Trên chuyến xe khách từ TP HCM về Tây Ninh, ông Bằng, phụ huynh có con nộp hồ sơ xét tuyển vào ĐH Y dược TP HCM - trao đổi với chúng tôi qua điện thoại về nỗi niềm của người cha sau nhiều ngày chầu chực và biết tin con rớt khỏi ngành học yêu thích.
Ông nói:
“Con gái tôi đạt 27,75 điểm và quyết định xét tuyển vào ngành Bác sĩ đa khoa của ĐH Y dược TP HCM. Suốt 12 ngày kể từ khi nộp hồ sơ, cả gia đình theo dõi thông tin qua mạng và thấy cháu có khả năng đậu, tôi và cháu vừa mừng vừa lo.
Tối 19/8, lúc 17h, xem danh sách vẫn thấy cháu nằm trong top đậu vào ngành này, đến 20h30 thì cháu bị rớt ra khỏi danh sách vì có thêm số thí sinh được tuyển thẳng do có giải quốc gia môn sinh.
Cháu thất vọng não nề không muốn đi Sài Gòn nữa, nên sáng 20/8, tôi phải cầm giấy ủy quyền để đến trường y dược xem tình hình. Các phụ huynh khác từ Bình Thuận, Đà Nẵng... cũng chầu chực cả ngày, ăn cơm bụi để chờ kết quả. Có cháu trên 27 điểm như con tôi phải rút hồ sơ nộp vào trường khác.
Phụ huynh ai cũng than thở rằng họ phải bỏ công bỏ việc, tốn kém thời gian và tiền bạc mà tâm trạng lại cứ phập phồng lo cho kết quả. Với cách xét tuyển này thì hôm nay con có thể đậu, mai lại rớt, ngày kia lại có thể đậu.
Lúc tôi rời khỏi trường y vào khoảng 16h, còn nhiều phụ huynh vẫn nán lại chờ đến 17h để yên tâm xem còn ai rút, ai đậu. Chưa bao giờ phụ huynh và thí sinh thi xong mà phải khổ sở như thế này. Buồn hơn là những cháu được điểm cao vẫn có nguy cơ rớt như thường.
Trong hơn chục ngày qua, thông tin tuyển sinh không cố định và thay đổi liên tục về chỉ tiêu, quy định tuyển thẳng... khiến phụ huynh hoang mang. Chúng tôi mong muốn Bộ GD&ĐT có cách làm nào đó khoa học hơn để phụ huynh và thí sinh không phải khổ sở chờ đợi, lo lắng, bấn loạn, mất ăn mất ngủ như kỳ thi này”.
* Tên phụ huynh đã thay đổi.