Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nỗi buồn của thủ khoa sư phạm thất nghiệp, ở nhà nuôi lợn

Ngày này năm trước, Bùi Thị Hà được vinh danh tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, vì là một trong 100 thủ khoa xuất sắc. Năm nay, em thất nghiệp, ở nhà bán hoa quả, nuôi lợn.

M

ười hai năm đèn sách, 4 năm là sinh viên sư phạm, Bùi Thị Hà - cô gái nghèo đến từ vùng đất Hà Giang - luôn cố gắng thực hiện theo mong muốn của mẹ: "Hãy học thật giỏi, bởi chỉ có học mới giúp thoát nghèo". 

Thế nhưng, hóa ra hiện thực lại không như lời mẹ em nói, hoặc chí ít hiện tại vẫn chưa, bởi dù là thủ khoa đầu ra của ĐH Sư phạm Hà Nội 2 năm 2016, Hà vẫn chưa xin được việc làm.

Không những nghèo tiền bạc, mà cả những hoài bão và ước mơ trước đây của Hà cũng càng ngày càng mai một, bởi em đang thất nghiệp, ở nhà bán hoa quả và nuôi lợn.

thu khoa o nha chan lon anh 1
Bùi Thị Hà trong ngày tuyên dương 100 thủ khoa xuất sắc tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

'Em đang ở nhà chăn lợn'

T

hời điểm này năm trước, Hà tốt nghiệp ĐH Sư phạm Hà Nội 2. Nhưng không giống với nhiều người bạn phải vật lộn với việc thi lại, học lại, nợ môn, Hà ra trường với tấm bằng giỏi.

Em là một trong 100 thủ khoa xuất sắc được vinh danh tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nơi mà hàng năm, Thành đoàn Hà Nội dành để tuyên dương những sinh viên có thành tích ấn tượng trong học tập.

Năm nay, Facebook cá nhân của Hà toàn lời rao bán sỉ khoai lang mật; ảnh em check-in bán nho, táo, lê ở chợ. Cô gái trẻ cũng xác nhận, em đang ở nhà bán hoa quả, làm đồng áng, chăn lợn phụ mẹ và đi dạy thêm.

Gần một năm ở nhà, em đã quen với nếp sống làm đồng áng. Nghĩa là lên nương thu hoạch lúa, chăm 2 đàn lợn, nhập hoa quả bán ở chợ Hà Giang. Buổi tối, Hà nhận dạy kèm các em học sinh quanh nhà. Cuộc sống hiện tại không hề giống những gì mà em tưởng tượng hay mong ước, là cô giáo.

"Em ước mơ được truyền tải kiến thức cho học trò từ những ngày được theo bố mẹ lên Đồng Văn, Yên Minh thăm người nhà làm giáo viên. Thế nhưng, các thầy cô hồi đó cũng không thể biết rằng ngày em được phép cầm viên phấn, tỉnh Hà Giang không có đợt tuyển dụng nào. Em thất nghiệp", Hà kể.

Mong muốn làm đúng ngành, nghề đã học

N

ăm Hà đang học cấp ba, người cha làm phụ xây đột ngột qua đời trong một vụ tai nạn, chỉ còn lại mẹ vất vả nuôi các con ăn học bằng thu nhập không ổn định.

Niềm tự hào của gia đình nghèo là 3 người con đều vào đại học. Chị gái Hà tốt nghiệp Học viện Hành chính Quốc gia, em trai học năm thứ hai trường Sỹ quan Chính trị. Cũng như những gia đình khó khăn khác, cả 3 chị em Hà từng tính tới việc nghỉ học, nhưng mẹ đã yêu cầu các con phải theo con đường học vấn. 

Rửa bát thuê, lau dọn, bồi bàn, dạy gia sư..., tất cả công việc làm thêm quen thuộc của một sinh viên, Hà đều từng trải qua, miễn kiếm được tiền để giảm bớt gánh nặng cơm áo cho gia đình.

Tốt nghiệp, dự kỳ thi tuyển giảng viên nhưng không đỗ, tân cử nhân cầm tấm bằng trở về quê hương. Hà chủ động gửi thư cho lãnh đạo tỉnh đề xuất nguyện vọng muốn được làm việc ở Hà Giang để cống hiến cho tỉnh nhà. Em nhận được lời hứa rằng trường hợp này sẽ được tạo điều kiện ưu tiên đặc biệt.

"Lãnh đạo sở và tỉnh cũng rất quan tâm, hứa khi có đợt tuyển dụng sẽ thông báo để em thi. Nhưng đã qua một năm, em vẫn làm các việc lặt vặt để kiếm thêm và chờ đợi. Em không biết chờ tới bao giờ", cô gái nói.

thu khoa o nha chan lon anh 2
Các thủ khoa cùng được vinh danh với Hà vào năm 2016.

Khi được hỏi tại sao không linh động tự tạo cho mình những lựa chọn khác, Hà cho biết em học sư phạm, mơ ước trở thành nhà giáo, chứ không phải chỉ muốn tìm một công việc 8 tiếng đơn thuần.

Ngoài ra, tư tưởng của em vẫn là muốn được ở gần chăm sóc mẹ và dạy trường công. Nhưng từ giờ đến Tết, nếu không có gì thay đổi, em sẽ phải tự thay đổi tư duy, tìm việc dạy ở trường tư, hoặc công việc không liên quan viên phấn, tấm bảng.

"Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Giang ngỏ ý hỏi em có muốn đi làm xa, ở huyện Xín Mần (một trong 6 huyện nghèo nhất tỉnh), cách nhà khoảng hơn 100 km hay không. Em đồng ý nhưng cũng chỉ nhận được phản hồi là khi nào có tuyển dụng thì thông báo, còn không có thời gian cụ thể", Hà kể.

Từ cô sinh viên sư phạm tràn đầy tự tin, hào hứng với công việc, chỉ sau một năm, những lời xì xào, bàn tán, ánh mắt dò xét của xóm làng cũng như đôi bàn tay chai sạn vì cầm liềm gặt lúa, kiểm đếm hoa quả ở chợ đã khiến Hà mau rơi nước mắt, tự ti, và sống khép kín.

Người ta mơ núi mơ sông, còn em nhớ về bụi phấn và những đứa trẻ

M

ột lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang xác nhận với báo chí về trường hợp của Hà. Sau khi nữ sinh ra trường, ông đã đích thân tới tận nhà để động viên và chúc mừng.

Tháng một vừa qua, Bộ GD&ĐT công bố cả nước thừa 26.700 giáo viên.

Dự tính đến năm 2020, Việt Nam thừa trên 70.000 cử nhân sư phạm.

Nghịch lý là năm 2017 các trường đào tạo giáo viên vẫn tuyển 55.600 chỉ tiêu.

Tuy nhiên, Hà vẫn phải chờ có đợt thi tuyển tới đây. Hiện, việc thi tuyển công chức không đặc cách đối với thủ khoa, tất cả đều công bằng.

Trong khi đó, theo báo cáo Tổng kết năm học 2016-2017 của Bộ GD&ĐT, tình trạng thiếu giáo viên ở Hà Giang đang ở mức đáng báo động, với tỷ lệ giáo viên/lớp là 1,32 còn rất thấp, chưa đáp ứng yêu cầu.

Trong khi đó, nhiều năm nay, Hà Nội có chính sách trọng dụng nhân tài, "trải thảm đỏ" cho các thủ khoa. 

Thủ khoa xuất sắc có nguyện vọng về làm việc trong các cơ quan, đơn vị của thành phố sẽ được hưởng những chính sách đãi ngộ theo Nghị quyết số 14, được tiếp nhận xét tuyển đặc cách không qua thi tuyển, được hưởng hỗ trợ đãi ngộ thu hút một lần bằng 20 lần mức lương tối thiểu tại thời điểm được tuyển dụng, tiếp nhận…

Đồng thời, cơ hội việc làm dành cho các thủ khoa rất lớn, được giữ lại công tác tại trường, về địa phương nơi mình sinh sống làm việc, hoặc giành học bổng du học.

thu khoa o nha chan lon anh 3
Bùi Thị Hà (bên trái) xinh xắn trong ngày tốt nghiệp đại học.

Cũng theo đó, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ từng khẳng định muốn nâng cao chất lượng giáo dục thì phải có nguồn lực và động lực, trong đó động lực trong đội ngũ giáo viên, nhà giáo rất quan trọng.

Vậy mà buồn thay, Hà lại trở thành "ví dụ sống" để họ hàng của em làm định hướng cho con cái khi học và thi: "Nhìn gương chị Hà đi, tốt nghiệp thủ khoa vẫn thất nghiệp. Tuyệt đối không được thi sư phạm", cô gái kể.

Đáng sợ nhất không phải chờ đợi, mà là không biết phải chờ đợi đến bao giờ. Người ta mơ núi mơ sông, còn Bùi Thị Hà lại chỉ muốn được đứng trên bục giảng.

Có lẽ, mong muốn đó sẽ khó được thực hiện, bởi hiện tại, những thứ đang chờ em mỗi ngày không phải trang giáo án, phấn trắng bảng đen và ánh mắt háo hức của những đứa trẻ mà là hai đàn lợn, một sạp hoa quả ở chợ, những chuyến đánh hàng rau củ quả.

Hà bảo nhiều đêm trằn trọc, thao thức không hay mình có nên tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ trở thành cô giáo dạy Văn, hay chuyển hướng cuộc đời vì bài toán cơm - áo - gạo - tiền.

Cả nước thừa 27.000 giáo viên, ngành sư phạm vẫn hạ điểm vét thí sinh

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, cả nước hiện thừa khoảng 27.000 giáo viên nhưng nhiều trường vẫn tuyển sinh kiểu "vơ bèo vạt tép", với 9 điểm 3 môn thi vẫn trúng tuyển.

Ngân Giang

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm