“Thứ 2 ăn trưa với đối tác, thứ 4 ăn tối với đồng nghiệp, thứ 5 gặp bạn thân, thứ 6 dự tiệc rượu, chủ nhật đi pool party”, Vân Anh (23 tuổi, quận Tân Phú), freelancer, tổng kết những cuộc hẹn trong tuần tân niên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Trước đó, cô đã từ chối nhiều lời mời hoặc xin dời qua ngày khác vì không còn chỗ trống trong lịch cá nhân. Do tính chất công việc bận rộn, Vân Anh phải sắp xếp các buổi hẹn vào khung giờ trưa hoặc tối.
“Thời gian nghỉ Tết giới hạn, tôi vẫn còn một số bạn bè thân thiết chưa kịp gặp nên tranh thủ dành chút thời gian cho họ. Các cuộc gặp trong tuần đầu đa số liên quan đến chỗ làm hoặc mối quan hệ rất quan trọng, vì vậy tôi cũng không tiện từ chối”, cô chia sẻ.
Từ ngày 30/1, nhiều nhân viên trở lại văn phòng sau thời gian nghỉ lễ kéo dài. Tuy nhiên, tinh thần làm việc vẫn chưa thể trở lại 100% vì những cuộc hẹn, buổi tiệc tân niên triền miên trong tuần làm việc đầu tiên.
Những sự kiện như vậy thường khó từ chối, buộc nhiều người phải xoay xở sắp xếp để giữ được các mối quan hệ, nhưng không gặp cảnh "cạn túi" trong giai đoạn đầu năm.
Vân Anh từ chối nhiều cuộc hẹn vì không thể sắp xếp lịch trình. Ảnh: NVCC. |
Tâm lý "tháng ăn chơi"
Hết Tết, Huyền My (25 tuổi, quận 8), nhân viên truyền thông, vẫn chưa thể quay lại guồng công việc, dù đã đi làm khai xuân từ mùng 6.
“Tháng Giêng là tháng ăn chơi. Đây là tâm lý chung của nhiều người nên công ty tôi vẫn chưa hoàn toàn lấy lại nhịp làm việc như cũ. Đến văn phòng, nếu không gọi đồ ăn về tụ tập đánh bài, hàn huyên thì xin về sớm để đi nhậu. Sếp cũng ‘thả lỏng’ cho team trong thời gian này”, My nói.
Ngoài những bữa ăn uống với team, My cũng nhận được lời mời từ nhiều bộ phận khác. Là người khá thoải mái trong chuyện tiệc tùng, nữ nhân viên văn phòng gần như không vắng mặt ở bất kỳ cuộc vui nào.
Cho đến nay, cô đã góp mặt khoảng 5-6 cuộc hẹn. Mỗi buổi tiêu tốn tầm 300.000 đồng đến 500.000 đồng. Phần lớn số tiền do My và các đồng nghiệp tự bỏ tiền túi hoặc trích quỹ chung, sếp chỉ hỗ trợ mỗi người một khoản nhỏ.
“Trước Tết, công ty không tổ chức year end party (YEP) do nhiều người phải về quê sớm. Mặt khác, chỗ tôi làm không có ngân sách cho việc chiêu đãi tân niên. Vì thế, sau kỳ nghỉ, mọi người muốn gộp cả 2 lại làm chung một thể”.
My cho biết thêm các bữa họp mặt diễn ra liên tiếp nhau trong tuần đầu để nhân viên lên “dây cót” tinh thần và nhanh chóng trở lại với công việc trong thời gian tới.
Nhà hàng ở TP.HCM thường xuyên kín chỗ trong mùa tiệc tân niên. Ảnh: Bờm. |
Chị Jackie Huyen Le, đại diện nhà hàng Mộc - Riêu & Nướng, cho biết khách bắt đầu đặt tiệc tân niên từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Chưa thống kê số lượng booking cụ thể nhưng chị dự đoán nhu cầu họp mặt đầu năm sẽ tăng và trải dài từ cuối tháng Giêng đến tuần đầu tháng 2 âm lịch.
Nhà hàng này tạm ngưng hoạt động từ 29 âm lịch và vừa khai trương lại vào mùng 9. Trước đó, trong mùa year end party (YEP) của giới văn phòng, các chi nhánh của Mộc - Riêu & Nướng ghi nhận lượng khách giảm nhẹ nhưng nhìn chung vẫn đông và thường xuyên kín chỗ.
“Tình hình của tất niên và tân niên gần như giống nhau. Tuy nhiên, trong tuần đầu trở lại công việc, nhiều người có nhu cầu gặp gỡ đối tác, đồng nghiệp hay họp mặt bạn bè nên nhu cầu đặt tiệc cũng nhỉnh hơn một chút. Một số khách đã book bàn từ trong Tết để có được vị trí đẹp nhất”, chị Huyen Le cho hay.
Nỗi lo hết tiền đầu năm
Công ty Thanh Thy (25 tuổi, TP Thủ Đức) phát lương tháng 1 cho nhân viên từ trước Tết. Mùa lễ hội và các buổi tụ tập đầu năm đã tiêu tốn của Thy quá nửa số tiền thưởng và lương.
Chỉ vừa bước sang tháng mới vài ngày nhưng tài khoản ngân hàng của nữ nhân viên văn phòng này đã ở mức "báo động". "Đáng sợ hơn nữa là còn gần cả tháng nữa mới tới kỳ lương tiếp theo. Tôi vẫn còn tiền nhà chưa trả và một số khoản chi tiêu không thể cắt giảm khác".
Thy cho biết trong tuần đầu tiên trở lại văn phòng sau Tết Nguyên đán, không ngày nào cô tự nấu nướng, ăn cơm ở nhà. Sau giờ làm, cô luôn bận rộn với các cuộc hẹn cùng đồng nghiệp, người quen, bạn bè.
"Rất khó để từ chối vì toàn là những người thân quen. Đầu năm ai cũng muốn gặp gỡ để trò chuyện, duy trì mối quan hệ", Thy cho biết.
Tương tự, Lê Châu (26 tuổi) cũng thường xuyên được người quen rủ đi ăn tân niên, uống cà phê. Tuy vậy, Châu chia sẻ không phải cuộc hẹn nào cô cũng đồng ý, để tránh rơi vào tình trạng "cháy túi" những ngày đầu năm.
Công ty của Châu chủ trương hạn chế tiệc tùng vừa nhằm tiết kiệm, vừa để nhân viên tập trung vào công việc. |
"Trừ khi là tiệc chung của cả nhóm thì tôi sẽ đi, còn nếu hẹn ít người thì sẽ tùy mức độ thân thiết để ưu tiên. Tôi thường hẹn vào cuối tuần hoặc nếu nhóm nhỏ thì sẽ hẹn vào sau giờ làm, nhưng chỉ là đi uống nước, ăn gì đó đơn giản thôi".
Châu cho biết sau kỳ nghỉ, công việc hiện giờ đã bắt đầu nhiều lên lại từng ngày. Vì vậy, công ty cô chủ trương hạn chế tiệc tùng vừa nhằm tiết kiệm, vừa để nhân viên tập trung vào công việc.
"Những năm trước, do quá áp lực phải tụ tập, tham gia các sự kiện nên tôi cũng từng gặp khó khăn tiền bạc giai đoạn đầu năm. Vài năm gần đây, tôi rút kinh nghiệm, cố gắng tập trung vào công việc ngay sau kỳ nghỉ".
Không chỉ tiêu tốn tiền bạc, ảnh hưởng tinh thần làm việc, Vân Anh, freelancer, còn lo lắng tâm lý "tháng giêng là tháng ăn chơi" cùng những cuộc tụ tập triền miên còn gây xáo trộn kế hoạch giảm cân của mình.
Vì vậy, những ngày gần đây, cô cố gắng hạn chế các bữa tiệc linh đình, đồ uống có cồn và món ăn chiên xào. Thay vào đó, khi gặp gỡ bạn bè, cô luôn đề xuất chọn quán đồ chay hoặc làm tiệc tại gia.
Đây cũng là cách giúp Vân Anh tiết kiệm kha khá chi phí trong mỗi dịp tụ họp.
“Sau Tết, tâm lý đón xuân vẫn còn, các buổi gặp gỡ diễn ra triền miên là chuyện bình thường. Đa phần, tôi sẽ ưu tiên lịch trình của mình trước, chỉ đồng ý với những cuộc hẹn cần thiết. Nếu hôm sau có việc quan trọng, tôi cũng tranh thủ về sớm, không để tình trạng uể oải gây ảnh hưởng đến công việc”, cô nói thêm.
Nhiều người trẻ xứ châu Á, đặc biệt là Hàn Quốc, Nhật Bản, thường kết thúc một ngày với webtoon (truyện tranh số). Thế giới ảo này giúp họ tạm quên đi mệt mỏi mà không tốn thời gian hay tiền bạc. Sự phổ biến ngày càng lớn của webcomic, hay còn gọi webtoon (truyện tranh số), đã có tác động tích cực đáng ngạc nhiên đến ngành xuất bản.