Zing trích dịch bài đăng trên The Paper, đề cập đến vấn đề ngày càng nhiều người trẻ cảm thấy tự ti ngoại hình, chạy theo những tiêu chuẩn sắc đẹp vô thực trên mạng.
Danny Bowman (sinh năm 1995, Anh) nghiện chụp ảnh tự sướng từ năm 15 tuổi. Thời điểm năm 2014, mỗi ngày, Bowman đăng tới 200 bức ảnh selfie lên mạng xã hội. Thấy bình luận nào chê mình mũi to, da xấu, anh trở nên buồn bã, càng chụp nhiều hơn để có được bức ảnh hoàn hảo.
Mỗi ngày, chàng trai sinh năm 1995 có thể dành tới 10 tiếng để chụp ảnh tự sướng. Bowman dần rơi vào trầm cảm, bỏ học và mất liên lạc với bạn bè. Cuối cùng, vì quá chán nản, anh tự tử nhưng may mắn được cứu kịp thời.
Bowman được coi là trường hợp đầu tiên tại Anh mắc chứng nghiện chụp ảnh tự sướng, nhưng không phải là người đầu tiên lo lắng về ngoại hình, bị ảnh hưởng bởi Internet.
Trong những năm gần đây, dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ ở nhiều quốc gia ghi nhận ngày càng ít người muốn phẫu thuật giống người nổi tiếng mà muốn được trông như phiên bản “mạng xã hội”, ảnh đã qua chỉnh sửa của chính mình.
Luôn thấy khiếm khuyết
Năm 2015, công ty nghiên cứu thị trường GfK của Đức đã thực hiện khảo sát "sự hài lòng về ngoại hình" và phát hiện ra rằng chỉ 10% người Trung Quốc hoàn toàn hài lòng với nhan sắc của mình, 1/3 thấy bình thường, 13% không hài lòng.
Trong số 22 nước được khảo sát, mức độ hài lòng nói chung ở quốc gia tỷ dân thuộc nhóm thấp, hay nói cách khác, có không ít người luôn cảm thấy ngoại hình của mình chưa đủ “ổn”.
Danny Bowman được coi là trường hợp đầu tiên tại Anh mắc chứng nghiện chụp ảnh tự sướng. Ảnh: Independent. |
Cảm thấy xấu xí có thể là một căn bệnh mạn tính trong thời đại này.
Ở một số người, đặc biệt là giới trẻ, sự lo lắng về ngoại hình nghiêm trọng đến mức trở thành chứng mặc cảm ngoại hình (BDD) - trạng thái lo âu quá mức về những khiếm khuyết cơ thể.
Ví dụ, mụn chỉ là một nốt đỏ cần phải loại bỏ trong mắt người bình thường, nhưng trong mắt người bị BDD, gương mặt có nốt mụn trông rất khủng khiếp, thậm chí biến dạng. Họ bôi vài lớp mỹ phẩm, chuẩn bị kính râm và khẩu trang, vô thức dùng tay chặn lại, cố gắng hết sức để che mụn.
Dù là đang trò chuyện với bạn bè, đồng nghiệp, lúc nào họ cũng quan tâm đến cái mụn nhỏ trên mặt, ngay cả khi nó quá nhỏ để người đối diện nhìn thấy.
Dần dần, sự lo lắng này trở thành một thói quen hàng ngày, khiến người ta ngại ra ngoài, không muốn làm việc, từ chối học tập và mải mê với những kế hoạch làm đẹp.
Thông thường, người ta hay cho rằng phụ nữ bị ám ảnh ngoại hình nhiều hơn nam giới. Tuy nhiên, thống kê cho thấy chênh lệch tỷ lệ người mắc BDD giữa nam và nữ là không lớn. Tại Mỹ, con số này là 2,2% đối với nam và 2,5% đối với nữ.
Phụ nữ thường lo lắng về cân nặng, da, ngực, mông và chân trong khi nam giới thường tập trung vào cơ bắp, lông và vùng kín.
Kamie (Trung Quốc) là hot girl mạng gây tiếc nuối khi lạm dụng phẫu thuật thẩm mỹ. Ảnh: Weibo. |
BDD dễ tồn tại cùng trầm cảm, lo âu và rối loạn ăn uống, thậm chí làm tăng nguy cơ tự sát. Bên cạnh đó, người mắc thường trở nên không thích giao tiếp xã hội và phẫu thuật thẩm mỹ quá mức.
Theo nhiều nghiên cứu, 10-30% người phẫu thuật thẩm mỹ có xu hướng mặc cảm ngoại hình. Một nghiên cứu ở Đức cho thấy tỷ lệ người bị BDD liên quan đến phẫu thuật thẩm mỹ là 7,2%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình toàn quốc là 2,8%.
Những người bị mặc cảm ngoại hình rất mong muốn trở lại bình thường nhờ phẫu thuật thẩm mỹ, nhưng khoảng 80% vẫn không hài lòng sau phẫu thuật, thường yêu cầu phẫu thuật thẩm mỹ nhiều lần trên cùng một bộ phận hoặc đổi bác sĩ nếu chưa ưng ý.
Mạng xã hội là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người trẻ ngày càng bất an về ngoại hình. Lướt Facebook, Instagram, không khó để bắt gặp các bức ảnh khoe thân hình 6 múi, đôi chân dài hút mắt hay vòng eo nhỏ nhắn của các hot boy, hot girl.
Những bức ảnh tự sướng, phát sóng trực tiếp, vlog chia sẻ về cuộc sống vốn dĩ đã trở thành sân khấu để họ thi thố nhan sắc và hình thể.
Thoát khỏi mặc cảm
Xã hội ngày càng phát triển, ai cũng mong muốn, có nhu cầu được đẹp hơn song vì thế, không ít người trở thành nô lệ của cái đẹp, bất cứ thứ gì thấp hơn “chuẩn” đều bị coi là xấu xí.
Thay vì ngày càng lún sâu vào nỗi lo không lối thoát, những người mặc cảm ngoại hình nên đến bệnh viện để nhận sự tư vấn, hỗ trợ từ bác sĩ.
Bên cạnh đó, hãy ngừng việc tự đánh giá cơ thể, kiểm tra các chỉ số. Có thể ban đầu bạn sẽ cảm thấy khó khăn vì thói quen bị phá vỡ, nhưng theo thời gian, bạn sẽ thấy rằng nếu không tuân theo sự thôi thúc đó, bạn sẽ có thời gian chuyển hướng quan tâm sang những chi tiết khác trong cuộc sống, qua đó giảm bớt lo lắng.
Nhận sự tư vấn của bác sĩ, ngưng so sánh với người nổi tiếng trên mạng là những cách giúp thoát khỏi mặc cảm ngoại hình. Ảnh minh họa: Valeria Lukyanova. |
Đồng thời, đặt ra ranh giới cho việc phẫu thuật thẩm mỹ, làm rõ "bạn có thể dừng lại ở mức độ nào". Ngoài ra, đừng so sánh mình với những người đẹp trên mạng.
Người thân, bạn bè và đồng nghiệp sẽ không từ chối kết giao chỉ vì những khuyết điểm về ngoại hình của bạn. Hãy thử ra ngoài mà không trang điểm để kiểm tra điều này.
Cái đẹp, giống như chân và thiện, là mục tiêu và khao khát tự nhiên của con người. Nếu việc theo đuổi sắc đẹp trở thành công cụ bù đắp cho sự tự ti, thì nhan sắc có được dường như vô nghĩa.
Mọi hành động theo đuổi sắc đẹp phải vì hạnh phúc và sức khỏe, không phải để so sánh, chữa bệnh tự ti và bắt chước người khác.