Từ khi con trai vào lớp 1, vợ chồng chị Huyền Thanh chấp nhận luân phiên nghỉ làm để kèm cặp con học online. Điều này dẫn đến công việc không đảm bảo. Thu nhập giảm trong điều kiện dịch bệnh căng thẳng khiến họ rất lo lắng.
Nhưng mối bận tâm của gia đình không dừng lại ở đó. Việc học của hai cậu con trai mới là nỗi lo lớn.
Chị Huyền Thanh rất lo lắng khi hai cậu con trai mới vào lớp 1 đã phải học online. Ảnh minh họa: Straitstimes. |
Đang học lại chạy ra chơi
Chị Huyền Thanh cho biết con chị bắt đầu học trực tuyến từ ngày 3/8. Trong tuần đầu tiên, con làm quan với ứng dụng, thao tác, vào lớp…
Sang tuần thứ hai, con vào chương trình học chính thức với thời khóa biểu tạm thời 5 buổi mỗi tuần. Mỗi buổi, con học 2 tiết, xếp vào buổi sáng và tối. Trong một tiết học kéo dài một tiếng đồng hồ, con được nghỉ giải lao 5 phút.
Hiện tại, con mới học Tiếng Việt, Toán và Tiếng Anh, trong đó, môn Tiếng Việt chiếm thời lượng lớn nhất.
Chị Thanh chia sẻ khó khăn đầu tiên nằm ở việc chuẩn bị phương tiện, công cụ học online. Vì hai con học cùng lúc, gia đình chưa có đủ máy. Kết nối mạng cũng không ổn định để đáp ứng việc học.
Việc phân công người lớn kèm cặp con trong mỗi buổi học cũng không dễ dàng khi cả hai vợ chồng đều phải đi làm dù thành phố đang thực hiện giãn cách.
Trong khi đó, hai con mới chập chững vào lớp 1, chưa quen với việc ngồi nghiêm chỉnh trước màn hình để theo dõi bài giảng suốt một tiếng đồng hồ. Thiếu vắng sự kèm cặp trực tiếp của giáo viên, bố mẹ cần ở bên cạnh để giám sát việc con đánh vần, viết những nét chữ đầu tiên hay làm quen với con số.
Vì thế, gia đình chị đành chấp nhận giảm thu nhập để luôn có người cùng con học online.
Nhưng như vậy vẫn chưa giải quyết được hết khó khăn. Các con mới chỉ 6 tuổi, không tập trung học được lâu. Con chưa nắm các thao tác hay vào khuôn khổ, biết tư thế ngồi, cách cầm bút đúng.
“Thỉnh thoảng, con lại chạy ra ngoài để chơi, chạy nhảy, ăn uống. Đôi khi, con muốn phát biểu mà mạng mất kết nối hay không thao tác được để làm bài kiểm tra. Lúc đó, con tủi thân, càng mất tinh thần học tập”, chị Huyền Thanh chia sẻ.
Nữ phụ huynh đánh giá từ thực tế học tập tuần đầu tiên của của hai con trai, việc học online với học sinh lớp 1 không đảm bảo chất lượng, thời gian học cắt giảm, nội dung hạn chế.
Hiện tại, điều chị lo lắng nhất là với tính tự giác gần như chưa có, làm thế nào để hai con có thể theo kịp việc học khi sau tháng 8, thời khóa biểu sẽ thay đổi còn người lớn khó có thể duy trì việc kèm cặp con 100%.
Lúc đó, chị cũng phải bận tâm thêm tính an toàn khi con sử dụng thiết bị, sức khỏe, đặc biệt thị lực, của con khi phải nhìn màn hình máy tính, điện thoại nhiều.
Muốn lùi lịch học online
Thực tế, trước khi bắt đầu học, gia đình chị Huyền Thanh cũng như nhiều bậc phụ huynh khác đã lường trước khó khăn họ sẽ gặp phải khi những đứa trẻ lớp 1 học online.
Vì thế, dù biết học online là điều khó tránh khỏi trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, họ vẫn mong muốn trường lùi lịch học trực tuyến đối với học sinh lớp 1.
“Biết rằng tình hình dịch phức tạp, học online là tất yếu, chúng tôi vẫn muốn lùi đến khi dịch được kiểm soát hơn, ít nhất không còn giãn cách xã hội để gia đình có phương án khác, sắp xếp người kèm cặp con dễ hơn”, chị Huyền Thanh chia sẻ.
Bà mẹ hai con cho biết thêm trong cuộc họp phụ huynh trực tuyến, nhiều phụ huynh đã đưa ra các vấn đề họ thấy chưa thỏa đáng như thời gian bắt đầu quá sớm, không phù hợp với lớp 1, thời khóa biểu không hợp lý, học phí quá cao…
Tuy nhiên, trường vẫn giữ nguyên các quyết định trước đó. Điều này khiến chị Huyền Thanh rất buồn và thất vọng, một phần vì khi vào thực tế năm học, hình ảnh trường khác hoàn toàn so với những gì được xây dựng khi tuyển sinh.
Sau hơn một tuần cho con học online, đến nay, chị vẫn mong trường lùi lịch học online đối với học sinh lớp 1, theo lịch của Bộ GD&ĐT.
Chị kỳ vọng trường chờ đến khi dịch được kiểm soát, cho học sinh đến trường học trực tiếp và có thể kéo dài thời gian học sang kỳ nghỉ hè nhằm tránh học online khi những đứa trẻ còn chưa quen trường lớp, bạn bè hay cách cầm bút.
Chị Huyền Thanh nói thêm vấn đề học phí của các trường tư cũng là thắc mắc của hầu hết phụ huynh. Hầu hết trường tư đều thu 80, 90 hoặc 100% học phí khi học sinh học online.
“Vì bên cạnh mục đích giáo dục, hệ thống trường tư còn là doanh nghiệp nên họ đặt lợi ích lên trên cả. Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, kinh tế ảnh hưởng rất rõ rệt, rất nhiều phụ huynh mất việc, giảm thu nhập. Chính sách học phí của các trường tư, việc học online không đảm bảo chất lượng còn mang đến sự lo lắng về mức chi phí bỏ ra”, chị Thanh nói.
Theo chị, tiết học không đảm bảo, thời gian ngắn, nội dung sơ sài, giáo viên không đảm bảo chất lượng. Với tình hình dịch bệnh, các gia đình phải có nguồn thu nhập cao, ổn định, tích lũy mới phù hợp với các trường tư thục. Các gia đình khác sẽ rất khó khăn trong việc sắp xếp để theo đuổi mục tiêu này.
Chị Huyền Thanh nhấn mạnh với những vấn đề như vậy, chị cho rằng với độ tuổi 5-7, việc học online hoàn toàn không hợp lý, mang đến nhiều hệ lụy hơn là tác động tích cực.