Nhiều quy định mới liên quan đến bằng lái xe vừa được đề xuất. Ảnh minh họa: HC Group. |
Anh Thanh Phúc (31 tuổi, TP.HCM) cho biết vừa hoàn tất giai đoạn đào tạo và trải qua kỳ thi sát hạch để được cấp giấy phép lái xe hạng B1 vào năm ngoái. Hạng bằng này cho phép anh điều khiển ôtô chở khách dưới 9 chỗ ngồi, ôtô tải có trọng tải dưới 3.500 kg và không được hành nghề kinh doanh vận tải.
“Cũng may là tôi đã thi xong bằng lái ôtô trước khi có đề xuất gộp các hạng bằng B1 và B2 vào chung”, anh Thanh Phúc chia sẻ.
Băn khoăn trước đề xuất gộp chung bằng lái hạng B
Anh Thanh Phúc cho biết bản thân chọn học và thi lấy bằng lái hạng B1 là do không có nhu cầu sử dụng ôtô số sàn.
“Mọi người xung quanh đều khuyên tôi nên thi hạng bằng B2 để có thể điều khiển được tất cả loại xe con, tuy nhiên tôi xác định sẽ không sử dụng ôtô số sàn nên đã chọn đăng ký hạng bằng B1 để đơn giản quy trình học và thi”, anh Thanh Phúc chia sẻ.
Trước thông tin Bộ Công an đang đề xuất gộp hạng B1 và B2 về cùng hạng B, anh Thanh Phúc bày tỏ thái độ trung lập vì cho rằng không quá ảnh hưởng đến bản thân.
“Tôi chỉ thắc mắc nếu đề xuất trên đi vào thực tế, hạng bằng hiện tại của tôi có thay đổi không, có được kinh doanh vận tải không và tôi có cần phải sát hạch thêm lần nữa với xe số sàn trong trường hợp có nhu cầu đổi bằng lái xe hay không”, anh Thanh Phúc chia sẻ.
Bộ Công an đề xuất gộp chung bằng lái ôtô các hạng B1 và B2. Ảnh minh họa: Phúc Hậu. |
Trong khi đó, chị Hoàng Anh (28 tuổi, TP.HCM) cho biết bản thân vẫn chưa sở hữu bằng lái ôtô và bày tỏ băn khoăn trước thông tin đề xuất gộp chung các hạng bằng B1 và B2.
“Tôi dự định thi bằng lái ôtô hạng B1 vì thấy mọi người thi B2 dễ rớt quá. Nếu gộp chung thành hạng B, liệu tôi có phải thi sát hạch với xe số sàn như hạng bằng B2 hiện tại hay không?”, chị Hoàng Anh cho biết.
Chia sẻ với Tri thức - Znews, chị Hoàng Anh cho rằng bản thân chỉ có nhu cầu điều khiển ôtô số tự động phục vụ nhu cầu cá nhân và gia đình. Do đó, việc phải học và thi sát hạch bằng lái với xe số sàn hay sở hữu bằng lái với các quyền lợi như hạng B2 là không cần thiết đối với chị.
Hiện, nhiều trung tâm đào tạo đang mời chào các khóa học bằng lái ôtô các hạng B1 và B2 đồng giá nhau, hoặc chênh lệch 1-2 triệu đồng giữa 2 hạng bằng.
Theo khảo sát của Tri thức - Znews, mức học phí trung bình của 2 hạng bằng này tại TP.HCM dao động trong khoảng 22-24 triệu đồng. Thậm chí, một trung tâm đào tạo có tiếng ở TP.HCM đang tuyển sinh với học phí khá cao, ở mức 31,8 triệu đồng cho giấy phép lái xe hạng B1 và 32,8 triệu đồng đối với hạng bằng B2.
Đối với hạng bằng B1 số tự động, học viên cần phải hoàn thành quãng đường 710 km trên xe tập lái có gắn thiết bị DAT để đủ điều kiện bước vào kỳ thi sát hạch. Trong khi đó ở hạng bằng B2 và B1 số sàn, con số này sẽ là 810 km đường thực tế trên xe có gắn thiết bị. Học viên còn được yêu cầu phải có 4 giờ lái xe vào ban đêm, được tính kể từ sau 18h mỗi ngày.
Ủng hộ trừ điểm bằng lái xe của người vi phạm
Với đề xuất trừ điểm bằng lái xe của tài xế vi phạm, phần đông ý kiến ủng hộ và cho rằng nên sớm triển khai.
Anh Thanh Tùng (50 tuổi, tài xế ôtô dịch vụ) cho biết việc trừ điểm bằng lái xe rất cần thiết để nâng cao ý thức của lái xe trong quá trình tham gia giao thông.
“Thực ra khoảng 20 năm trước, từng có giai đoạn mà người vi phạm sẽ bị ‘bấm lỗ’ bằng lái xe nếu xảy ra vi phạm. Ở thời điểm đó, cánh tài xế chúng tôi rất sợ giấy phép lái xe có lỗ nên cũng hạn chế các hành vi vi phạm”, anh Thanh Tùng chia sẻ.
Đồng tình với ý kiến này, cả anh Thanh Phúc và chị Hoàng Anh đều cho rằng việc trừ điểm trên bằng lái của các tài xế vi phạm luật giao thông sẽ giúp lái xe cẩn trọng hơn khi di chuyển trên đường, từ đó nâng cao an toàn cho bản thân và những người cùng tham gia giao thông.
Đề xuất trừ điểm trên bằng lái xe của người vi phạm nhận được nhiều ý kiến đồng tình. Ảnh minh họa: Hoàng Hà. |
Trước đó, Bộ Công an đã đề xuất bổ sung quy định trừ điểm giấy phép lái xe. Bộ Công an cho biết, dự kiến có 12 điểm sẽ được gán cho bằng lái xe mỗi năm. Nếu bị trừ hết điểm, giấy phép lái xe đó sẽ không còn hiệu lực, và người vi phạm phải tham dự kỳ thi sát hạch để được cấp bằng lái mới.
Từ góc nhìn của mình, anh Thanh Phúc nhận định tổng số điểm mà mỗi người được cấp theo đề xuất của Bộ Công an vẫn đang khá cao.
“Tôi cho rằng mỗi giấy phép lái xe chỉ nên có 6 điểm mỗi năm. Điều này sẽ giúp các tài xế có ý thức hơn khi di chuyển trên đường, vì chỉ 'được phép' vi phạm trung bình không quá một lần mỗi 2 tháng trong năm”, anh Thanh Phúc kết luận.
Tại Anh và Trung Quốc, các tài xế cũng được cấp 12 điểm cho giấy phép lái xe của mình. Lỗi vi phạm nhẹ tại Anh sẽ bị trừ 3 điểm, cao nhất đến 11 điểm nếu vi phạm luật giao thông nghiêm trọng. Trong khi đó ở Trung Quốc, tài xế chỉ cần vượt đèn đỏ đã bị trừ 6 điểm, và sẽ bị trừ tối đa 12 điểm nếu vi phạm tốc độ quá 50%.
Ở Mỹ, chính quyền từng bang có quy định khác nhau liên quan đến trừ điểm bằng lái của người vi phạm. Chẳng hạn ở tiểu bang California, tài xế sẽ bị treo bằng nếu vi phạm và bị trừ quá 4 điểm trong vòng 12 tháng, hoặc 8 điểm trong vòng 36 tháng.
Sách hay đọc trên xe
Chuyên mục Xe gửi tới độc giả những tựa sách hay với nhiều chủ đề hấp dẫn. Trên những chặng hành trình với những chiếc xe, không hiếm khi chúng ta có những khoảnh khắc nghỉ ngơi, thư giãn, và những trang sách là người bạn đồng hành lý thú.