Nhiều người chơi liên tục săn lùng đồng hồ mới, bị tác động bởi ý kiến của những người xung quanh. Ảnh minh hoạ: @andreerighthand. |
Theo Tatler Asia, sưu tầm đồng hồ là một thú chơi, một đam mê, nhưng cũng có thể là một cơn nghiện. Đối với một số người chơi, việc sở hữu một mẫu cỗ máy thời gian hiếm, phiên bản giới hạn trở thành nỗi ám ảnh, đem đến những nguy hiểm về mặt tâm lý và tài chính.
Sự khác biệt lớn nhất giữa một nhà sưu tầm lành mạnh và một “con nghiện” đồng hồ là khả năng kiểm soát mong muốn sở hữu.
“Người chơi bình thường luôn biết khi nào phải ngừng mua thêm. Trong khi đó, những người nghiện phụ kiện cổ tay luôn để cảm xúc chi phối, dẫn đến hành vi không phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính”, nhà tâm lý học Hong Kong Sonia Samtani nói.
Việc suy nghĩ về một mẫu đồng hồ 24/7 là dấu hiệu của hội chứng nghiện thú chơi này. Ảnh minh hoạ: Rolex. |
Dấu hiệu ‘nghiện’ đồng hồ
Các nhà sưu tập đồng hồ “sành sỏi" thường được so sánh với những người sành ăn, thích thưởng thức bữa tối xa hoa, nếm từng món ăn được bày trí cẩn thận trên đĩa và cất lời khen ngợi.
Trong khi đó, kẻ nghiện thú chơi này lại được ví với những đứa trẻ trong cửa hàng bánh kẹo, mong muốn sở hữu tất cả đồ ngọt.
Dấu hiệu về cơn nghiện này được thể hiện rõ ràng qua suy nghĩ, thái độ và hành vi của người chơi.
“Nếu một cỗ máy thời gian ở trong tâm trí bạn 24/7, cả lúc tỉnh và khi mơ, bạn có thể đã trở thành một ‘con nghiện’ chính hiệu”, nhà sưu tập đồng hồ Omar Traboulsi chia sẻ với Tatler.
Theo Omar Traboulsi, những người bị thú chơi này chi phối thường nghĩ về món đồ muốn sở hữu tiếp theo ngay khi chiếc đồng hồ yêu thích vừa mới xuất hiện trên cổ tay. Thực tế, nhiều nhà sưu tầm có xu hướng quên một số cỗ máy thời gian trong bộ sưu tập cá nhân.
Điều này chứng tỏ chiếc đồng hồ chỉ được mua để thỏa mãn mong muốn tức thời, đem đến niềm vui thoáng chốc. Chỉ sau vài ngày, cỗ máy thời gian có thể lập tức bị bỏ xó trong góc tủ.
“Hãy tự hỏi bản thân về số lượng đồng hồ đã mua trong một năm. Nếu không nhớ rõ, bạn có khả năng ‘nghiện’ thú chơi này”, Jackie Ho, nhà sáng lập câu lạc bộ Hong Kong Watch Ho & Co, nói với Tatler.
Theo nhà tâm lý học Samtani, một số khách hàng tìm đến cô nhờ hỗ trợ giải quyết chứng nghiện đồng hồ. Họ cho biết nguyên nhân gốc rễ dẫn đến quyết định mua sắm đồng hồ là khao khát được nhìn nhận, thừa nhận và yêu mến.
“Đối với các khách hàng này, tôi thường tìm ra lý do gốc rễ của cơn nghiện, từ đó hướng họ đến sự lựa chọn lý trí hơn, tránh để cảm xúc chi phối”, Samtani chia sẻ.
Người chơi cần xây dựng chiến lược cụ thể, tránh vội vã đưa ra quyết định mua. Ảnh minh hoạ: Patek Philippe. |
‘Cai nghiện’ đồng hồ
Theo nhà sưu tầm đồng hồ Kob D, 2 yếu tố quan trọng mà người chơi cần xác định để tránh bị nghiện là đặt ra ngân sách và trang bị kiến thức.
Trước khi theo đuổi thú chơi này, Kob D đã dành nhiều thời gian gặp gỡ, nghe các chuyên gia tư vấn và theo dõi các thông tin liên quan.
Sở hữu bộ sưu tập đồng hồ Rolex cổ trong một thập kỷ qua, Kob áp dụng chiến thuật “một vào, một ra” (khi mua một cỗ máy thời gian mới, người chơi cân nhắc thanh lý một món đồ cũ).
Tương tự, nhà sưu tầm Traboulsi đưa ra lời khuyên về sự hài lòng. Một cá nhân không thể sở hữu tất cả đồng hồ trên thế giới. Nếu có một bộ sưu tập đồ sộ, người chơi dễ dàng bỏ xó nhiều món phụ kiện cổ tay.
Phân tích thị trường và xây dựng chiến lược chi tiết là những bước quan trọng trong hành trình săn lùng các mẫu đồng hồ.
“Đừng bao giờ giao dịch vội vã. Hãy chờ đợi thời điểm thích hợp để ‘xuống tiền’. Mọi quyết định bồng bột đều phải trả giá”, Traboulsi nói.
Bên cạnh sự ảnh hưởng của mạng xã hội, người chơi đồng hồ có thể bị tác động bởi những người xung quanh, đặc biệt là những cá nhân có cùng sở thích. Nếu không kiên định, họ dễ dàng bị thuyết phục mua những cỗ máy thời gian không thực sự cần thiết. Điều này thường xảy ra với những người chơi mới, chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
“Một số người thích đồng hồ cổ, nhiều người khác thích những mẫu thịnh hành. Nếu chiều lòng tất cả, bạn sẽ đánh mất chính mình”, Kob D nói.
Chìa khoá để “cai nghiện” đồng hồ chính là trải nghiệm và tận hưởng những món phụ kiện cổ tay đã có trước khi bổ sung chiếc khác vào bộ sưu tập, theo Tatler Asia.
Xu hướng thời trang bền vững tăng dần qua các năm
Bắt đầu từ khoảng năm 2014, số lượt tìm kiếm “quần áo giá rẻ” bắt đầu giảm mạnh, trong khi cùng thời điểm này, số lượt tìm kiếm “quần áo bền vững” tăng mạnh. Trong cuốn Thế giới không rác thải, tác giả Ron Gonen cho rằng sự chú ý vào xu hướng phát triển bền vững trong ngành thời trang đang tăng đột phá dưới sự mở đường của những nhà tiên phong trong lĩnh vực thời trang bền vững như Stella McCartney, Eileen Fisher và Yvon Chouinard của Patagonia.