Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nơi ăn uống rẻ tiền mà người Hàn nào cũng từng lui tới

Cửa hàng tiện lợi là địa điểm ăn uống phổ biến nhất Hàn Quốc vì giá rẻ và không cần phải đặt chỗ trước.

Tại Hàn Quốc, mọi người thường dừng chân ở cửa hàng tiện lợi để uống nước với bạn bè hoặc ăn nhanh bữa trưa.

Mặc dù một số người coi bữa trưa ở cửa hàng tiện lợi là lựa chọn bất đắc dĩ cho những ai thiếu tiền, điều đó không đúng ở xứ sở kim chi, theo Korea JoongAng Daily.

Moon-young và Gang-tae, 2 nhân vật chính trong phim It's Okay to Not Be Okay (2020), thường ăn mì ramyeon vào bữa trưa tại cửa hàng tiện lợi trong khi bàn luận về những vấn đề của họ.

Một số cửa hàng tiện lợi có khu vực giống như quán cà phê, nơi mọi người có thể ngồi dùng bữa, cũng như tiện nghi nấu nướng và hâm nóng thức ăn. Nhiều người chọn gặp gỡ bạn bè tại khu vực tiếp khách bên ngoài cửa hàng tiện lợi vào ban đêm để tận hưởng bầu không khí thư giãn và mát mẻ - trải nghiệm khác với việc đến quán rượu.

Từ trẻ đến già, người Hàn nào cũng từng ăn uống ở cửa hàng tiện lợi, biến nó thành địa điểm phổ biến.

Nguoi Han an trong cua hang tien loi anh 1

Hình ảnh nhân vật ngồi ăn uống trong cửa hàng tiện lợi rất phổ biến trong phim Hàn. Ảnh: TvN.

Nét đặc trưng

Sự đa dạng được cung cấp tại các cửa hàng tiện lợi là điểm cộng rất lớn. Hầu hết đều có lò vi sóng để hâm cơm hộp và máy nước nóng để pha mì ăn liền.

Ngay cả quán nhỏ cũng có góc để mọi người có thể đứng ăn. Các cửa hàng lớn hơn có khu vực giống như nhà hàng với bàn ghế cả bên trong lẫn phía ngoài, cho phép khách hàng ở lại bao lâu tùy thích.

Mặc dù ramyeon hoặc gimbap (cơm cuộn rong biển) có vẻ là lựa chọn duy nhất, mọi người có thể trông đợi sự đa dạng của các sản phẩm được bày bán. Bữa ăn Mark, được đặt theo tên thành viên của nhóm nhạc nam GOT7, với công thức trộn spaghetti với tteokbokki (bánh gạo cay) là một ví dụ.

Choi Yoon-jin (28 tuổi), nhân viên văn phòng, cho biết: “Tôi thấy rất nhiều công thức nấu ăn từ cửa hàng tiện lợi lan truyền trên mạng xã hội. Tôi thường bị cám dỗ đến tận nơi để làm thử vì chúng trông rất thú vị”.

Cơm hộp cũng là lựa chọn phổ biến, với doanh số bán sản phẩm này tại chuỗi GS25 từ ngày 1/7 đến 7/7 tăng 49,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số cũng tăng 35,1% tại các khu vực tập trung nhiều văn phòng như Yeoksam-dong, Gwanghwamun và Yeouido.

Hạn chế duy nhất khi đến ăn uống tại cửa hàng tiện lợi liên quan đến rượu. Theo đó, khách hàng chỉ được phép tiêu thụ đồ uống có cồn mà họ mua ở bên ngoài.

Nguoi Han an trong cua hang tien loi anh 2

Người Hàn Quốc thích dùng bữa trưa tại cửa hàng tiện lợi. Ảnh: Sorbis/Shutterstock.

Chính phủ Hàn Quốc cho phép ăn uống trong cửa hàng tiện lợi từ năm 1998. Tuy nhiên, thời đó không có bàn ngồi nên mọi người phải đứng ăn.

CU là công ty đầu tiên ở xứ kim chi tạo ra không gian ăn uống thoải mái với bàn, ghế vào năm 2012 nhằm thu hút nhiều khách hàng hơn. Các thương hiệu khác như GS25 và 7-Eleven nhanh chóng học theo.

Hiện nay, nhiều cửa hàng tiện lợi có khu vực như quán cà phê, nhà hàng, thư viện bên trong.

Thực tế, Hàn Quốc là một trong số ít quốc gia coi việc ăn uống trong cửa hàng tiện lợi là phổ biến.

Mặc dù Nhật Bản được coi là quê hương của cửa hàng tiện lợi, đất nước này lại tụt hậu so với Hàn Quốc trong việc cung cấp không gian ăn uống. Chỉ một nửa chi nhánh cửa hàng tiện lợi của xứ Phù Tang ở thành thị làm được điều này.

Với phim ảnh và chương trình truyền hình chiếu cảnh người nổi tiếng ngồi ăn ở cửa hàng tiện lợi, trải nghiệm này thậm chí được coi là nét đặc trưng cho Hàn Quốc.

Nhiều nhà bán lẻ nước ngoài đôi khi liên hệ với đơn vị điều hành của cửa hàng tiện lợi địa phương để xin cấp phép nhân rộng khu vực ăn uống như ở Hàn Quốc.

Không còn bị kỳ thị

Các sản phẩm giá rẻ tại cửa hàng tiện lợi là một trong nhiều lý do khiến việc ăn uống tại đây trở nên phổ biến.

Jun Sang-in, GS xã hội học tại Đại học Quốc gia Seoul, cho biết người trẻ chọn ăn tại cửa hàng tiện lợi do giá cả phải chăng cộng thêm chiết khấu từ điểm khách hàng thân thiết.

Bữa trưa tiết kiệm chắc chắn là lợi ích, nhưng người Hàn Quốc không nhất thiết phải đổ xô đến cửa hàng tiện lợi để chắt bóp từng xu.

Lee Eun-hee, GS nghiên cứu về tiêu dùng tại Đại học Inha, cho biết: “Mọi người đi ăn ở cửa hàng tiện lợi vì chi phí rẻ nhưng cũng giúp tiết kiệm nhiều thời gian so với đặt và chờ đợi đồ ăn, đặc biệt đối với nhân viên công ty luôn bận rộn. Trước đây, một số từng cảm thấy đây là trải nghiệm tồi tệ nhưng với việc nhiều người dùng bữa tại nơi này hơn, đó không còn được coi là điều đáng buồn”.

Nguoi Han an trong cua hang tien loi anh 3

Chi nhánh của Emart24 gần cầu Dongjak, phía nam Seoul, có khu vực cho mọi người ăn uống và đọc sách với view nhìn ra sông Hàn. Ảnh: Majid Mushtaq.

Lee nói thêm rằng mọi người chọn đi uống nước tại cửa hàng tiện lợi chỉ để trải nghiệm. Tận hưởng làn gió mát vào ban đêm với lon bia khi ngồi ngoài trời là điều mà giới trẻ Hàn Quốc thích làm - điều mà chỉ cửa hàng tiện lợi mới có.

Số lượng người sống một mình ngày càng tăng, mong muốn bữa ăn đơn giản và tiện lợi hơn là lý do khác. Theo Thống kê Hàn Quốc, có 6,64 triệu hộ gia đình độc thân ở Hàn Quốc vào năm 2020, chiếm 31,7% tổng số hộ gia đình trên cả nước.

Jeong Dong-sup, nhà phân tích ngành hàng tiêu dùng từ Deloitte Hàn Quốc, cho biết: “Khi số lượng hộ gia đình độc thân tăng nhanh, việc cơm hộp bán chạy đã thay đổi khái niệm chung về cửa hàng tiện lợi. Từng là địa điểm để mua đồ, nơi này thay đổi thêm chức năng của nhà hàng để hút khách”.

Các cửa hàng tiện lợi phải bớt nhiều diện tích kệ hàng để kê bàn ​​ghế. Chúng cũng đang trở thành ngân hàng, bưu điện, thậm chí là trạm sạc xe điện.

Những dịch vụ mới kéo thêm khách hàng đến nhưng không đòi hỏi các công ty bổ sung phương tiện hậu cần. Ví dụ, cả CU và GS25 đều sử dụng xe tải vận chuyển thực phẩm giữa các chi nhánh để giao bưu kiện.

Món rượu rẻ tiền ám ảnh người Hàn

Rượu soju trở thành món đồ uống phổ biến tại Hàn Quốc vì rẻ tiền, dễ mua, nhưng cũng tạo ra hoesik, văn hóa nhậu nhẹt độc hại sau giờ làm.

Thiên Nhi

Bạn có thể quan tâm