Những ngày này, Trần Triệu Mỹ Duyên (21 tuổi) cùng cha và em trai 12 tuổi gọi điện trò chuyện với mẹ nhiều hơn.
Hiện mẹ của Mỹ Duyên - cô Triệu Tố Đoan (45 tuổi), nhân viên tại trạm y tế xã Bình Chánh (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) - đang đi cách ly tập trung do tiếp xúc với F0.
Vắng mẹ ở nhà, 3 cha con Mỹ Duyên học cách nấu nướng, lo toan công việc nội trợ. |
Chia sẻ với Zing, Mỹ Duyên cho biết thể trạng của mẹ cô vẫn ổn. Song, cô lo lắng cho sức khỏe tinh thần của mẹ.
“Mẹ mình cứ khóc mãi qua điện thoại. Mới sáng 13/7, thêm một trong số những người cách ly cùng phòng mẹ có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19. Mẹ sợ lỡ mẹ cũng nhiễm bệnh sẽ làm liên lụy đến mấy cha con”, cô kể lại.
Vài tuần trở lại đây, các tỉnh, thành khu vực phía Nam đối mặt với nhiều khó khăn khi số ca nhiễm mới liên tục tăng cao, khiến đội ngũ nhân viên y tế thêm phần vất vả, cực nhọc.
Đặc biệt, những bạn trẻ có phụ huynh là y bác sĩ tuyến đầu chống dịch luôn canh cánh nỗi lo trong lòng. Trước tình hình hiện nay, họ chỉ mong cha mẹ giữ sức khỏe, bình an công tác và sớm được đoàn tụ với gia đình.
Công việc căng thẳng, mệt mỏi
Mỹ Duyên cho biết cả nhà chủ động hỏi thăm mẹ, thường vào những lúc mới thức giấc, trước bữa cơm và khi chuẩn bị đi ngủ. Mẹ cô không hay gọi điện trước vì sợ sẽ khóc, khiến mấy cha con thêm lo lắng.
“Để ‘đánh lạc hướng’ mẹ khỏi sự căng thẳng, mình hay kể những chuyện vui ở nhà hoặc khoe hôm nay tự tay vào bếp nấu món gì cho cha và em trai. Thấy mẹ cười vui, mình cũng đỡ lo phần nào”, nữ sinh viên năm 3 chia sẻ.
Cũng trong những ngày này, Mỹ Duyên cùng cha và em trai phải học cách xoay xở khi vắng bóng mẹ ở nhà.
Cô cho biết thông thường, mẹ là người lo toan việc nội trợ, hai chị em cô chỉ phụ chút ít. Nay mấy cha con phải tự tay làm hết và chợt nhận ra một ngày của mẹ vất vả nhường nào.
Cha của Anh Thư gửi ảnh về động viên gia đình vững tâm. |
“Khó khăn nhất là khoản nấu nướng vì mình không thạo lắm. Cũng may gia đình mình ở gần nhà bà ngoại và các dì, nên lâu lâu lại được cho thêm này kia để ăn”, cô nói với Zing.
Nguyễn Thị Anh Thư (26 tuổi) lại càng lo lắng hơn cho sức khỏe của cha khi cùng cha công tác ở trung tâm y tế huyện Tịnh Biên (tỉnh An Giang). Là một nhân viên y tế, cô hiểu rõ về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh hơn bất kỳ ai.
Nguyễn Hữu Nghị (51 tuổi), cha của Anh Thư, trực ở chốt gần cửa khẩu biên giới, còn cô trực tại một điểm ở xã gần đó. Nhiệm vụ của họ là phân công lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện, phân luồng và truy vết các ca nghi nhiễm.
“Hơn nửa tháng nay, cả nhà mình 4 người thì ở 3 nơi khác nhau. Cha có tiền sử tăng huyết áp mà liên tục phải tiếp xúc với F0, F1 nên mình lo lắm”, cô giãi bày.
Chia sẻ thêm về công việc của mình, Anh Thư cho biết tuy địa phương mới chỉ có vài ca dương tính, công tác truy vết lại rất vất vả bởi có những trường hợp khai thiếu, khai gian, coi nhẹ dịch bệnh.
“Sức trẻ như mình còn thấy mệt mỏi nữa là cha mình. Mau sớm hết thời gian trực để cha có thể về cơ quan nghỉ ngơi và thực hiện cách ly”, Anh Thư nói.
Xa cha mẹ, không thể hỗ trợ được gì
Tương tự Anh Thư, gia đình 4 người của Nguyễn Nhơn Ái (22 tuổi) lại chẳng thể ở cùng nhau trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng. Nhơn Ái ở cùng anh trai tại TP.HCM, còn cha mẹ anh sống ở huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang).
Cha của anh, Nguyễn Công Bình (58 tuổi), là y sĩ thuộc đội phản ứng nhanh phòng chống Covid-19 ở Trung tâm Y tế dự phòng huyện Cái Bè.
Gia đình 4 người của Nhơn Ái hiện ở 3 nơi khác nhau trong thời điểm dịch bệnh. |
Cuối tháng 6, do một tài xế của trung tâm xét nghiệm dương tính, cha nghiễm nhiên thành F1, phải đi cách ly tập trung 21 ngày và mẹ thành F2, cách ly một mình ở nhà. Do tình hình hiện nay, hai anh em không thể về với mẹ.
“Mình và anh trai rất lo lắng cho sức khỏe của cha mẹ bởi cả hai đều có bệnh nền. Cuối năm 2020, cha mình phải đặt 3 stent thông mạch máu vì suýt bị đột quỵ. Mẹ thì có tiền sử bị cao huyết áp, hàng tháng phải tới bệnh viện lấy thuốc”, anh nói.
Nam sinh viên năm cuối cho biết để an ủi, trấn an tinh thần mấy mẹ con, cha thường bảo rằng cả nhà hãy coi như cha đi “nghỉ dưỡng” 21 ngày sau cả tháng đi sớm về khuya, liên tục đưa người đi cách ly, vào bệnh viện.
“Cha cũng hay chụp hình gửi cả nhà, kèm theo vài câu bình luận chọc mấy mẹ con. Còn mẹ cũng động viên rằng nhà có mảnh vườn nhỏ nuôi gà, trồng rau nên mẹ không sợ thiếu thực phẩm, có gì sẽ nhờ họ hàng xung quanh mua giúp”, Nhơn Ái chia sẻ.
Còn trong mắt của Phạm Thị Cẩm Tuyền (21 tuổi, Đồng Tháp), sinh viên năm 3 tại ĐH Cần Thơ (TP Cần Thơ), cha của cô là một người hùng.
“Cha mình là y sĩ, đang công tác tại một trạm y tế thuộc huyện Châu Thành (tỉnh Đồng Tháp). Cha mình hiện 58 tuổi rồi. Những người cỡ tuổi đó mặc áo quần bình thường còn thấy mệt, huống chi cha phải trùm đồ bảo hộ kín mít, nóng nực trong nhiều giờ đồng hồ và liên tục phải tiếp xúc với các bệnh nhân hoặc người từ vùng dịch trở về”, cô chia sẻ.
Là con út trong nhà, Cẩm Tuyền được cha mẹ phần nào quan tâm, để ý hơn chị gái. Mặc dù công việc bận rộn, cha của cô nhắn tin, gọi điện thường xuyên để hỏi thăm con gái nhỏ đang trọ một mình ở Cần Thơ.
Cẩm Tuyền (trái) lo lắng cho sức khỏe của cha khi công tác tại trạm y tế đông người. |
Nữ sinh viên năm 3 cho biết có chuyện gì vui ở trung tâm y tế, cha cũng kể cho cô nghe. Về phía mình, Cẩm Tuyền thường xuyên chụp ảnh những món ăn cô nấu trong ngày và gửi cho cha mẹ.
“Cha mẹ thấy mình tự lo ăn uống đầy đủ là họ vui rồi. Trước giờ, mình quen sống trong vòng tay bao bọc của cha mẹ. Có lẽ đây đợt xa nhà này là lần đầu tiên mình trải qua sự khó khăn, thiếu thốn đến vậy”, cô chia sẻ.
Cũng bởi vậy, bữa cơm nhà là điều khiến Cẩm Tuyền nhung nhớ nhất lúc này.
“Mỗi lần cha nhắn tin, hỏi rằng ‘có chuyện gì vui không kể cho cha nghe, ở nhà có hai người buồn quá’, mình lại càng hụt hẫng hơn nữa. Nếu mình được về Đồng Tháp, mình đã có thể ăn cơm mẹ nấu và trò chuyện với cha mẹ nhiều hơn. Nhưng hiện nay, mình chỉ có thể mong cha giữ gìn sức khỏe để công tác bình an”, cô giãi bày.