Việc mặc trang phục nàng tiên cá và thực hiện các động tác dưới nước lấy cảm hứng từ hình tượng thần thoại này ngày càng phổ biến, đặc biệt là ở các quốc gia như Mỹ và Philippines, nơi những "nàng tiên cá" chuyên nghiệp được thuê biểu diễn ở các bữa tiệc hay sự kiện.
Shoko Goto (44 tuổi) cũng muốn hoạt động này phổ biến ở Nhật Bản. Bà là người đứng đầu Học viện Nàng tiên cá Nhật Bản, tọa lạc tại thành phố Nagoya, tỉnh Aichi, theo Kyodo News.
Trong một buổi học vào giữa tháng 5, 8 học viên đã tập trung tại một bể bơi lặn địa phương để "khơi gợi những nàng tiên cá bên trong mình". Những chiếc đuôi trong trang phục màu hồng và màu vàng uốn lượn khi họ thực hành các động tác xoay tròn dưới nước, cố gắng làm chủ các chuyển động mượt mà.
Goto, còn có tên chuyên nghiệp là Nàng tiên cá Shellina, khuyên: “Nếu quá vội vàng, các bạn sẽ bộc lộ bản chất con người của mình. Chậm thôi, chuyển động nhẹ nhàng và thoải mái".
Bà Goto (thứ 5 từ phải sang) cùng các học viên. Ảnh: Kyodo. |
Các giáo viên tại Học viện Nàng tiên cá sẽ hướng dẫn học viên chi tiết về mọi thứ, từ kỹ thuật bơi đến tạo hình bàn tay thích hợp cho các động tác khác nhau.
"Tôi tham gia học vì muốn được giống Ariel trong phim 'Nàng tiên cá' của Disney. Mục tiêu của tôi là được xuất hiện trong một buổi biểu diễn trực tiếp", một phụ nữ 26 tuổi ở Tokyo, theo học tại học viện gần một năm, cho biết.
Theo Goto, kiểu bơi nàng tiên cá hướng đến sự thanh lịch và vẻ đẹp hơn là sự cạnh tranh như thi bơi tốc độ hay khoảng cách.
Năm 2015, bắt gặp trên mạng xã hội những hình ảnh về các hội nhóm nàng tiên cá - tập hợp người có chung sở thích và cosplay, chụp ảnh - bà Goto được truyền cảm hứng biến giấc mơ về nàng tiên cá của mình thành hiện thực. Dù không có năng khiếu bơi lội nhưng từ nhỏ, bà đã yêu thích câu chuyện nổi tiếng về nàng tiên cá và muốn thử thách bản thân.
Hơn 250 người đã tham gia học, trải nghiệm ở học viện nàng tiên cá. Ảnh: Kyodo. |
Goto thường xuyên đến một bể bơi ở địa phương, cố gắng lặn dưới nước trong thời gian lâu hơn và luyện tập các kỹ thuật trình diễn bơi lội cần thiết. Năm 2020, bà đạt chứng chỉ chuyên nghiệp với tư cách là người hướng dẫn bơi nàng tiên cá.
Cùng năm, bà thành lập Học viện Nàng tiên cá. Ban đầu, việc thu hút học sinh rất khó khăn, song nhờ sự quảng bá trên mạng xã hội, đã có hơn 250 người, đa dạng độ tuổi từ 6 đến 70, tham gia các lớp học hoặc sự kiện trải nghiệm. Bên cạnh đó, số nam giới đăng ký ngày càng tăng.
Học viện cũng đã tổ chức các buổi biểu diễn nàng tiên cá tại thủy cung trong tỉnh Aichi và nhiều địa điểm trên khắp Nhật Bản.
“Với bất kỳ ai mơ ước trở thành nàng tiên cá, tôi khuyến khích họ thực hiện điều đó ở mọi lứa tuổi”, bà chia sẻ.
Niềm vui và nỗi buồn của công việc
Tập truyện ngắn của nữ tác giả Jang Ryu Jin mang đến cái nhìn khác về cuộc sống của tầng lớp thanh niên ở Hàn Quốc. Chúng ta thường quen với hình ảnh những nam thanh nữ tú, chỉn chu trong bộ trang phục công sở, làm việc trong những cao ốc văn phòng sang trọng. Thực tế, áp lực công việc và khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, khiến nhiều người trẻ không còn thiết tha với tình yêu, chuyện kết hôn hay sinh con. Các nhân vật của Jang Ryu Jin đều là những thanh niên bình thường mà người ta có thể gặp ở bất cứ đâu. Mỗi câu chuyện là một mảng màu sáng-tối đan xen, tạo nên bức tranh đa chiều về những khó khăn của người trẻ trong xã hội hiện đại.