Nỗi buồn Rock Việt
Khi Pop luôn ồn ào và sống khỏe với hàng triệu "tín đồ" thì Rock vẫn tồn tại như một đứa con lạc loài của nhạc Việt?
Rock luôn bị “dị ứng”
Ngày 23/3 tới, Câu lạc bộ Rock Sài Gòn sẽ tổ chức đêm diễn kỷ niệm sinh nhật lần II tại sân Tao Đàn (TP.HCM), với sáu giờ trình diễn (từ 17g30 đến gần nửa đêm), có sự tham gia của 13 ban nhạc rock của ba miền: Nuranium (Hà Nội), Black Friday (Huế), Silent (Đà Nẵng), và Rock Alpha, SaGoMetal, End of Road, Digusted, Lazee Dolls, Microwave, Âm Bản, Black Infinity, Atmosphere, Titanium (TP.HCM ). "Hội ngộ" này hoàn toàn miễn phí cho 12.000 khán giả. Có 5.500 vé gởi tặng sinh viên 11 trường ĐH ở TP.HCM, 2.000 vé phát tại Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP.HCM (185 Hai Bà Trưng, Quận 1) dành cho người có phiếu đổi vé cắt trên báo chí; và 1.500 vé phát qua website www.saigonrockclub.net |
Chẳng hiểu sao, khi nói tới Rock là người ta nghĩ ngay đến những anh chàng tóc tai rũ rượi, áo quần “hầm hố” với cây ghi-ta điện “phá” tiếng đến thất kinh.
Và cứ nói đến những đêm diễn nhạc Rock là người ta nghĩ ngay đến một dàn âm thanh được mở hết công suất, ánh sáng lập loè, ca sĩ và nhạc công thì “quằn quại” trên sấu khấu, còn khán giả bên dưới thì thi nhau hò hét hết cở…
Bấy nhiêu đó thôi cũng làm cho nhiều nhà quản lý văn hoá tỏ vẻ e dè khi cấp phép cho một chương trình nhạc Rock, vì bằng chứng là đã có nhiều fan quá kích động trong các đêm nhạc Rock, dù ai cũng biết rằng biểu diễn hay chỉ đứng xem nhạc Rock thì khó thể “hiền khô” được.
Cho tới nay, trong một thị trường nhạc Việt đang “sủng ái” Pop, các rocker Việt vẫn gặp không ít dị ứng, kéo theo nhiều hệ quả chưa hay.
Rock không có sân chơi
Vì Rock luôn bị “để ý” như vậy, nên các sân chơi dành cho Rock cũng thưa dần. Các cung văn hoá đến nhà văn hoá cấp thành phố hay cấp quận cũng đều xoá sổ các chương trình nhạc Rock, để thay vào đó là các “sân chơi cuối tuần” với nhiều hình thức nhẹ nhàng hơn, với các chương trình dành cho Hiphop, Rap, Pop hay các cuộc đố vui âm nhạc rất nhẹ nhàng nhưng luôn liên quan đến một chủ đề hay một… sản phẩm nào đó.
Bên cạnh đó, phần lớn các biên tập viên của các sân chơi âm nhạc cũng không hề “máu” chút nào với Rock nên các ban nhạc Rock cũng bị “đẩy” ra khỏi các sân chơi.
![]() |
![]() |
![]() |
(Ảnh: Lữ Đắc Long) |
Những đêm Rock qui tụ hàng ngàn bạn trẻ ở Nhà văn hoá Thanh niên Tp.HCM, Nhà hát Bến Thành… với những rocker thứ thiệt nay chỉ còn lại chút hoài niệm trong ký ức của những người yêu nhạc Rock.
Những sân chơi dành riêng cho nhạc Rock đã không còn mà sân chơi Pop “lai” tí Rock cũng không được hưởng ứng cho lắm cũng vì một lẽ: Hiphop và Pop thì… dễ xin được tài trợ hơn.
Rock không có tài trợ
Không phải nhạc Rock bị các nhà tài trở “tẩy chay” mà đôi khi còn ngược lại, nhiều nhà tài trợ còn rất “khoái” không khí cuồng nhiệt của những đêm nhạc Rock.
Thế nhưng điều mà các nhà tài trợ e ngại nhất là ở khâu… xin phép và tổ chức một chưong trình nhạc Rock, vì không ai dám bảo đảm điều gì khi các fan bị kích động hết mức bởi các rocker sau một thời gian dài “dồn nén”. Bằng chứng là một chương trình nhạc Rock hoành tráng tại thủ đô đã biến thành một buổi… tắm tập thể vì các khán giả quá “nóng”, nên… cởi bớt quần áo và thi nhau… nhảy xuống hồ trong công viên.
Dù đó không phải là thường xuyên nhưng các nhà tài trợ luôn phập phồng vì chương trình mình bỏ ra hàng trăm triệu mà đôi khi chỉ diễn được 1/3 và phải ngừng lại vì “sự cố”. Vì vậy, các nhà tài trợ hướng về các đêm nhạc Pop ít sôi động nhưng “an toàn” hơn cho việc quảng bá sản phẩm hay hình ảnh công ty của họ.
Không chỉ có thế, mà yếu tố chi phí cũng làm nhiều nhà tài trợ đắn đo vì yêu cầu về sân khấu, âm thanh, ánh sáng, bảo vệ… cho một đêm nhạc Rock luôn cao hơn một đêm nhạc Pop, khiến các nhà tài trợ phải suy nghĩ lại.
Rock không có sân khấu để diễn
Khi Rock không có sân chơi “hoành tráng” dành cho mình thì một số ban nhạc đã chọn giải pháp “mượn” sân khấu của các quán bar vốn có dàn âm thanh và ánh sáng cực mạnh để biểu diễn, nhằm “nuôi” niềm đam mê Rock, chứ cát-sê không là quan trọng.
Một dạo, các bar Number 1, 259, Olympic, CLB Nhiệt đới… đều có các đêm dành riêng cho Rock. Thế nhưng các khách hàng của những quán bar thường không phải là “tín đồ” của Rock. Họ chỉ thích dance, hay tiếng “rắc” đĩa của các DJ… Và thế là những đêm nhạc Rock cũng thưa dần, nên nhiều ban nhạc Rock dù quyết chí với nghề cũng chỉ còn biết lui về phòng tập và… hát cho nhau nghe.
Rock không thể “đồng hành” với máy MD
Nói thế không có nghĩa là nhạc Rock Việt Nam có thể dễ dàng “tiệt chủng”, do vẫn còn rất nhiều người tâm huyết muốn đưa các rocker trở lại sân khấu. Thế nhưng có một điều rất trớ trêu là có nhiều sân khấu ca nhạc muốn mời các ban nhạc Rock đến biểu diễn xen kẻ với phần biểu diễn của các ca sĩ nhưng “lực bất tòng tâm”, vì phần lớn các sân khấu chỉ trang bị dàn âm thanh cho máy MD cho các ca sĩ tiện “líp sing” chứ không đủ nhiều được cho dàn trống da và các nhạc cụ của một ban nhạc Rock.
Có bầu sô đã từng tung ra “lời đề nghị khiếm nhã” khi thương lượng với một ban nhạc Rock thu sẵn tất cả vào đĩa MD rồi ban nhạc chỉ lên sân đứng “múa” mà thôi. Vì chỉ có giải pháp đó mới “vẹn đôi đường” là sân khấu có tiết mục đa dạng, và các Rocker cũng có “đất” để diễn. Dĩ nhiên là các Rocker chẳng bao giờ chịu “đồng hành” với đĩa MD!
Nghe qua, mọi người ai cũng thấy chạnh lòng cho Rock Việt. Nhiều người đề xuất ý kiến tại sao các ban nhạc Rock không tìm cho mình những “ông bầu” chuyên nghiệp và tâm huyết kia chứ?
Rock không có bầu sô chuyên nghiệp
Các “ông bầu” được biết đến trong “thời vàng son” của Rock chính là các… Nhà văn hoá rải rác từ nội thành đến trung tâm thành phố. Những năm đó thì từ công viên Hoàng Văn Thụ ở Tân Bình đến Nhà hát Q1, NVH Thanh niên, hay Cung Văn hóa Lao động,... ở Tp.HCM đều có các “bà đỡ” của các ban nhạc Rock và được tổ chức, hoạt động rất chuyên nghiệp.
Thế nhưng càng về sau thì nhạc Pop lại đi lên con đường chuyên nghiệp nhanh hơn với sự xuất hiện của các bầu sô với cách làm việc bài bản và có chiến lược hẳn hoi, làm nhiều ca sĩ trẻ của dòng nhạc Pop sớm trở thành “thần tượng” của công chúng trẻ. Trong khi đó, các ban nhạc Rock tự thân vận động chỉ với một người được chỉ định làm trưởng nhóm chỉ để làm ngoại giao là chính, nên dù các Rocker có tài giỏi và miệt mài luyện tập tới đâu chăng nữa thì vẫn thiếu một “cái đầu” đầy chiến lược của một bầu sô chuyên nghiệp, để đưa các rocker này đến gần với công chúng hơn.
Bấy nhiêu đó cũng thấy “nỗi niềm khó tả” của các rocker trong làng nhạc Việt. Cứ mỗi tối đi ngang các sân khấu ca nhạc ồn ào với eo xèo những băng-rôn, ca sĩ cứ quay cuồng dưới ánh đèn theo tiếng nhạc các bài Canto Pop được được phát ra từ chiếc máy MD mà mọi người thi nhau tán thưởng nồng nhiệt, bỗng thấy chạnh lòng cho những buổi diễn rất thật của các rocker!
ns. NGUYỄN NHẤT HUY
(Theo TGVH)