Du khách đi dạo trên cánh đồng cải dầu ở Jeju. Ảnh: Bloomberg. |
Tại đảo Jeju, lượng khách du lịch nội địa giảm mạnh trong khi lượng du khách Trung Quốc tăng đột biến, khiến nhiều người cho rằng hòn đảo Hàn Quốc này đang dần giống như "khu Chinatown", theo Chosun.
Người Hàn Quốc đang chọn đến Nhật Bản du lịch vì giá trị đồng yen giảm xuống mức thấp kỷ lục. Bên cạnh đó, các tranh cãi xoay quanh giá thực phẩm địa phương đắt đỏ ở Jeju cũng làm nản lòng du khách nội địa đến hòn đảo này.
Năm 2023, khoảng 12,66 triệu người Hàn Quốc đã đến Jeju, giảm 8,3% so với năm 2022. Xu hướng giảm tiếp tục trong nửa đầu năm nay, với số lượng du khách trong nước giảm 8% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 5,92 triệu.
Ngược lại hoàn toàn, số lượng khách du lịch Trung Quốc tăng vọt. Trong nửa đầu năm nay, có 680.895 khách Trung Quốc đến Jeju, tăng 766,5% so với năm 2023. Chỉ riêng con số này đã vượt qua tổng số khách du lịch Trung Quốc đến thăm vào năm 2018 (661.120) và đang trên đà vượt con số năm 2019 (1.079.133).
Trên khắp hòn đảo, có thể dễ dàng nhìn thấy các biển báo bằng tiếng Trung, từ các khu chợ truyền thống đến đường phố. Các cửa hàng và nhà hàng đang nhanh chóng bổ sung thực đơn và hệ thống thanh toán điện tử theo phong cách Trung Quốc, dấy lên mối lo ngại rằng hòn đảo đang dần bị chi phối bởi sức ảnh hưởng và đồng tiền quốc gia này.
Vào trưa 15/8, cả 24 khách ngồi tại 9 bàn trong một nhà hàng Haejang-guk (canh thịt bò kiểu Hàn Quốc) ở Yeon-dong, thành phố Jeju, đều là khách du lịch Trung Quốc.
Một hiệu thuốc ở đảo Jeju chỉ có biển hiệu bằng tiếng Trung Quốc và phần lớn khách hàng là người Trung Quốc. Bên phải là thực đơn của một tiệm bánh ở thành phố Jeju. Ảnh: Kim Byung-gwon. |
Các nhà hàng không đáp ứng được khẩu vị của người Trung Quốc cũng đang phá sản. Lim Dong-hoon, người điều hành 9 nhà hàng kaisendon (cơm hải sản Nhật Bản) "Obok Susan" trên khắp Hàn Quốc, cho biết đã phải đóng cửa chi nhánh Jeju vào tháng 6/2023 sau chỉ một năm mở cửa vì sashimi - thành phần chính của kaisendon - không được khách du lịch Trung Quốc ưa chuộng.
Lim cho biết: "Du khách Trung Quốc đang góp một phần lớn trong nền kinh tế của Jeju vì người dân trong nước không đến thăm nhiều, nhưng người Trung Quốc không thích sashimi, vì vậy chúng tôi phải đóng cửa". Một số nhà hàng đã điều chỉnh thực đơn bằng cách thêm nước sốt mala và các món chiên.
Nhiều đơn vị kinh doanh trên đảo cũng áp dụng Alipay và WeChat Pay - các hệ thống thanh toán được sử dụng rộng rãi ở Trung Quốc. Theo Tổ chức Du lịch Jeju, các khoản thanh toán được thực hiện thông qua Alipay tại chợ truyền thống Dongmun và chợ Seogwipo Olle đã tăng vọt từ 17 triệu won vào tháng 3 lên 250 triệu won vào tháng 5, tăng gấp 15 lần.
“Số lượng đơn vị kinh doanh chấp nhận Alipay và WeChat Pay trên đảo Jeju đã tăng từ 70 đến 80% so với năm ngoái và tại các khu vực như Yeon-dong, thành phố Jeju - nơi đặc biệt phổ biến với khách du lịch Trung Quốc, các đơn vị kinh doanh này hiện chiếm 50 đến 60% tổng số”, Lee Gong-se (51 tuổi), người điều hành trung tâm đăng ký ICB KS, đại lý chính thức của Alipay và WeChat Pay ở Hàn Quốc, cho biết.
Kim Eui-geun, giáo sư ngành quản lý khách sạn và du lịch tại Đại học Quốc tế Jeju, cho biết lý do khách du lịch Trung Quốc đặc biệt thích hòn đảo này: "Đảo Jeju là nơi duy nhất ở Hàn Quốc mà khách du lịch Trung Quốc có thể nhập cảnh không cần visa và gần các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải".
Khi Jeju ngày càng phụ thuộc vào khách du lịch Trung Quốc, một số chuyên gia nêu lên mối lo ngại rằng hòn đảo này có thể trải qua hiện tượng "rỗng tuếch", tương tự những gì từng xảy ra ở quận Myeongdong của Seoul cách đây vài năm, nếu khách du lịch ngừng đến thăm.
"Nếu các cuộc xung đột trong tương lai với Trung Quốc dẫn đến lượng khách du lịch giảm, nền kinh tế của Jeju có thể bị ảnh hưởng", Kim Nam-jo, giáo sư ngành du lịch tại Đại học Hanyang, cho biết.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.