Những ngày này, chỉ cần lướt web vài phút sẽ thấy sắc đào mai và không khí Tết hứng khởi tràn ngập Internet. Thế nhưng ở một góc khuất khác, nhiều chị em đang than thở sợ Tết, trách chồng vô tâm. Có chị em còn lên hỏi kinh nghiệm chi tiêu, sắm sửa, biếu Tết sao cho đẹp lòng hai bên nội ngoại vì chồng chẳng đoái hoài quan tâm.
Đang trong giờ làm, vợ anh Hà (32 tuổi, TP.HCM) lẳng lặng gửi tin nhắn cho chồng link bài báo “Tết có phải dịp đàn ông vô tâm nhất?”. Cả ngày hôm đó, anh còn bị vợ nhắc tên trên Facebook, cuốn vào các câu chuyện chị em nói xấu chồng trên mạng xã hội. Anh Hà bực, trách vợ cứ hùa theo thiên hạ chỉ trích chồng, mà không nhận ra bao điểm tốt của người bạn đời.
Tết là dịp để chị em than thở với thiên hạ về chuyện chồng vô tâm. |
“Cuối năm, ngày nào tôi cũng đi làm về muộn, có hôm phải đi tiếp khách tặng quà tri ân để giữ mối làm ăn cho năm sau. Người đã mệt mà hễ gặp vợ là bị nghe cằn nhằn tại sao về muộn, sao rượu bia lắm thế… Tôi cũng chỉ cố làm tốt công việc, sếp quý thì cuối năm thưởng có thể tăng thêm 1-2 tháng lương nữa. Giải thích thì cô ấy không tin, mà lờ đi thì cô ấy bảo vô tâm, hững hờ”.
Không chỉ bị bạn đời chê, anh Trần Danh (Hà Nội) còn bị mẹ vợ phán xét vô tâm. Năm ngoái chiều ý vợ, cả nhà anh về ngoại ăn Tết trước. Tính anh sống hướng nội, ít mồm mép, lại không ham rượu chè, nên bị mẹ vợ bóng gió nói con rể cưỡng cầu về ngoại.
Tối mùng 2, anh vô tình nghe thấy bà tố hàng loạt tật xấu của con rể với hàng xóm, mà đến nằm mơ anh cũng chẳng nghĩ ra. Đơn cử như chỉ biết tiền Tết mà không biếu quà, biết bố vợ thích nhâm nhi mà không thèm biếu rượu táo mèo đặc sản quê nội, ngồi vào mâm cỗ chỉ biết ăn mà không biết hỏi chuyện…
Phụ nữ âu lo, tất bật lẫn tủi thân ngày Tết, thì cánh mày râu cũng thấy oan uổng khi bị gắn mác hai chữ “vô tâm”. Với vai trò là người trụ cột trong gia đình, bản thân người đàn ông cũng rất muốn xông pha, làm những việc lớn lao, đem lại cho những người thân yêu thương một cái Tết tròn vẹn và ý nghĩa nhất.
Có người đến tận đêm giao thừa mới mệt nhoài về tới nhà với vợ con, vì làm ăn kiếm tiền, vì bận rộn cuối năm. Có người đến cả việc giúp vợ một tay chuẩn bị nhà cửa đón Tết cũng chẳng làm được là bao, nhưng sẵn sàng bảo vợ đừng dọn dẹp cầu kỳ, để dành thời gian đó đi làm đẹp, lên mạng gọi đồ ăn ngon. Có người không mở lời khen vợ đẹp bao giờ, nhưng đi đâu cũng kéo vợ đi theo như là niềm kiêu hãnh của bản thân.
Nghĩ thoáng hơn một chút, trân trọng nhau thêm nhiều hơn, chị em sẽ thấy các đức ông chồng ấm áp hơn mình tưởng. |
Ngày Tết, phụ nữ trong nhà tránh sao được cảnh khom lưng chuẩn bị cỗ bàn, dọn rửa cả chục mâm bát đĩa. Quê anh Thành (Sơn La) nhiều hủ tục, chồng giúp vợ thì dâu sẽ bị mắng như xối nước vào mặt. Thay vào đó, anh sai con cháu xuống phụ bà, phụ mẹ hậu kỳ. Đó cũng là một cách thể hiện sự quan tâm, mà nếu không nói ra, các bà vợ vẫn chắc mẩm điều ngược lại.
“Năm đầu tiên đưa vợ mới cưới về ra mắt họ hàng, tôi chủ động thay đổi truyền thống nàng dâu mới phải đi ‘nhận họ’ cả trăm nhà. Trong cuộc lễ lạt liên hoan cuối năm tại nhà thờ tổ có đầy đủ mọi người, tôi đứng lên giới thiệu nàng dâu mới, trao quà luôn cho chú bác trong dòng họ. Đám đông xì xào làm thế không phải phép, cậy tiền bạc sinh hỗn hào, nhưng xót vợ đang bầu nên tôi vượt rào quy củ. Ấy vậy mà vợ lại trách tôi đẩy cô ấy vào thế khó xử”, anh Thành nói.
Đàn ông và đàn bà có cách thể hiện tình yêu vốn khác nhau, nên nếu không đủ tinh tế và thấu hiểu, phái yếu sẽ không nhận ra tấm chân tình của bạn đời. Nghĩ thoáng hơn một chút, trân trọng nhau thêm nhiều hơn, chị em sẽ thấy các đức ông chồng ấm áp hơn mình tưởng.