Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nỗi khổ của nhà văn Italy khi chống đối mafia

Hàng ngày Roberto Saviano cảm thấy day dứt vì gia đình anh phải thay đổi chỗ ở liên tục để bảo đảm an toàn trước sự truy lùng của các băng đảng tội phạm.

Vào tháng 9/2006, trong một cuộc tuần hành phản đối mafia ở Casal di Principe, thành phố mà mọi người mô tả là “súng nhiều hơn dân”, Roberto Saviano đã đứng trên sân khấu và thách thức các trùm xã hội đen.

Anh nói lớn: "Các người không thuộc về thành phố này. Hãy biến đi". Sự kiện ấy khiến các trùm mafia tức giận, và họ lập kế hoạch ám sát nhà văn trẻ vào Giáng sinh năm 2008, trên một xa lộ giữa Rome và Naples.

"Tôi đã gọi tên từng trùm mafia. Đối với họ, tôi đã phạm một tội không thể tha thứ", Saviano thổ lộ.

Vào nhà vệ sinh cũng là việc phức tạp

Các nhân chứng tiết lộ băng đảng Camorra lên kế hoạch giết Saviano bằng một khối thuốc nổ. Vì thế, cảnh sát coi bảo vệ Saviano là việc cần thiết.

"Ban đầu tôi nghĩ cảnh sát sẽ chỉ cần bảo vệ tôi trong 2 hoặc 3 ngày, sau đó tôi sẽ quay lại cuộc sống bình thường. Rồi tôi nhận ra rằng tình hình nghiêm trọng hơn mình tưởng. Khi một cuộc chiến giữa các phe phái trong băng đảng Camorra nổ ra, cảnh sát đưa tôi tới một đảo xa để ẩn náu. Nới đó có một ngôi nhà mà người ta chỉ có thể tiếp cận từ biển. Sóng điện thoại không tồn tại ở đó, và mỗi lần gọi điện thoại, một cảnh sát phải đưa tôi ra biển", nam nhà văn kể.

Với sự giám sát nghiêm ngặt, vào toilet cũng là việc phức tạp đối với Saviano. Một lần, khi đang di chuyển trên đường, Saviano yêu cầu dừng xe để sử dụng toilet công cộng. Hai cảnh sát phải kiểm tra toilet trước rồi ra hiệu để nhà văn bước vào đó. Các cảnh sát khác quay ra tứ phía để canh chừng.

"Cái giá mà tôi phải trả cao hơn nhiều so với viễn cảnh tệ nhất mà tôi tưởng tượng. Điều khiến tôi day dứt nhất là gia đình mình liên tục phải di chuyển từ thành phố này sang thành phố khác. Hàng ngày tôi cảm thấy tội lỗi vì việc đó", anh thừa nhận.

Nhà văn quyết không từ bỏ lý tưởng sống

Theo thời gian, nhiều quốc gia châu Âu đã đề nghị tham gia nỗ lực bảo vệ Saviano. Thậm chí một nước ở vùng Scandinavia đã cho phép anh tị nạn. Đổi lại, Saviano sẽ phải ngừng cuộc đấu tranh với tội phạm có tổ chức. Anh sẽ không trả lời phỏng vấn, không viết các bài báo nữa.

"Tôi từng suy nghĩ khá lâu về ý tưởng rời Italy. Nhưng cuối cùng, lý tưởng của tôi đã chiến thắng. Bản thân tôi luôn muốn thay đổi thực trạng hiện nay. Mục tiêu của tôi là chống băng đảng Camorra. Nếu lùi bước, tôi sẽ không thể thực hiện việc đó nữa", anh nói.

Đương nhiên Saviano muốn sống như người bình thường. Anh từng sống ở thành phố New York. Để bảo vệ Saviano, chính phủ Mỹ đã cấp cho anh thẻ căn cước mang tên David Dannon. Anh nhận thấy biện pháp của họ vô tác dụng khi một người đàn ông reo lên: "Nhà văn Italy" khi gặp anh trong một tòa nhà ở Manhattan.

"Ngay cả khi ra nước ngoài, tôi vẫn phải chấp nhận sự bảo vệ của cảnh sát. Đôi khi họ đưa tôi tới những thành phố mà mình chưa từng biết. Một trong những ngày mà tôi thấy tự do nhất là đi từ sân bay tới trung tâm thành phố London mà không cảnh sát nào hộ tống", Saviano kể.

Matteo Salvini, Bộ trưởng Nội vụ từng dọa ngừng bảo vệ Saviano sau khi anh phê phán các chính sách chống người nhập cư của ông.

"Rất nhiều người đã quên đoạn mở đầu câu chuyện và lý do cảnh sát hộ tống tôi cả ngày lẫn đêm. Nhiều người nghĩ sự bảo vệ của cảnh sát là một đặc quyền, cứ như thể tôi muốn như vậy. Thậm chí một số người còn coi việc được cảnh sát bảo vệ là dấu hiệu của thành công. Nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy tôi là một người hùng", anh tâm sự.

Cuộc sống khác thường của nhà văn Italy nổi tiếng chống mafia

Tình trạng lo âu, cảnh giác cao độ thường xuyên khiến nhà văn nổi tiếng nhất Italy thường xuyên mất ngủ, và khuôn mặt anh luôn lộ rõ tâm lý căng thẳng.

Kiến Văn

Bạn có thể quan tâm