Zing trích dịch bài viết trên Insider nói về câu chuyện của những người đàn ông bị vợ, người yêu cũ trả thù, tống tiền bằng cách phát tán ảnh khỏa thân, nhạy cảm lên mạng. Những định kiến xã hội khiến nam giới ngại lên tiếng, ít được cảm thông, giúp đỡ hơn.
Martin và Maureen (tên đã được thay đổi để bảo vệ danh tính nhân vật) yêu nhau khi học chung đại học ở North Carolina (Mỹ). Sau một năm gặp gỡ, cả hai kết hôn. Trong 4 năm bên nhau, họ đã cùng mua nhà và mở một quán cà phê nhỏ ở Raleigh.
Maureen là người thích kiểm soát chồng. Cô liên tục gọi điện để kiểm tra, nghiêm cấm Martin gặp gỡ bạn bè và từng đe dọa rằng nếu chồng không chấp hành, cô sẽ "hủy hoại cuộc đời" anh.
Ban đầu, Martin không mấy bận tâm nhưng càng ngày mọi chuyện càng tồi tệ. Maureen lén dùng điện thoại của chồng và thay anh từ chối các cuộc hẹn. Cô khiến anh ngày một xa rời bạn bè và cả người thân.
“Tôi như bị nhốt trong một chiếc hộp và không được phép làm gì. Trong năm chung sống cuối cùng, tôi liên tục nghĩ cách rời khỏi căn nhà đó”, Martin nói.
Sau khi Martin đệ đơn ly hôn, Maureen bắt đầu rêu rao khắp nơi rằng chồng cô là “kẻ dối trá, tự ái và nghiện rượu”. Nhưng đó chỉ mới là khởi đầu cho cái cô gọi là “hủy hoại cuộc đời” chồng cũ.
Maureen đã đăng một số bức ảnh khỏa thân của Martin lên Facebook và thậm chí gửi chúng đến tất cả các thành viên trong gia đình, bạn bè và đồng nghiệp thông qua email.
Nhiều nạn nhân của tội phạm tình dục là nam giới ngại lên tiếng, không được giúp đỡ. Ảnh: Shutterstock. |
“Những thiệt hại cô ta gây ra cho tôi là không thể bù đắp. Nhân viên, gia đình, khách hàng của tôi đã thấy những hình ảnh đó. Nó hủy hoại danh dự, công việc kinh doanh của tôi”, Martin nói.
Bằng cách đe dọa phát tán các bức ảnh khỏa thân, Maureen đã có toàn quyền sở hữu căn nhà và quán cà phê.
“Tôi sống trong hoảng loạn, thiếu an toàn. Cô ta biết mình có thể làm bất cứ điều gì cô ta muốn. Thiệt hại cô ta gây ra lớn hơn mức tôi có thể sửa chữa. Cuộc đời tôi đã bị hủy hoại”, Martin kể khi đã trở thành người vô gia cư, thất nghiệp, bị mọi người trong gia đình, ngoại trừ mẹ anh, xa lánh.
“Xin lỗi, dịch vụ này chỉ dành cho phụ nữ”
Giống như hầu hết nạn nhân của revenge porn (tạm dịch: trả thù khiêu dâm: phát tán các hình ảnh nhạy cảm của người khác với mục đích trả thù), Martin không bao giờ nghĩ những bức ảnh khỏa thân anh gửi cho vợ ngày trước, sẽ được sử dụng để chống lại mình.
Theo nghiên cứu gần đây của Đại học Exeter, chỉ 25% nạn nhân của trả thù khiêu dâm là nam giới. Nhưng đến 90% trong số này lại là nạn nhân của "sextortion", một hình thức trả thù khiêu dâm liên quan đến việc tống tiền nạn nhân.
Nói cách khác, trả thù khiêu dâm ảnh hưởng đến hai giới theo những cách khác nhau: Hầu hết nạn nhân của trả thù khiêu dâm là phụ nữ, nhưng nạn nhân là nam giới lại dễ bị tống tiền hơn.
Tính đến năm 2013, 46 tiểu bang ở Mỹ đều đã thông qua luật chống trả thù khiêu dâm. Nếu bị kết án, thủ phạm - phần lớn là nam giới đăng ảnh phụ nữ - phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng, bao gồm án tù 10 năm ở một số bang hoặc phạt tiền lên tới 10.000 USD ở những nơi khác.
46 tiểu bang ở Mỹ đều đã thông qua luật chống trả thù khiêu dâm. Ảnh: Getty. |
Tuy nhiên, theo Insider, việc xử lý tội phạm trả thù khiêu dâm, đặc biệt trong trường hợp nạn nhân là nam giới, vẫn còn nhiều bất cập.
Martin đã báo cáo trường hợp của mình cho cảnh sát ở 3 tiểu bang khác nhau - Arizona, North Carolina và California - nhưng đã không có bất kỳ cuộc điều tra nào được mở. Anh buộc phải tìm kiếm sự giúp đỡ ở các dịch vụ tư vấn xã hội, song cũng vô ích.
“Tại North Carolina, một cố vấn đã đồng ý gặp tôi. Tuy nhiên, khi tôi yêu cầu các nhóm tư vấn, giáo dục và hỗ trợ, cô ấy đã nói: ‘Tôi xin lỗi nhưng dịch vụ này thực sự chỉ dành cho phụ nữ. Chúng tôi không thể giúp bạn’”, Martin kể.
Natalie Quinn-Walker, giảng viên tại Đại học Arden, cho biết: "Trong nghiên cứu của tôi, hầu hết nạn nhân nam không được hỗ trợ đầy đủ khi họ kể câu chuyện lạm dụng cho các chuyên gia chăm sóc sức khỏe hoặc các dịch vụ hỗ trợ”.
“Đối với mọi người, nó chỉ là trò đùa”
Martin không phải người duy nhất bị từ chối giúp đỡ vì giới tính của mình.
Brad, đến từ Los Angeles, nói rằng anh phải mất vài tuần đắn đo trước khi quyết định báo cáo vụ việc của mình với cảnh sát.
Người yêu cũ của Brad đã đăng hai bức ảnh khỏa thân của anh lên Twitter, Facebook và không chịu gỡ xuống. Tuy nhiên, cách xử lý của cảnh sát khiến Brad thực sự sốc.
“Khó khăn lắm tôi mới có can đảm trình báo cảnh sát. Nhưng họ đã cười vào mặt tôi. Đó là trải nghiệm kinh hoàng với tôi nhưng chỉ là trò đùa với họ”.
"Thần đồng nhảy cầu" Tom Daley từng bị bạn tung ảnh nhạy cảm lên mạng. Ảnh: Getty. |
Một nạn nhân khác không muốn được nêu tên, cũng bị người yêu cũ đăng ảnh khỏa thân lên mạng sau khi có bạn gái mới. Những bức ảnh cuối cùng đã được gỡ xuống nhưng đã thu hút hàng trăm bình luận.
Thay vì lên án hành vi đăng ảnh bất hợp pháp, mọi người đã không ngừng đùa cợt về hình ảnh của nạn nhân. "Đối với mọi người, nó chỉ là trò đùa. Rất nhiều bình luận chế giễu cơ thể tôi. Tôi hoàn toàn sốc và xấu hổ", nạn nhân kể.
Theo Matthew Hall, giáo sư và tác giả của cuốn sách Revenge Porn: Gender, Sexualities, and Motivations, đàn ông vốn được mặc định là “phái mạnh” nên một khi trở thành nạn nhân của trả thù khiêu dâm hay bất kỳ tội phạm tình dục nào, họ thường bị chế giễu thay vì cảm thông, giúp đỡ.
“Những nạn nhân nam sẽ thường phải đối mặt với câu hỏi: ‘Làm thế nào một phụ nữ có thể làm điều đó với anh?’. Chính định kiến ‘phái mạnh - phái yếu” khiến các vụ việc, dù nghiệm trọng, cũng không được xử lý theo cách giống trường hợp nạn nhân là nữ", ông Hall nói thêm.
Đàn ông phải tự xoay xở một mình
Một lý do khác khiến những nạn nhân nam ít được giúp đỡ hơn là vì phần lớn họ ngại lên tiếng, ra mặt công khai vụ việc.
Theo nghiên cứu của Revenge Porn Hotline, 81% nam giới bị tống tiền bằng ảnh khỏa thân, clip nhạy cảm không báo cáo vụ việc với cảnh sát.
"Thật khó để đàn ông tuyên bố rằng họ bị lạm dụng hay là nạn nhân của trả thù khiêu dâm", giáo sư Hall nói.
Giảng viên tại Đại học Arden Quinn-Walker cũng đồng ý rằng các nạn nhân nam ngại báo cáo vụ việc với cảnh sát vì xấu hổ và không tin mình sẽ được giúp đỡ.
81% nam giới bị tống tiền bằng ảnh khỏa thân, clip nhạy cảm không báo cáo vụ việc với cảnh sát. Ảnh: Irish Times. |
"Một quan niệm sai lầm phổ biến khác là đàn ông nghĩ họ có thể tự thoát khỏi mối quan hệ với kẻ ngược đãi mình, trong khi thực tế nhiều người trong số họ vẫn mắc kẹt trong mối quan hệ đó do nhiều lý do như con cái, kỳ thị…", bà Quinn-Walker nói thêm.
Martin nói rằng trước đây anh chưa từng được học cách bảo vệ mình khỏi việc bị lạm dụng. “Là đàn ông, tôi luôn được dạy phải cứng rắn, mạnh mẽ. Tôi không biết lạm dụng là gì”.
Sau 18 tháng cố gắng để được giúp đỡ không thành, Martin giờ đây muốn tự mình vượt qua khủng hoảng. Anh bắt đầu tập thiền, thể dục nhiều hơn và chặn mọi liên lạc từ số điện thoại đến tài khoản mạng xã hội của vợ cũ.
"Tôi sẽ cố gắng tự mình giải quyết chuyện này. Tôi không biết liệu mình có trở nên tốt hơn hay tồi tệ đi, cũng không biết liệu việc này đúng hay sai. Nhưng tôi có thể làm gì khác chứ?", Martin nói.