Chị Hà Thị Cúc (xã Tân Phú, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) bị bệnh tan máu bẩm sinh từ nhỏ, 31 năm nay, chị sống chung với bệnh. Đều đặn mỗi tháng một lần, chị Cúc lại vào bệnh viện để được truyền máu. Em gái chị Cúc cũng mắc bệnh, nên 2 chị em liên tục thay nhau vào bệnh viện. Tuy nhiên, nhiều thời điểm, bệnh viện rơi vào tình trạng khan hiếm máu, không phải lúc nào cũng sẵn máu truyền cho hai chị em.
Ông Lê Văn Thành (Gia Cẩm, thành phố Việt Trì). Ảnh: C.T. |
Ông Lê Văn Thành (Gia Cẩm, thành phố Việt Trì) cũng gắn bó với bệnh viện suốt 2 năm nay, thậm chí, có tháng nằm viện đến 3 lần. Do bị thiếu yếu tố đông máu dẫn đến rối loạn đông máu, nhiều đợt điều trị ông Thành phải truyền gần 20 đơn vị huyết tương.
BSCKI Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc Trung tâm Huyết học - Truyền máu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, cho biết trung tâm chịu trách nhiệm cung cấp máu toàn tỉnh, đồng thời hỗ trợ các tỉnh lân cận như Yên Bái, Lào Cai, Vĩnh Phúc nên mỗi năm cần trung bình khoảng hơn 30.000 đơn vị máu. Việc đáp ứng máu cho điều trị tại tỉnh đã ngày càng tốt hơn do sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân.
“Vào dịp hè, trung tâm phải cấp phát máu cầm chừng, tăng cường vận động thêm các cơ quan, thậm chí là người nhà bệnh nhân hoặc nhận chế phẩm máu từ Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương để có đủ máu cho điều trị. Một số thời điểm, tình trạng thiếu nhóm máu O, A vẫn xảy ra”, bác sĩ Huyền nói.
Bé Danh Thị Phương Trâm mới phát hiện bệnh tan máu bẩm sinh từ tháng 4 khi có triệu chứng biếng ăn. Ảnh: C.T. |
Cha mẹ mòn mỏi chờ máu cho con
Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Kiên Giang, mỗi năm, các bác sĩ khám cho hơn 500.000 lượt bệnh nhân, điều trị 80.000 bệnh nhân nội trú, thực hiện 20.000 ca phẫu thuật nên bệnh viện cũng cần lượng máu lớn cho điều trị, đặc biệt là các trường hợp chấn thương, bệnh nhân thiếu máu mạn tính, băng huyết sau sinh…
20.000 đơn vị máu và chế phẩm máu đã được sử dụng cho nhu cầu điều trị trên địa bàn tỉnh hàng năm nhưng tình trạng thiếu máu theo từng nhóm, thiếu nhóm máu hiếm hay thiếu chế phẩm tiểu cầu vẫn xảy ra.
Bé Danh Thị Phương Trâm mới phát hiện bệnh tan máu bẩm sinh từ tháng 4 khi có triệu chứng biếng ăn, mặt mũi xanh xao, tái mét. Vào bệnh viện khám, gia đình mới biết bé thiếu máu, huyết sắc tố chỉ hơn 70 g/l (trong khi chỉ số ở người bình thường là 120 g/l).
“Được truyền máu, gương mặt cháu đã hồng hào hơn, nhưng được 1-2 tháng cháu lại mệt. Thiếu máu, bố mẹ phải tham gia hiến máu cho con, giờ tôi cũng không biết tháng sau có sẵn máu để truyền cho con không nữa”, chị Mỹ Dung - mẹ bé Trâm - chia sẻ.
Bố của bé Nguyễn Ngọc Tường Vy (7 tuổi) cũng cho biết: “Thời tiết nóng, cháu ốm nên ăn ít, yếu rồi lại hay bị nóng nực, nhưng ngày nằm viện thì cứ dài thêm vì phải chờ máu. Tháng 5 vừa rồi, cháu phải chờ máu đến 3 ngày, bố phải đi hiến máu. Nhưng chưa biết tháng sau ai trong gia đình sẽ đủ điều kiện hiến máu nữa”.
Phát hiện bệnh từ 13 tháng tuổi, mỗi tháng, bệnh nhi này phải vào viện để được truyền ít nhất một đơn vị máu nhóm O, nên nỗi lo thiếu máu cứ thế thường trực trong suy nghĩ của cả gia đình.
Bé Vy phát hiện bệnh từ 13 tháng tuổi, mỗi tháng, bệnh nhi này phải vào viện để được truyền ít nhất một đơn vị máu nhóm O. Ảnh: C.T. |
Giải pháp từ Hành trình Đỏ
Nhằm giải quyết tình trạng khan hiếm máu, phục vụ cho người bệnh, Hành trình Đỏ là chương trình hiến máu có quy mô lớn nhất do Ban chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện chủ trì, giao Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương phối hợp với các đơn vị cùng tổ chức.
Trong 6 lần tổ chức trước, chương trình đã tiếp nhận 170.000 đơn vị máu, góp phần khắc phục tình trạng khan hiếm nguồn người hiến máu trong dịp hè, mang lại sự sống cho hàng nghìn bệnh nhân.
Ngày 11/6, Hành trình Đỏ 2019 đã chính thức khởi động. Đây là năm đầu tiên chương trình được tổ chức trong thời gian dài nhất, từ 11/6 đến 28/7, với nhiều hoạt động ý nghĩa.
Ngày hội hiến máu “Giọt hồng tri ân” và hội quân Hành trình Đỏ sẽ được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội 26/7.
Theo ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế - chương trình Hành trình Đỏ là chuỗi hoạt động rất ý nghĩa, rất cấp thiết vào thời điểm dịp hè khan hiếm máu.
“Tôi nhận thấy mỗi năm chương trình đều có những bước đổi mới và đem lại thành quả tốt hơn, đặc biệt là số lượng máu ngày càng gia tăng, chất lượng máu thu được ngày một tốt hơn. Hiệu quả lớn nhất của chiến dịch chính là để bù đắp kịp thời lượng máu thiết hụt để phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh”, ông Khoa cho hay.