Một đêm thứ Sáu, Kwon Tae-hoon nhận được điện thoại.
"Anh có phải là anh trai của Kwon Dae-hee?" người gọi hỏi. "Em trai của anh đang ở trong phòng cấp cứu. Anh có thể đến (bệnh viện) bây giờ không?"
Bệnh viện cho biết tình trạng của em trai Tae-hoon "không nghiêm trọng lắm". Tae-hoon cho rằng em trai mình đánh nhau sau khi uống rượu và đã chuẩn bị để mắng em trai khi tới viện.
Tuy nhiên, Tae-hoon không bao giờ có cơ hội. Khi anh đến, Dae-hee đã bất tỉnh. Sau khi phẫu thuật cho hàm thon gọn hơn, Dae-hee bị chảy máu rất nhiều đến mức tấm băng quanh mặt nhuộm đỏ.
Không may mắn, Dae-hee không bao giờ tỉnh lại. Anh ấy tử vong trong bệnh viện 7 tuần sau đó.
Gia đình của Dae-hee nói rằng anh là nạn nhân của "bác sĩ ma", cái tên được đặt cho một người thực hiện phẫu thuật thay cho bác sĩ chính được thuê khi bệnh nhân đã gây mê toàn thân.
Hoạt động này bất hợp pháp ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, quy định lỏng lẻo trong ngành phẫu thuật thẩm mỹ đang bùng nổ của đất nước này đã cho phép các phòng khám lách luật, để nhân viên không đủ trình độ thay thế cho bác sĩ phẫu thuật.
Đôi khi, các bác sĩ chính thực hiện đồng thời nhiều ca phẫu thuật. Điều này có nghĩa là họ dựa vào những người thay thế - có thể là bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ, nha sĩ, y tá mới đủ điều kiện hoặc thậm chí là nhân viên bán thiết bị y tế - đảm nhận một số công việc cho họ.
Kwon Dae-hee thường chỉnh sửa khuôn mặt cho nhỏ, gọn hơn nhờ phần mềm kỹ thuật. Ảnh: CNN. |
Theo luật pháp Hàn Quốc, người nào ra lệnh hoặc thực hiện hành vi y tế không có giấy phép sẽ phải chịu hình phạt tối đa là 5 năm tù giam hoặc phạt tiền tối đa là 50 triệu won (44.000 USD). Nếu một ca phẫu thuật "ma" được thực hiện bởi bác sĩ được cấp phép, điều đó có thể dẫn đến tội danh gây hại hoặc gian lận.
Nhưng những tội ác này rất khó chứng minh. Các "bác sĩ ma" không ghi lại công việc họ đã làm và nhiều phòng khám không có camera quan sát. Và ngay cả khi các vụ việc được đưa ra tòa, "bác sĩ ma" hiếm khi bị phạt nặng, điều này khiến các phòng khám vẫn tiếp tục hành nghề.
Nhưng trường hợp tử vong của Kwon Dae-hee đã thu hút sự chú ý đối với các nhà lập pháp. Gia đình nạn nhân không chỉ buộc tội các bác sĩ liên quan, họ còn yêu cầu thay đổi pháp lý.
Câu chuyện của Kwon Dae-hee
Kwon Dae-hee, 24 tuổi, là sinh viên đại học có tính cách ấm áp và khiêm tốn. Anh là người có thành tích cao nhưng lại không tự tin về ngoại hình của mình. Người anh trai cho biết Dae-hee tin rằng phẫu thuật thẩm mỹ có thể giúp anh thành công hơn.
Trong những bức ảnh được chụp không lâu trước khi qua đời, Dae-hee đã dùng phần mềm chỉnh sửa để thay đổi khuôn mặt của mình với kiểu hàm nhọn chữ V thường thấy ở nhiều thần tượng K-pop.
Anh trai và mẹ của Dae-hee, bà Lee Na Geum, đã cố khuyên anh đừng phẫu thuật thẩm mỹ. Tuy nhiên, Dae-hee giấu họ đăng ký vào phòng khám nổi tiếng chuyên về phẫu thuật hàm ở khu phố Gangnam, Seoul.
Bà Lee, mẹ nạn nhân Kwon Dae-hee, vẫn đang đòi lại công bằng cho con trai mình. Ảnh: CNN. |
Vào ngày 8/9/2016, bác sĩ đã gọt xương để thay đổi hình dạng khuôn hàm của Dae-hee, đây là ca phẫu thuật phổ biến ở Đông Á thường kéo dài 1-2 giờ. Mẹ của Dae-hee cho biết nó có giá 6,5 triệu won (5.766 USD).
Tuy nhiên, ca phẫu thuật của Dae-hee đã không diễn ra như kế hoạch.
Sau ca phẫu thuật kéo dài tới 3 giờ, Dae-hee bị chảy máu quá nhiều nên được chuyển đến bệnh viện. 9h sáng hôm sau, bác sĩ thẩm mỹ đã phẫu thuật cho Dae-hee mới đến bệnh viện. Người này cho biết mọi thủ tục diễn ra bình thường, thậm chí còn cung cấp cảnh quay CCTV của phòng phẫu thuật để chứng minh điều đó.
Bà Lee Na Geum đã xem đoạn phim CCTV tại phòng phẫu thuật 500 lần. Đoạn phim cho thấy cuộc phẫu thuật bắt đầu lúc 12h56 khi bác sĩ thẩm mỹ bắt đầu cắt xương hàm của Dae-hee. Ba trợ lý điều dưỡng cũng có mặt trong phòng.
Tuy nhiên, sau một tiếng, bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ rời đi và một bác sĩ khác vào phòng mổ. Cả hai ra vào phòng nhưng gần 30 phút, không có ai thực hiện tiếp ca mổ dù các trợ lý điều dưỡng đều có mặt.
Theo CCTV, bà Lee thấy rằng bác sĩ phẫu thuật mà Dae-hee thuê cắt xương hàm đã không hoàn thành ca phẫu thuật. Phần lớn ca phẫu thuật được thực hiện bởi một bác sĩ khác, người này không có bằng phẫu thuật thẩm mỹ và chỉ mới tốt nghiệp trường y. Trong khi đó, phòng khám này quảng cáo rằng bác sĩ phẫu thuật chính sẽ thực hiện từ đầu đến cuối.
“Em trai tôi tin tưởng vào bác sĩ chính đó, và đó là lý do nó quyết định phẫu thuật ở đó”, Kwon Tae-hoon nói.
Ca phẫu thuật cuối cùng kết thúc lúc 16h17, hơn ba tiếng tính từ lúc bắt đầu. Theo Kim Seon-woong, cựu Giám đốc luật của Hiệp hội bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Hàn Quốc, người đã điều hành một bệnh viện phẫu thuật thẩm mỹ trong 25 năm, phẫu thuật hàm thường chỉ mất một tiếng rưỡi hoặc ít hơn.
Sau khi phẫu thuật, cả hai bác sĩ phẫu thuật đều về nhà, chỉ có các y tá túc trực khi Dae-hee bị mất máu. Bà Lee đã rất sốc khi phát hiện trong khi con trai mình bị chảy máu, các nhân viên y tế lại sử dụng điện thoại hoặc trang điểm.
Tổng cộng, các y tá đã lau sàn nhà đẫm máu tới 13 lần. Khi các chuyên gia y tế xem đoạn phim, họ nhận thấy nạn nhân có khả năng mất máu nhiều gấp ba lần những gì các bác sĩ đã nói.
"Tôi không nghĩ vị bác sĩ ma quái này đã kiểm tra xem con trai tôi chảy bao nhiêu máu. Tôi rất tức giận trước sự thật đó. Chỉ cần một trong ba bác sĩ (bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ ma và bác sĩ gây mê) kiểm tra thôi nhưng không ai làm vậy”, bà Lee bức xúc.
Luật lỏng lẻo
Gia đình của Kwon Dae-hee muốn những người có trách nhiệm phải giải trình. Nhưng họ sớm phát hiện ra các luật xung quanh “bác sĩ ma” còn yếu và chưa hoàn thiện.
Tòa án tối cao Hàn Quốc đã phê duyệt phẫu thuật thẩm mỹ cho mục đích thẩm mỹ như hoạt động y tế vào năm 1974. Các bác sĩ phẫu thuật bắt buộc phải vượt qua kỳ thi chuyên môn.
Đến năm 2014, các quan chức mới biết đến việc thực hiện ca phẫu thuật “ma”. Vào năm 2015, một nhóm bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ đã yêu cầu Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc thắt chặt quy tắc bằng cách yêu cầu các bác sĩ cho biết ai đã phẫu thuật và lắp đặt camera quan sát trong phòng khám.
Đài truyền hình Hàn Quốc SBS đưa tin vào thời điểm đó, các nhóm dân sự bắt đầu theo dõi những ca phẫu thuật “ma”. Hiệp hội bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Hàn Quốc thành lập đội đặc nhiệm để kiểm tra giấy phép hành nghề của “bác sĩ ma”. Vào năm 2018, luật đã thay đổi để tăng hình phạt đối với các bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật “ma”.
Tuy nhiên, bài báo được xuất bản vào năm 2018 trên tạp chí y khoa Annals of Surgical Treatment and Research cho thấy hoạt động này vẫn còn tràn lan.
Biển hiệu của các phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ tại một tòa nhà ở khu Sinsa-dong, quận Gangnam, Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: CNN. |
Một bác sĩ phẫu thuật giấu tên cho biết anh bắt đầu làm việc tại một trong những phòng phẫu thuật thẩm mỹ lớn nhất đất nước này vào năm 2012. Hiện người này không còn làm việc ở đó nữa, nhưng vì cảm giác tội lỗi, anh quyết định nói ra.
Bác sĩ này cho biết anh ta thường được yêu cầu thực hiện các ca phẫu thuật thay cho bác sĩ chính. Người này cũng mô tả cách những người thay thế chờ đợi trong một tầng hầm cho đến khi họ được gọi để phẫu thuật cho bệnh nhân.
“Bác sĩ ma” không được khai báo là nhân viên trên trang web của phòng khám. Phòng khám chỉ cung cấp thông tin các ca phẫu thuật do bác sĩ phẫu thuật có uy tín thực hiện.
Bác sĩ này cho biết nhiều ca phẫu thuật tạo hình khuôn mặt - như ca phẫu thuật của Dae-hee - được thực hiện bởi “bác sĩ ma”, chủ yếu là nha sĩ, tại phòng khám nơi anh ta làm việc.
Tại sao lại tồn tại “bác sĩ ma”?
Các chuyên gia đều nhận định điều này xảy ra với lý do đơn giản: lợi nhuận. Theo báo cáo năm 2020 trên tạp chí y khoa Aesthetic Plastic Surgery, Hàn Quốc có tỷ lệ phẫu thuật thẩm mỹ trên đầu người cao nhất thế giới. Trước khi xảy ra dịch Covid-19, Hàn Quốc thu hút hàng nghìn khách du lịch phẫu thuật thẩm mỹ hàng năm. Chỉ tính riêng ở thủ đô Seoul, có 561 phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ.
Jo Elfving-Hwang, Phó giáo sư về Hàn Quốc học tại Đại học Tây Australia, cho biết các bác sĩ phẫu thuật nổi tiếng thường mượn danh tiếng của ngôi sao K-pop hoặc người nổi tiếng để quảng cáo cho phòng khám của họ. Nhưng trong thời gian bận rộn, số lượng bác sĩ ít ỏi không thể giải quyết lượng bệnh nhân quá lớn, đặc biệt là khi bác sĩ cũng cần có mặt để tư vấn cho khách hàng mới. "Đó là khi ‘bác sĩ ma’ xuất hiện”, Jo Elfving-Hwang cho biết.
"Bác sĩ ma" là cách để các phòng khám tối đa hóa lợi nhuận bằng cách nhờ một bác sĩ khác thay thế bất hợp pháp cho bác sĩ ngôi sao.
"Tôi đoán lý do tình trạng này tồn tại là các bác sĩ trẻ và thiếu kinh nghiệm có thể kiếm việc làm, tích lũy kinh nghiệm. Trong khi đó, các phòng khám sẽ hoạt động với chi phí thấp hơn bằng cách thuê họ thực hiện", một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ giấu tên cho biết. "Bằng cách này, các phòng khám có thể tiếp nhận nhiều bệnh nhân và thực hiện được nhiều ca phẫu thuật hơn".