này, cũng là năm Bình Nhưỡng cho phép ghi hình một tập của chương trình The Amazing Race Vietnam, đánh dấu một trong những lần hiếm hoi Triều Tiên mở cửa truyền thông với thế giới.

Tuy nhiên, những nỗ lực đó đang đối mặt với nhiều trở ngại mới. Một số ý kiến cho rằng lý do Rason vừa mở cửa đón khách vài tuần hồi tháng 2 đã vội đóng chặt liên quan đến việc các nhà sáng tạo nội dung đăng tải hình ảnh tiêu cực về thành phố.

Rowan Beard, đồng sáng lập Công ty lữ hành Young Pioneer Tours (Trung Quốc), cho biết trong chuyến đi gần đây nhất tới Rason, khoảng một nửa số người tham gia là các nhà sáng tạo nội dung, cao hơn hẳn so với trước năm 2020.

Ông nhận xét: “Họ không phải nhà báo, cũng không làm cho hãng truyền thông nào, nhưng có hàng triệu người theo dõi. Và cách họ ghi lại mọi thứ, thực chất cũng là báo chí”.

Trước nay, Triều Tiên vẫn siết chặt quyền kiểm soát truyền thông. Ngay cả trước đại dịch, nước này đã cấm các nhà báo nhập cảnh với tư cách du khách. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng trong tương lai gần, du lịch nội địa có thể sẽ là hướng phát triển được ưu tiên hơn.

Du lich anh 6

Phần lớn người dân Triều Tiên sử dụng xe đạp hoặc phương tiện giao thông công cộng, vì vậy quốc gia này vẫn giữ được nét yên bình, không xô bồ. Ảnh: Nguyễn Sơn.

Tương lai của du lịch quốc tế tại Triều Tiên vì thế vẫn rất mờ mịt. Theo nguồn tin địa phương: “Các quan chức cấp cao đơn giản là không mấy quan tâm tới việc khôi phục hoạt động du lịch trong thời gian tới”.

Trong lúc chờ đợi chính sách thay đổi, nhiều công ty lữ hành quốc tế phải xoay xở bằng những hình thức tiếp cận khác.

Young Pioneer Tours, chẳng hạn, đang tổ chức một đoàn doanh nghiệp đến tham dự hội chợ thương mại tại Bình Nhưỡng vào cuối tháng này, sử dụng thị thực đoàn thay vì visa du lịch thông thường. Nhưng số lượng người tham gia bị giới hạn và chi phí cao hơn do không còn được áp dụng mức giá ưu đãi cho khách du lịch.

Còn với Cockerell của Koryo Tours, ông giữ thái độ thận trọng hơn: “Triều Tiên thường chỉ nói một câu: có thể mở lại vào một thời điểm nào đó trong tương lai. Đó là một câu trả lời mơ hồ hoàn hảo”. Ông nói thêm: “Nhưng ai mà biết được, có khi là ngay ngày mai”.

Du lịch là để tận hưởng hay sống ảo?

Theo TS Đặng Hoàng Giang - tác giả cuốn sách Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường - việc chạy theo những gì được cho là đẹp theo tiêu chuẩn số đông đang phá vỡ sự nguyên sơ, gây tổn hại nghiêm trọng đến hệ sinh thái tự nhiên.

Mục Du lịch - Ẩm thực giới thiệu nội dung buổi chia sẻ của tác giả Đặng Hoàng Giang về quan điểm du lịch đang khiến con người quên đi việc tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên.

> Đọc tiếp: Hệ luỵ của du lịch 'sống ảo'

Ngọn núi đầu tiên ở Triều Tiên được UNESCO vinh danh

Paektu, ngọn núi giữa Triều Tiên và Trung Quốc, vừa được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu, ghi dấu di sản thiên nhiên đầu tiên của Triều Tiên được vinh danh quốc tế.

200 khách đầu tiên đến Triều Tiên chạy marathon sau 6 năm

Các vận động viên từ Trung Quốc, Romania và các quốc gia khác đã đến Triều Tiên để tham gia sự kiện này, hãng thông tấn nhà nước KCNA đưa tin vào 6/4.

Quỳnh Trang

Bạn có thể quan tâm