Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Nỗi lo tiền bạc cuối năm

Công ty linh động, thưởng Tết sớm nhưng Minh Anh sợ đến cuối năm không đủ tiền tiêu. Còn Hoàng An lo lắng khi đám cưới ngày càng gần mà còn quá nhiều điều phải tính toán.

Mỗi lần có ai hỏi “Cưới xin đến đâu rồi”, Hoàng An (27 tuổi), nhân viên thiết kế hình ảnh ở Hà Nội, lại thấy hoang mang vì chưa lo được gì.

Đầu tháng 12, vợ chồng An sẽ tổ chức tiệc báo hỷ sau hơn một năm phải hoãn vì dịch bệnh. Anh phần nào nhẹ gánh khi đám hỏi đã xong xuôi vào năm ngoái.

Tuy nhiên, với An, “giờ chỉ lo tiệc ăn thôi cũng đủ đau đầu”.

Ở quê, khách của bố mẹ An khoảng 70-80 mâm, vợ chồng anh chỉ 10 mâm đổ lại. An còn bạn bè, đồng nghiệp ở Hà Nội nên dự tính làm thêm tiệc nhỏ, khoảng 10-15 bàn dưới này.

“Chi phí tổ chức không dưới 100 triệu đồng, mình nhờ hai bên nội ngoại giúp vì không đủ khả năng. Giờ mình chỉ có thể lo tính toán khách mời, đãi bao nhiêu mâm ở nhà, bao nhiêu mâm ở Hà Nội và tìm địa điểm tổ chức hợp lý”, anh nói với Zing.

Tien bac cuoi nam anh 1

Hoàng An phải nhờ bố mẹ lo chi phí tiệc cưới.

Những tháng cuối năm, công việc căng thẳng, gần như ngày nào An cũng phải tăng ca để chạy KPI. Anh tranh thủ mọi thời gian được nghỉ để tìm hiểu và cân nhắc các dịch vụ sao cho hợp túi tiền.

Vợ An mới sinh được vài tháng, hiện ở nhà chăm con. Bởi vậy, anh là trụ cột kinh tế trong gia đình. Hàng tháng lo trang trải sinh hoạt phí, tiền bỉm, sữa cho con cũng ngốn gần hết lương, ông bố trẻ thừa nhận không để ra được đồng nào.

“Cưới mà thiếu tiền mình sẽ xoay xở mượn anh em họ hàng. Trước sau gì cũng phải tổ chức nên cứ lo được sớm thì khỏi lo nghĩ nhiều. Mình cũng chưa dám tính tới việc sau đó sắm sửa Tết hai bên gia đình như thế nào”.

Tương tự Hoàng An, dịp cuối năm, nhiều người trẻ có nỗi lo lắng khác nhau về tiền bạc. Với họ, những tháng này chưa thể nghỉ xả hơi mà phải cố gắng tăng thu nhập hoặc hoàn thành mục tiêu tài chính cá nhân.

Lo lắng thường trực

Hải Lý (23 tuổi) có 1,5 năm kinh nghiệm làm freelancer content marketing (sản xuất nội dung marketing tự do). Cô từng đi làm cho công ty và quay trở lại công việc tự do từ tháng 9 vừa qua.

Đối với Lý, vấn đề tài chính là nỗi lo thường trực bởi freelancer không có mức lương cứng, tìm kiếm được khách hàng để dự án thành công mới có chi phí, còn không coi như thu nhập trở về số 0.

Do đó, cô gái 23 tuổi cảm thấy căng thẳng khi phải hoàn thành chỉ tiêu mình tự đặt ra để cán đích dịp cuối năm.

Càng gần thời điểm chuyển giao năm cũ sang năm mới, Lý càng tăng tốc vì có nhiều thứ phải lo, từ giúp bố mẹ sắm sửa đồ đạc đến chuẩn bị quà cáp dịp xuân về.

Quý cuối cùng là lúc cô “cày cuốc” nhiều nhất để có đủ tài chính thực hiện những gì đã vạch ra.

Tien bac cuoi nam anh 2

Khi gặp áp lực về tiền bạc, Hải Lý thường tắt mạng xã hội, tìm nơi yên tĩnh để tìm hướng giải quyết.

“Mình lớn rồi nên trọng trách với gia đình phần nào nặng hơn. Mình không thể ung dung, cho phép mình nghỉ ngơi sớm mà không cố gắng làm việc thật tốt. Hiện tại, mình chưa hài lòng với mức tài chính và vẫn đang làm việc chăm chỉ”, cô nói.

Lý thừa nhận cô không phải người luôn đi đúng kế hoạch và biết cách đặt cho mình những mục tiêu tốt.

Cô thường có tâm lý thả lỏng, đến đâu tính tới đó, một phần do mới trở lại làm freelancer ít lâu.

“Về quản lý tài chính, mình thường ghi lại những khoản đã chi tiêu ở mục ghi chú. Bên cạnh đó, mình chỉ mua đồ cần thiết hàng ngày, hạn chế sắm áo quần mới mà chỉ cần đủ dùng. Mình tiết kiệm tiền để mua sách và những thứ liên quan đến công việc”, cô tiết lộ.

Nhiều khoản phải tiêu cuối năm

Khi công ty phát thưởng năm vào tháng 9, đồng nghiệp đều vui mừng, còn Minh Anh (26 tuổi), nhân viên văn phòng tại Hà Nội, lại có cảm xúc trái ngược.

“Mình mới đi làm hơn nửa năm nên thưởng chỉ vài triệu đồng. Từ giờ đến Tết còn 3 tháng, mình sợ lúc đó không đủ tiền sắm sửa cho gia đình, chứ chưa nói tới bản thân”, cô chia sẻ.

Mọi năm, Minh Anh để ra khoảng 15 triệu đồng để tiêu Tết, bao gồm tiền biếu bố mẹ và mua bánh kẹo, đồ trang trí, lì xì các cháu. Năm nay, cô chuyển chỗ ở và đổi công việc nên cần đầu tư nhiều khoản để ổn định cuộc sống mới.

Làm công việc hưởng lương cứng và khoản bonus không đáng kể, Minh Anh cho biết dù từ nay đến cuối năm có cố thêm, thu nhập của cô vẫn chỉ ở mức tương đương hàng tháng.

Tuy nhiên, nỗi lo về tiền bạc của cô còn việc phải đi ăn cưới liên tục.

“Sau 2 năm dịch, bạn bè, đồng nghiệp rục rịch cưới xin. Riêng trong tháng tới, mình có 5 thiệp mời. Giá mừng chung là 500.000 đồng, thân hơn phải một triệu đồng, không đi cũng phải gửi phong bì. Thật sự đau đầu”, cô nói.

Tien bac cuoi nam anh 3

Chuẩn bị tiền sắm sửa Tết là một trong những điều khiến người trẻ lo lắng dịp cuối năm. Ảnh: Phương Lâm.

Cuối năm, Thân Ánh (23 tuổi), nhân viên chăm sóc sàn thương mại điện tử (TMĐT) cho công ty mỹ phẩm ở Hà Nội, cũng phải lo nhiều khoản như chuẩn bị tiền sắm Tết cho gia đình, mừng lì xì, sắm sửa nhà cửa. Trong đó, khoản lớn nhất cô cần trang trải là món nợ của mẹ.

“Mỗi tháng, tiền lãi ngân hàng ngang với mức lương mình đi làm. Mình chỉ chờ vào cuối năm cố gắng và thưởng Tết để trả được phần nào cho mẹ đỡ lo”, cô nói.

Từ đầu năm nay, Ánh đặt mục tiêu tiết kiệm ít nhất 100 triệu đồng phòng thân. Bởi vậy, 3 tháng cuối năm, cô cảm thấy áp lực để hoàn thành đúng kế hoạch đề ra.

Lý do Ánh chưa đạt được mục tiêu tài chính là mỗi tháng bỏ ra 3-5 triệu đồng đi học thêm khóa học bên ngoài, chi tiêu quá tay và gửi tiền về cho bố mẹ trả nợ.

Cô cũng không áp dụng phương pháp gì để quản lý chi tiêu nên hay bị tùy hứng và mua theo cảm xúc.

Tien bac cuoi nam anh 4

Thân Ánh trông chờ vào những tháng cuối năm cố gắng và thưởng Tết để lo việc gia đình.

Để tăng thu nhập, Ánh bán hàng trên sàn TMĐT, nhưng doanh số không đáng kể vì ngày đi làm mệt, tối về ít có thời gian làm thêm.

Cô cho rằng cũng có thể bản thân chọn sai ngành hàng, đang ở giai đoạn đầu chịu lỗ nhiều nên hơi nản, vốn cũng chưa lớn nên hay bị đứt dòng tiền.

Ngoài ra, Ánh cho hay bố mẹ cô vẫn còn nhiều tư tưởng so sánh “con nhà người ta”. Do đó, không chỉ cuối năm mà mỗi lần về quê, cô lại thấy thêm áp lực vì những câu nói như “A nó mua được ôtô rồi”, “B lương 3x/tháng”.

Về phần Lý, cô cho hay mỗi khi cảm thấy áp lực về tiền bạc hay lý do nào khác, cô chọn cách im lặng, tắt mạng xã hội, tìm góc nhỏ yên tĩnh để giúp bản thân bớt suy nghĩ và tìm hướng giải quyết.

Theo đuổi công việc làm freelancer, cô biết đây là nghề không màu hồng, không phải tự do, thoải mái như mọi người vẫn tưởng. Điều nhất định phải có là sự kỷ luật, tinh thần không ngừng học hỏi, biết lắng nghe để thay đổi bản thân trở nên tốt hơn trong công việc lẫn cuộc sống.

"Điều quan trọng nhất là về thu nhập. Ngoài yếu tố giỏi ở lĩnh vực nhất định, mọi người nên tích góp khoản chi phí để phòng thân những lúc ế việc hay chuyển sang làm tự do ở thời điểm cuối năm như mình”, cô kết luận.

Chi hơn nửa tỷ đồng cho chuyến du lịch châu Âu

Trong hơn một tháng du lịch tự túc ở Anh và Pháp, gia đình chị Yến tiêu hết 650 triệu đồng. Chị cho rằng việc chi số tiền lớn để đổi lấy trải nghiệm là xứng đáng.

Thiên Nhi

Bạn có thể quan tâm