Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nơi bán dịch vụ ướp lạnh cơ thể chờ hồi sinh với giá từ 220.000 USD

Mỗi ngày, Linda đều ghé qua bể nitơ lạnh -196 độ C và "trò chuyện" cùng chồng. Ông ngừng thở cách đây 8 năm vì bệnh ung thư.

Linda Chamberlain (ở Arizona, Mỹ) làm việc chỉ cách chồng một hành lang. Bà đi ngang qua ông mỗi ngày, thỉnh thoảng sẽ ghé qua để “chào hỏi” và kiểm tra. Với Linda, họ vẫn như cặp vợ chồng mới cưới, cùng nhau chia sẻ những điều thầm kín.

Chỉ có điều, Fred Chamberlain, chồng bà, đã ngừng thở cách đây 8 năm. Ông bị ung thư tuyến tiền liệt và được bảo quản lạnh trong bể nitơ -196 độ C.

Mỗi lần Linda đến thăm Fred, bà thường “trò chuyện” cùng ông qua bức tường thép không gỉ của khối trụ cách nhiệt, cao hơn 3 m. Và Fred không đơn độc. Khối trụ này có thêm 8 thi thể khác cũng được bảo quản lạnh.

Ngoài ra, 170 người khác cũng ở trong các bể nitơ đông lạnh như vậy. Đây đều là những người chọn cách đông lạnh thi thể, chờ ngày hồi sinh. Phương pháp này còn gọi là cryonics.

dong lanh thi the chong cho hoi sinh anh 1

Đi bộ qua phòng bảo quản dài hạn của Alcor là một trải nghiệm siêu thực. Ảnh: John Kim/Cnet.

Cơ hội sống mong manh với giá từ 220.000 USD

Linda vui vẻ khi cho phóng viên Cnet xem nơi an nghỉ cuối cùng của chồng. Bà đặt tay lên thanh thép mát lạnh và vỗ về nó. Đi lại, làm việc ở căn phòng với 170 thi thể không phải vấn đề khiến bà sợ hãi hay e ngại.

“Tôi chi hơn 200.000 USD để đông lạnh thi thể chồng, chờ ngày anh ấy hồi sinh. Nó làm tôi thấy hạnh phúc. Bởi vì họ có thể sẽ hồi phục lại cuộc sống trước đó, khỏe mạnh hơn. Đến khi đó, tôi sẽ gặp họ lần nữa”, người phụ nữ tâm sự.

Alcor Life Extension Foundation tự nhận là công ty hàng đầu thế giới về đông lạnh thi thể. Công ty này hứa sẽ mang tới cơ hội bảo quản cơ thể của họ vô thời hạn, đến khi họ “thức dậy” và phục hồi toàn bộ chức năng sức khỏe. Mức giá thấp nhất Alcor đưa ra là 220.000 USD. Nó được quảng cáo là bán “cơ hội sống cuộc đời thứ hai”.

Nhưng đó là cơ hội mong manh. Các nhà phê bình phản đối và cho rằng cryonics là giấc mơ viển vông. Bởi không có cách nào bảo tồn cơ thể hoặc não bộ con người một cách thích hợp. Việc làm bộ não sống lại cũng gần như bất khả thi.

Linda và Fred Chamberlain thành lập Alcor Life Extension Foundation năm 1972. Bà đã theo dõi số lượng hàng năm và nhận thấy ngày càng nhiều người đăng ký dịch vụ. Hơn 1.300 người đã đăng ký để thi thể của họ gửi đến Alcor thay vì nghĩa trang. Linda cũng định sau khi qua đời, bà sẽ tham gia cùng họ.

Chi phí để cryonics từng bộ phận trên cơ thể sẽ rẻ hơn. Alcor chỉ tính 80.000 USD cho phần đầu, thay vì 220.000 của toàn bộ cơ thể. Nhưng cũng có lý do để hình thức bảo quản cryonics có tính chọn lọc cao.

Khi Alcor ướp đá cơ thể, ưu tiên chính là bảo tồn não và gây ra ít tổn thương nhất có thể. Não không chỉ là trung tâm của chức năng nhận thức mà còn là trí nhớ dài hạn. Nói cách khác, nó là linh hồn.

Ý tưởng của Linda cũng xuất phát từ đó. Bà dự định sẽ đông lạnh chỉ phần đầu sau khi ngừng thở. Cơ thể mới sẽ phát triển từ DNA được bảo tồn. "Nó sẽ là cơ thể đẹp đẽ, không già nua và chưa từng bị tổn thương do bệnh tật", bà hào hứng chia sẻ về dự định cá nhân.

dong lanh thi the chong cho hoi sinh anh 4

Chi phí bảo quản lạnh các bộ phận và cơ thể người tối thiểu là 80.000 đến 220.000 USD. Ảnh: The Atlantic.

Những “bệnh nhân” đặc biệt

Với những người như Linda và ở Alcor, họ không coi cái chết là dấu chấm hết. “Cái chết thực sự chỉ là tim và phổi ngừng hoạt động. Nó không có nghĩa các tế bào của bạn đã chết. Ước tính lý tưởng nhất của chúng tôi là trong vòng 50-100 năm nữa, các công nghệ y tế cần thiết sẽ phục hồi sức khỏe và chức năng cho bệnh nhân”, Linda nói. Vì thế, bà gọi những người bảo quản thi thể tại Alcor là “bệnh nhân”.

Khoa học đằng sau cryonics vẫn chưa được chứng minh. Các kết luận đều mang tính thử nghiệm cao và chưa từng có con người cụ thể nào được đưa trở lại từ cái chết hay trạng thái bảo quản lạnh. Alcor mới nghiên cứu trên giun, các động vật có vú nhỏ và chỉ ra tiềm năng của cryonics.

dong lanh thi the chong cho hoi sinh anh 5

Bác sĩ James Bedford là người đầu tiên đông lạnh thi thể để chờ hồi sinh tại Alcor. Ảnh: Cnet.

Người mang tới bước ngoặt cho công nghệ cryonics là bác sĩ James Bedford. Ngày 12/1/1967, bác sĩ James Bedford qua đời ở tuổi 73 tại viện dưỡng lão. Ông bị ung thư thận đã di căn phổi. Thay vì hỏa táng hay chôn cất, thi thể của bác sĩ Bedford được đưa vào bảo quản lạnh.

Tuy nhiên, ông chưa từng thức dậy. Năm 2017 là thời điểm dự đoán vị bác sĩ sẽ thức dậy trôi qua nhưng không đạt được kết quả như mong đợi.

Bên trong phòng phẫu thuật của Alcor, các thi thể được chuẩn bị cho “sự chăm sóc dài hạn”. Tại đây, các thi thể chứa đầy chất bảo vệ lạnh và được làm lạnh từ từ trong một quá trình mất nhiều giờ.

Để thực hiện được công nghệ đông lạnh thi thể, bước đầu tiên là phải để cơ thể người đó trong môi trường lạnh. Sau khi ngừng thở, bệnh nhân được đặt trong một loạt hỗ trợ sự sống. Họ được tiêm chất làm chậm quá trình trao đổi chất, đặt nội khí quản để duy trì mức oxy và máy đập cơ học bơm tim nhằm đảm bảo máu tiếp tục lưu thông khắp cơ thể.

dong lanh thi the chong cho hoi sinh anh 6

Những người đông lạnh thi thể theo công nghệ cryonics được gọi là "bệnh nhân" vì Alcor tin rằng họ chưa từng chết đi. Ảnh: Cnet.

Sau đó, nhóm nghiên cứu hạ nhiệt độ, cho nó xuống mức -196 độ C. Đây là nhiệt độ bảo quản vĩnh viễn. Máu cũng được thay thế bằng chất chống đông y tế, bơm qua tĩnh mạch. Mục đích của nó là ngăn cơ thể đóng băng trong bể nitơ siêu lạnh.

Đóng băng có vẻ giống mục tiêu cuối cùng nhưng nó cũng có nhiều điều nguy hại. Cơ thể chúng ta được tạo thành từ khoảng 50-60% là nước. Khi chúng đóng băng, tinh thể băng sẽ làm tổn thương các cơ quan, tĩnh mạch.

Chất chống đông mà Alcor bơm vào cơ thể giúp nó đông cứng và chuyển thành trạng thái như thủy tinh, thay vì đóng băng. Từ đây, cơ thể được đặt vào buồng khổng lồ bằng thép không gỉ.

Mỗi chiếc thùng thép có thể chứa được 4 cơ thể nguyên vẹn được đặt ở vòng ngoài và 5 cái đầu được đặt ở giữa. Tất cả đều chìm trong nitơ lỏng. Vài tuần một lần, Alcor sẽ nạp đầy nitơ lỏng vào thùng thép và theo dõi nhiệt độ bên trong bằng máy tính. Alcor cho biết một khi thi thể được bảo quản lạnh, nó sẽ tồn tại được trong nhiều thập kỷ và không được bỏ ra ngoài.

Tuy nhiên, các công ty cung cấp dịch vụ cryonics chưa xác định chính xác khi nào các “bệnh nhân” hồi sinh. Bản thân bà Linda cũng thừa nhận tương lai cuối cùng của họ chưa rõ ràng và họ không thể trả lời câu hỏi “công nghệ hồi sinh sẽ trở nên mạnh mẽ như thế nào”. Dù thế, bà vẫn đặt kỳ vọng vào mục tiêu mà Alcor hướng tới - đảo ngược quá trình sinh tử, như các bộ phim viễn tưởng.

“Chúng tôi vẫn chưa đạt được điều đó, nhưng chúng tôi luôn nỗ lực cải thiện kỹ thuật của mình. Tôi là người lạc quan", người sáng lập và điều hành Alcor Life Extension Foundation nói.

Người đàn ông đóng băng cơ thể chờ hồi sinh nhưng không thành

Hơn 50 năm trôi qua, bác sĩ James Bedford vẫn "ngủ say" trong bể nitơ lỏng lạnh -196 độ C và chưa từng thức dậy.

Thiên Nhan

Theo Cnet

Bạn có thể quan tâm