“Thuế béo” trong ngành thời trang mang tính phân biệt đối xử lớn đối với những người ngoại cỡ. Ảnh minh họa: Plusmall. |
Mỗi khi đi mua sắm, Hameeda Syed, sống ở New Delhi (Ấn Độ) thường ghé khu vực quần áo dành cho nam giới. Là một người phụ nữ ngoại cỡ với chiều cao trên mức trung bình, cô cảm thấy thoải mái khi diện áo sơ mi và quần jeans của phái nam.
Còn với Aarti Krishnakumar, đến từ Pune (Ấn Độ), trưởng thành ở một thị trấn nhỏ đồng nghĩa cô phải mặc những bộ shalwar kameez rộng thùng thình hoặc những chiếc váy dài tay và che quá đầu gối.
“Con quá béo, nên hãy dùng quần áo che cơ thể đi”, mẹ cô khuyên nhủ.
Vishakha Bhaskkar (trái) và Asana Riamei cùng nhau sáng lập thương hiệu thời trang dành cho cơ thể mọi kích cỡ. Ảnh: Angrakhaa. |
Trong khi Syed ở độ tuổi hai mươi, Krishnakumar đã ngoài 40, và họ lớn lên ở hai đầu đất nước. Tuy nhiên, hai người phụ nữ này lại có điểm chung, đó là dành cả đời tìm kiếm những bộ quần áo vừa hợp thời trang, vừa có mức giá phải chăng dành cho những người có thân hình tròn trịa như họ, SCMP đưa tin.
Theo công ty nghiên cứu Future Market Insights, thị trường quần áo ngoại cỡ được định giá 276 tỷ USD vào năm 2022 và dự kiến sẽ đạt 288 tỷ USD trong năm nay.
Ở Ấn Độ, phân khúc ngoại cỡ chiếm một nửa tổng số người tiêu dùng vào năm 2019 và nhu cầu ngày càng tăng. Các thương hiệu thời trang nhỏ, độc lập phục vụ cho đa dạng kích cỡ bắt đầu xuất hiện nhiều hơn ở nước này. Họ không chỉ sản xuất quần áo phù hợp với nhiều hình dạng cơ thể hơn, mà còn yêu cầu xã hội chấp nhận kích thước ngoại cỡ như bình thường.
Brishti Ghosh nằm trong số những người lên án "thuế béo" trong ngành thời trang Ấn Độ. Ảnh: Blush Tree. |
Vishakha Bhaskkar, người sáng lập thương hiệu thời trang Angrakhaa dành cho phụ nữ đa dạng kích thước vào năm 2018 với đối tác Asana Riamei, gọi cách phân loại cơ thể như vậy là sự xúc phạm.
“Kích thước tiêu chuẩn không tồn tại. Đó chỉ là một khuôn mẫu mà xã hội dành cho phụ nữ, và định nghĩa của chúng thay đổi theo thời gian. Những phụ nữ được coi là cỡ trung ngày nay từng được coi là bình thường vào thời của Marilyn Monroe”, cô nói với SCMP.
Gần đây, thương hiệu Angrakhaa đã huy động được 4 triệu rupee (49.500 USD) trên chương trình truyền hình thực tế Shark Tank Ấn Độ. Trong buổi thuyết trình trước hội đồng nhà đầu tư, bộ đôi Bhaskkar và Riamei tái khẳng định doanh nghiệp của họ đang đấu tranh chống lại loại “thuế béo” mang tính phân biệt đối xử cao.
“Thuế béo” vốn là một loại thuế tiêu thị áp dụng cho thực phẩm, đồ uống chứa nhiều đường và chất béo. Thuật ngữ này cũng được sử dụng trong ngành thời trang, dùng để chỉ mức chênh cao hơn giữa giá quần áo cỡ lớn và giá quần áo thông thường. Các thương hiệu thường giải thích rằng hàng may mặc có kích thước lớn hơn cần nhiều vải hơn, nhiều thời gian và nhân công hơn để sản xuất.
Trang phục ngoại cỡ ở Ấn Độ thường có giá thành cao hơn so với hàng may mặc kích thước tiêu chuẩn. Ảnh minh họa: Praveen Bhat. |
“Tôi thấy quần áo dành cho phụ nữ ngoại cỡ đắt hơn rất nhiều. Cuối cùng, tôi phải mặc đồ của bố và anh trai”, Syed, ở New Delhi, chia sẻ.
Brishti Ghosh, nhà sáng lập thương hiệu thời trang Blush Tree dành cho cơ thể đa dạng kích thước, gọi “thuế béo” là một hình thức sỉ nhục và kỳ thị.
“Tại sao chúng ta phải cảm thấy tồi tệ về bản thân chỉ vì không phù hợp tiêu chuẩn ngoại hình của xã hội?”, cô đặt vấn đề.
Gosh tự hào về sự nhất quán về mức giá trên mọi kích thước trang phục ở cửa hàng của mình. Các thương hiệu thời trang ngoại cỡ khác cũng làm điều tương tự: mỗi sản phẩm chỉ một giá bán, cho dù là cỡ XS hay 10XL.
Bên cạnh đó, những cửa hàng này cũng cung cấp đa dạng phong cách thời trang hơn cho khách hàng ngoại cỡ, từ trang phục truyền thống Ấn Độ cho đến quần áo thể thao, trang phục phương Tây.
Krishnakumar, đến từ Pune, nhớ lại lần đầu tiên tìm thấy một chiếc quần jean và áo sơ mi cotton vừa vặn cách đây nhiều năm tại một cửa hàng ở thành phố Bangalore (Ấn Độ).
“Chúng không khiến tôi cảm thấy như đang trùm bao tải vào người. Thay vào đó, tôi thấy mình thật thoải mái và tự do”, cô kể.
Xu hướng thời trang bền vững tăng dần qua các năm
Bắt đầu từ khoảng năm 2014, số lượt tìm kiếm “quần áo giá rẻ” bắt đầu giảm mạnh, trong khi cùng thời điểm này, số lượt tìm kiếm “quần áo bền vững” tăng mạnh. Trong cuốn Thế giới không rác thải, tác giả Ron Gonen cho rằng sự chú ý vào xu hướng phát triển bền vững trong ngành thời trang đang tăng đột phá dưới sự mở đường của những nhà tiên phong trong lĩnh vực thời trang bền vững như Stella McCartney, Eileen Fisher và Yvon Chouinard của Patagonia.