Khi phát hiện con mình “vắt mũi chưa sạch” đã có người yêu, nhiều bậc phụ huynh hoang mang không biết xử trí thế nào. Chia sẻ của cô giáo Trần Thị Tuyết Hạnh, giảng viên ĐH Y tế công cộng, là kinh nghiệm để các bậc phụ huynh tham khảo. Cô Tuyết Hạnh cũng đang là mẹ của cô con gái học lớp 6.
- Chị có ngạc nhiên không khi đọc tin các em thế hệ 10x đã biết yêu?
- Mình nghĩ điều này dễ hiểu vì ngày nay trẻ em tiếp xúc hàng ngày với các hình ảnh tình cảm trên phim, ti vi, báo, internet và với chế độ dinh dưỡng tốt nên lớn nhanh, dậy thì sớm hơn và phát triển sớm về cảm xúc hơn chúng ta ngày xưa. Nhiều bạn của con gái mình mới lớp 6 nhưng đã cao 1,5-1,6m và nặng 45-50kg, nhìn như một thiếu nữ trưởng thành.
Cô giáo Hạnh và con. |
- Tình yêu của các em ở lứa tuổi này có đáng ngại không, thưa chị?
- Mình nghĩ tình cảm của các con ở lứa tuổi cấp 1 dành cho bạn khác giới thường chỉ là cảm giác quý mến nhất thời chứ chưa đến mức rung động như lên cấp 2 và cấp 3. Ở cấp 1 phần lớn các con cũng chưa đến tuổi dậy thì nên về mặt sinh lý cũng chưa đáng lo ngại, tuy nhiên nếu các con ở cấp 2, cấp 3 thì bố mẹ cũng nên gần gũi để tâm sự và hỗ trợ, giải đáp những điều khó nói khi con cần đến.
- Theo chị, những biểu hiện/dấu hiệu nào của con giúp cha mẹ nhận biết được rằng con mình đã bắt đầu biết để ý đến bạn khác giới hoặc được bạn khác giới để ý?
- Biểu hiện khi con mình thích bạn khác giới thì có rất nhiều và chắc tuỳ từng bé và tuỳ lứa tuổi. Bạn cứ thử nhớ lại lúc bạn là học sinh cấp 2 hay cấp 3, khi bạn bắt đầu có những rung động hay quý mến bạn trai trong lớp thì biết. Mặc dù có con thì có biểu hiện ra ngoài, có con lại rất kín, nhưng nếu bố mẹ gần gũi quan tâm con hàng ngày thì có thể nhận biết những thay đổi của con mình. Nhiều khi chỉ là những điều nhỏ nhặt như tự nhiên thấy con có cái bờm tóc mới, hỏi thì con khoe là do bạn trai trong lớp tặng; đón con buổi chiều ở trường thấy con hay chơi cùng bạn nào; nghỉ tết, nghỉ hè thấy con điện thoại, nhắn tin nhiều cho bạn nào đó…
Có thể con nói hay viết ra giấy hay nhắn tin cho bạn với nội dung “I love you” hoặc “mình yêu cậu” thì chắc ý của con là yêu thích, quý mến chứ chưa phải khái niệm yêu của người lớn. Lên cấp 2, cấp 3 thì các biểu hiện chắc sẽ khác hơn như con ngồi học hay làm việc nhà không tập trung, con thích diện đồ đẹp, thích trang điểm, thích đi học cùng bạn khác giới, hoặc các biểu hiện rõ ràng hơn như những dòng trạng thái, những tâm sự hay tấm ảnh con cầm tay, ôm hay hôn bạn khác giới mà con đưa lên trang facebook cá nhân và có lẽ rõ nhất là do con chủ động tâm sự với bố mẹ. Tuy nhiên, cũng có con rất kín, yêu thầm trộm nhớ thôi, chứ không có biểu hiện rõ ràng.
- Khi phát hiện con mình bắt đầu biết tương tư, phụ huynh nên làm gì?
- Mình nghĩ tuỳ vào lứa tuổi và tính cách của con để bố mẹ tìm cách ứng xử phù hợp. Tuy nhiên, luôn đặt tiêu chí tôn trọng tình cảm của con lên trên hết và từ nhỏ đã tạo mối quan hệ gần gũi để chia sẻ và cho con thấy là bố mẹ luôn bên con để con có thể tin tưởng tâm sự khi cần. Thế hệ của mình thì khi có tình cảm với ai, yêu ai và sau này là quan hệ tình dục thì cũng đều tự tìm hiểu chứ không chia sẻ với bố mẹ, do bố mẹ cũng không chủ động chia sẻ những chuyện này với mình. Mình nghĩ như thế cũng là thiệt thòi vì thời đó thông tin không nhiều và dễ tìm như bây giờ. Rút kinh nghiệm nên từ khi con gái mình bắt đầu quan tâm và đặt ra những câu hỏi liên quan đến tình cảm, đến những thay đổi sinh lý trên cơ thể thì mình thường chia sẻ cởi mở với con.
- Chị nói rằng chị thường có thói quen nói chuyện với con, qua những câu chuyện để con tin tưởng chia sẻ với mẹ nhiều hơn, từ đó khéo léo phân tích và căn dặn con, chị có thể lấy một tình huống cụ thể?
- Mình nghĩ để con tin tưởng và chia sẻ với mình thì bản thân mình cũng cần chia sẻ với con. Mình và con coi nhau là hai người bạn, có một số khó khăn mình gặp phải trong cuộc sống hàng ngày mình cũng chia sẻ với con. Ví dụ mình bảo là tháng này mẹ chưa nhận lương mà mẹ lại hết tiền rồi, thế là con gái lấy tiền tiết kiệm trong lợn cho mình mượn, chỉ hơn 100.000đ thôi nhưng mình muốn tập thói quen cho con là những thành viên trong gia đình khi có khó khăn có thể tâm sự để cả nhà cùng chia sẻ giải quyết.
Hay chuyện tình cảm của mình mình cũng thường chia sẻ với con. Những chuyện nhỏ như thế nhưng mình tin qua đó có thể tạo thói quen tốt là khi con gặp khó khăn hay bất cứ vấn đề gì cũng có thể tâm sự với mình. Thỉnh thoảng khi tâm sự chuyện tình cảm, mình cũng chủ động tâm sự hồi học lớp 5, mẹ cũng thích một bạn tên là Trung, bạn ấy học giỏi, vui vẻ và tốt bụng. Mẹ nghĩ bạn ấy cũng thích mẹ, nhưng lên lớp 6 mẹ chuyển trường khác nên không gặp lại bạn ấy nữa.
Ngoài ra, mình cũng mua một số cuốn sách mỏng của nước ngoài họ viết rất hay, giới thiệu các vấn đề về giới tính, những thay đổi khi con đến tuổi dậy thì, quan hệ tình dục an toàn… một cách rất tự nhiên và 2 bạn cùng đọc, vừa là học tiếng Anh, vừa là để con cùng tìm hiểu các kiến thức thiết thực này.
- Có ý kiến cho rằng con trẻ ở tuổi cấp 1, cấp 2 đã biết yêu đương là gì đâu. Các con thích thích vậy thôi chứ chẳng có hại gì nên cứ kệ chúng nó. Lớn thêm chút nữa vào cấp 3 dạy cũng được. Chị có nghĩ vậy không?
- Mình nghĩ đúng là cấp 1 thì thường là tình cảm của các con rất vô tư trong sáng. Tuy nhiên, mình nghĩ đây là thời điểm rất lý tưởng để bố mẹ bắt đầu nói chuyện tâm sự cùng con về các vấn đề liên quan đến tình yêu, tình cảm. Tâm sự sớm cùng con sẽ xây dựng thói quen và để dần dần lên cấp 2 khi phần lớn các con trải qua giai đoạn dậy thì, lúc con sẽ có nhiều điều bỡ ngỡ thì con sẽ chủ động tìm đến bố mẹ để được chia sẻ, tư vấn. Nếu ngay từ đầu mình không quan tâm thì khả năng con sẽ không coi mình là điểm tựa hay người bạn đồng hành trong quá trình con lớn lên. Khi gặp khó khăn con sẽ tự tìm hiểu các nguồn thông tin khác và có thể là không chính xác. Mọi người vẫn thường nói giờ bố mẹ nên “vẽ đường cho hươu chạy đúng đường” còn hơn cứ để cho “hươu chạy lung tung” là gì.
- Theo chị, độ tuổi nào là phù hợp để giới thiệu với con về giới tính, tình yêu, tình dục?
- Theo mình là càng sớm càng tốt, ngay từ cấp tiểu học. Tuy nhiên, tuỳ theo độ tuổi mà thông tin mình chia sẻ với con sẽ theo ngôn ngữ và nội dung phù hợp.
- Mới đây, nhiều báo đưa tin về tình trạng các em học sinh cấp 2 yêu nhau, hôn nhau rồi chụp ảnh đưa lên Facebook. Theo chị, việc để con tiếp xúc sớm với internet, mạng xã hội tốt hay xấu?
- Mình là người sử dụng internet hàng ngày và cũng dùng Internet, Facebook cho các mục đích khác nhau như giải trí, chuyên môn, chia sẻ thông tin… Mình nhận thấy mạng xã hội cũng đem lại rất nhiều lợi ích cho người sử dụng và cũng thực sự rất hấp dẫn, chính vì vậy càng ngày càng có nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, mình nghĩ một sản phẩm tốt không có nghĩa là tốt cho mọi lứa tuổi. Bên cạnh những mặt tích cực mà mạng xã hội mang lại thì nó cũng chứa đựng rất nhiều nguy cơ mà mình tin với những trẻ học cấp 1 và cấp 2 thì khó để mà ứng phó được vì các con còn nhỏ mà.
- Ở nhà chị quản lý việc sử dụng mạng của các con như thế nào?
- Ở nhà mình cũng mua máy tính bảng cho con, nhưng mình cài mật khẩu. Mỗi ngày mình cho con dùng trong khoảng 1 tiếng để con xem các bài báo hay clip lành mạnh về học tiếng Anh, các bài hát hay, các câu chuyện ý nghĩa trong quà tặng cuộc sống, chuyện cười, các bài học cảnh giác, các clip hướng dẫn kỹ năng sống thiết yếu ví dụ ứng phó với bạo lực học đường… Nói chung là việc cho con tiếp xúc với Internet cũng rất tốt, nhưng bố mẹ cần giám sát và quan tâm đến nội dung mà con đọc/xem hàng ngày chứ không nên để mặc con tự tìm hiểu.
Gần đây con cũng bảo ở lớp các bạn dùng Facebook rồi, mẹ mở giúp con. Mình cũng giải thích với con là mẹ mới dùng Facebook khi mẹ đi làm. Bây giờ con còn bé, mẹ đọc và biết nếu trẻ em cấp 1, cấp 2 mà vào mạng thì không tốt, để đến lúc con lên cấp 3 thì mở nếu con thích.
Mình nói thêm như coi gái của tổng thống Obama, hai chị lớn hơn con rất nhiều nhưng cũng chưa dùng Facebook… Mình nghĩ ngày nay các con của chúng ta đang phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ trong xã hội cũng như trên mạng internet.
Nguy cơ nhiều khi cũng liên quan đến may rủi, tuy nhiên, nếu bố mẹ chủ động cùng con dự phòng thì sẽ giảm được nguy cơ cho con, giúp con lớn lên cùng với nhiều kỷ niệm đẹp, những rung động và trải nghiệm đầu đời của thời học sinh để làm hành trang cho con sau này. Mình tin dù bố mẹ là ai, làm gì thì cũng đều mong muốn đều tốt đẹp nhất cho các con của chúng ta và một câu mình thường nói với con gái mình là: dù con như thế nào, con gặp vấn đề gì hay phạm lỗi gì thì mẹ vẫn luôn yêu thương con và bên con.