Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nỗi lo ăn uống của người Việt

“Chỉ nên chi trả cho thực phẩm đáng trả tiền. Dinh dưỡng không hợp lý không thể phát triển được”.

PGS.TS Lê Bạch Mai, phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, đã nói với Tuổi Trẻ như vậy khi bàn về bất hợp lý trong tiêu dùng thực phẩm ở VN. Bà Mai cho biết: “Nói về vấn đề dinh dưỡng hiện nay, tôi muốn nhấn mạnh một điều trước ta quan tâm bề rộng của dinh dưỡng, thì giờ cần rẽ vào các ngõ nhỏ, giảm những hành vi bất lợi trong tiêu dùng thực phẩm”.

- Những hành vi nào trong thói quen ăn uống của người Việt bà cho là bất lợi nhất?

- Người Việt coi bữa ăn là bữa cơm, trước thiếu cơm thì ăn khoai, củ, sau đủ cơm thì ăn nhiều cơm đến no, nay thì có thêm rất nhiều loại thực phẩm chế biến như mì ăn liền, bánh mì trắng. Tất cả đều là tinh bột, mà thực phẩm có chỉ số đường huyết Gl ở mức từ 70 trở lên là mức cao, thì bánh mì trắng có chỉ số Gl lên đến khoảng 95.

10 năm, trẻ béo phì ở VN tăng chín lần. Trong ảnh: bé tập thể dục để giảm béo phì ở bờ kênh Nhiêu Lộc, Q.Tân Bình, TP.HCM.

10 năm, trẻ béo phì ở VN tăng chín lần. Trong ảnh: bé tập thể dục để giảm béo phì ở bờ kênh Nhiêu Lộc, quận Tân Bình, TP.HCM.

Người Việt cũng rất thích đồ ngọt, trong đó có uống nước ngọt. Sau năm năm, lượng nước ngọt có gas sử dụng ở VN đã tăng gấp đôi, và tính ra tiền thì người Việt đã tiêu hàng ngàn tỉ đồng cho nước ngọt có gas.

Trên lon nước ngọt có gas, người ta ghi năng lượng sau uống 100ml là 42kcl. Nhưng mấy ai nhìn dòng chữ nhỏ xíu đó và mấy ai mua lon nước ngọt chỉ uống 100ml rồi bỏ đi? Người ta thường tiếc, uống cho đến hết.

PGS.TS Lê Bạch Mai, phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia.

PGS.TS Lê Bạch Mai, phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia.

Thật ra một lon nước ngọt có gas sinh đến 138,6kcl năng lượng và chứa đến 36,3gr đường. Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo mỗi người chỉ nên ăn tối đa 350gr đường/tháng, đó là số đường có trong cả bánh kẹo, nước ngọt, bánh ngọt, giờ thì uống một lon nước ngọt đã dùng đến 1/10 lượng đường tối đa dùng cho cả tháng.

Thứ nữa về năng lượng, để tiêu hao hết 100kcl tương đương 45 phút đi bộ. Tức là uống mỗi lon nước ấy thì phải đi bộ hơn một giờ mới hết. Nếu không sử dụng hết năng lượng thì cơ thể “cất” đi, mà cất dễ nhất là cất vào mỡ ở vòng eo.

Trong nước ngọt có gas, ngoài tác hại của phần ngọt còn có tác hại của phần gas, đó là nguy cơ gây mất canxi, mà bữa ăn người Việt đã thiếu canxi (chỉ đạt 49-60% nhu cầu), nay lại bị hụt thêm thì nguy hại biết bao nhiêu.

Thói quen có hại nữa mà người Việt hay mắc là ăn mặn. Người Việt đang ăn lượng muối gấp đôi so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, trong khi lượng rau thì gần 30 năm, tính từ điều tra năm 1985 đến nay, vẫn chỉ ở mức 200 gr/người/ngày, trong khi khuyến cáo là 400gr.

- Thói quen này như bà nói đã dẫn đến rất nhiều hệ lụy sức khỏe cho người Việt. Những hệ lụy nào là đáng kể nhất và đang đe dọa cộng đồng?

Với trẻ em thì các đồ ăn vặt như nước ngọt, snack là nên giảm. Người Anh từng có câu “snack đã dìm nước Anh trong bể dầu (ăn)”. Còn người Mỹ thì khi đến Mỹ lần đầu, tôi đã gặp những người béo phì không đi được mà phải ngồi xe lăn

PGS.TS LÊ BẠCH MAI

- Có nhiều hệ lụy mà chúng tôi thấy rất đáng tiếc, như chiều cao người Việt hiện đang thấp nhất Đông Nam Á, và so với 12 quốc gia các châu lục mà chúng tôi thống kê thì người Việt cũng thấp nhất.

Nếu so về chiều cao trung bình của nam thanh niên thì nam thanh niên Việt đang thấp hơn Hàn Quốc 10cm, thấp hơn Nhật Bản 8cm. Nếu so sánh về số lượng trẻ em thấp còi, thì 90 triệu người Việt có 3 triệu em dưới 5 tuổi thấp còi và chúng ta là quốc gia có số trẻ thấp còi cao nhất khu vực.

Chỉ có thể giải quyết được phần nào tình trạng này nếu giảm được giá sữa. Tôi cũng nói với các công ty sản xuất sữa là sao ông bà không sản xuất nhiều sữa ít đường rồi tiến tới không đường, bởi nếu cứ để ngọt như hiện nay sẽ làm hỏng mất vị giác của trẻ em, là các cháu cũng thích ngọt như chúng ta.

Một hệ lụy nữa cũng đáng quan ngại là các bệnh mãn tính không lây như tiểu đường, cao huyết áp đều tăng gấp đôi sau 10 năm, mà căn nguyên là tình trạng thừa năng lượng, thừa muối, thừa đường mà chúng ta đã ăn vào.

- Bà nhấn mạnh đến thông điệp “chỉ nên chi trả cho thực phẩm đáng trả tiền”. Vậy thì theo bà thứ nào với người Việt là đáng chi trả, thứ nào nên giảm, thậm chí từ chối mua?

- 10 năm qua, số lượng các cháu thừa cân béo phì đã tăng chín lần. Riêng TP.HCM cứ mười trẻ em thì có hơn một cháu đã thừa cân béo phì. Đây là hệ quả của cả nước ngọt có gas, chế độ ăn nhiều đường và tinh bột, thức ăn nhanh, thiếu thời gian và không gian cho vận động.

Từ năm 2011, trên tháp dinh dưỡng của người Nhật bát cơm trắng đã được đưa lên nhóm cần hạn chế như muối và dầu mỡ, nhưng VN ta thì vẫn ăn nhiều cơm, bánh mì trắng, mì ăn liền. Nên ăn giảm cơm, gạo không nên xay quá trắng hay ăn bánh mì thì chọn bánh mì đen.

Các gia đình có trẻ béo phì thì khi cắt bớt khẩu phần thường cắt sữa, trong khi nếu để cháu uống sữa không đường mà bớt 1/2 bát cơm, giảm đồ xào rán thì vẫn đảm bảo tăng trưởng chiều cao mà không béo thêm.

Người Việt cũng hay “sính” bồi dưỡng cho con bằng váng sữa, theo tôi váng sữa nhiều chất béo và giá thì quá cao so với giá trị. Nếu muốn bồi dưỡng, tôi thà cho các cháu ăn phômai hơn váng sữa.

Trong bữa ăn hằng ngày nên giảm thực phẩm có sử dụng đường kính, tăng cường trái cây, rau củ, mà rau có lá ăn sẽ tốt hơn củ quả. Trong khi hiện nay do lo ngại rau lá không an toàn người ta hay chọn củ quả.

 

http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20141010/noi-lo-an-uong-cua-nguoi-viet/656431.html

Theo Lan Anh/ Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm