Chỉ muốn đền tội ác thay con
Không ai ở vùng quê nghèo thị trấn Vĩnh Trụ, huyện Lý Nhân, Hà Nam có thể tin được Tường lại gây ra tội ác tày trời như vậy. Bởi lẽ tại địa phương, Tường là một người tốt, có ý chí vươn lên trong cuộc sống khó khăn và có trách nhiệm với gia đình.
Bố Tường cũng là bác sĩ, ông đi bộ đội trong kháng chiến chống Mỹ và khi trở về bị nhiễm chất độc màu da cam, vì vậy nên trong gia đình bà Nguyệt (mẹ bác sĩ Cát Tường) có 4 người con thì đến 3 người bị nhiễm chất độc màu da cam, duy chỉ có Tường là khỏe mạnh. Cô em thứ hai bị nặng nhất phải nằm một chỗ, còn hai cô út hiện đang làm việc trên Hà Nội được bác sĩ Tường cưu mang.
Dường như, tất cả mọi hi vọng, người mẹ già đều đặt hết vào bác sĩ Tường. Chính vì thế, khi đối diện với tội ác tày trời của đứa con trai bà chỉ biết lặng người đi trong đau đớn.
Ngồi co ro trong ngôi nhà lạnh lẽo, bà mẹ nhìn lên di ảnh của người chồng quá cố và nói những lời vị tha cho đứa con lỗi lầm: "Thằng Tường là đứa có phẩm chất tốt, chắc do sợ hãi quá nên nó mới làm liều. Giá như tôi có thể chết, hoặc đi tù thay nó...".
Có lẽ người mẹ vị tha này, chỉ muốn đền mọi tội ác do con gây ra để Tường có cơ hội làm lại cuộc đời. Tuy nhiên, luật pháp nghiêm minh, chắc chắn rằng trước mắt Tường sẽ là chỗi ngày dài trong trại giam để trả giá cho tội ác dã man của mình, và một bản án lương tâm nữa sẽ theo vị "bác sĩ đồ tể" suốt đời.
Mẹ Tường (trái) và mẹ Khánh. |
Sẽ làm osin lấy tiền cho con đi học nghề
Không kém phần khốn khổ, bà Yến (mẹ của bảo vệ Khánh) nằm liệt một chỗ kể từ khi biết con mình là người gián tiếp giúp sức bác sĩ Tường phi tang xác xuống sông.
Quá đau lòng trước hành động dại dột của con, cộng thêm nỗi ám ảnh về hình ảnh của người phụ nữ xấu số đến nay vẫn chưa tìm thấy xác mà bà cảm thấy ớn lạnh, có lỗi với gia đình nạn nhân.
Đúng là "đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ", mặc dù tất cả mọi người đều quay lưng lại với Khánh, bởi cậu thanh niên "choai choai" này, chỉ vì được ông chủ hứa tăng lương mà sẵn sàng làm một việc tày đình, khiến gia đình nạn nhân phải khốn khổ.
Thế nhưng, trong con mắt nhân hậu của người mẹ "Khánh là một đứa rất ngoan, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Khánh phải đi làm thêm phụ giúp gia đình. Chỉ mong pháp luật có thể xem xét giảm nhẹ tội cho cháu, để cháu có cơ hội làm lại cuộc đời. Còn tôi sẽ đi làm osin để có tiền cho cháu học một cái nghề tử tế kiếm cơm", Bà Yến cho biết.
Mặc dù sức khỏe rất yếu ớt, nhưng bà Yến đã cố gắng đến nhà nạn nhân để thắp hương, mong gia đình chị Huyền có thể tha thứ cho hành động dại dột của Khánh. Ai có thể kìm lòng, khi nhìn thấy cảnh, mẹ bảo vệ Khánh khóc vật vã trước bàn thờ chị Huyền, được người nhà nạn nhân vỗ về, tha thứ.
Bố nạn nhân Huyền gửi tâm thư tới báo chí. |
Mẹ chị Huyền lâm bệnh vì không tìm thấy xác con
Nỗi đau càng thêm chồng chất, khi người đã chết mà không thể tìm thấy xác, người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh. Nếu không thể tìm thấy xác chị Huyền, gia đình đã nghĩ đến việc làm một lễ tang không có thi thể, rồi dựng một nấm mộ "giả" để linh hồn chị còn có nơi tìm về để trú ngụ.
Phải nói, gia đình chị Huyền đã rất kiệt quệ về kinh tế cũng như xuống dốc tinh thần, công việc tìm kiếm thi thể nạn nhân rất mong manh và vô vọng.
Khổ nhất là đấng sinh thành, khi sinh con ra thì nguyên vẹn, đầy đủ. Thế mà đến lúc trưởng thành chỉ vì muốn làm đẹp, gặp phải bác sĩ "vô lương tâm" mà đến chết thể xác vẫn không về được với gia đình.
Mẹ chị Huyền lúc nào cũng trong trạng thái nửa tỉnh, nửa mơ phải có người bên cạnh trông giữ vì sợ bà sẽ làm điều dại dột. Lúc ngủ thì không sao, lúc tỉnh dạy, bà chỉ biết ôm di ảnh của con trong lòng mà khóc. Có lẽ nỗi đau quá lớn đã xé lát tâm can, ruột gan của người mẹ này.
Tâm trạng bất ổn, lo lắng, nên khi tiếp xúc với phóng viên, bà chỉ biết khóc chứ không nói được gì nhiều.
Ông Phạm Đức Quang (60 tuổi, cậu của Huyền) tiếp lời "Nỗi đau đến với gia đình tôi quá lớn, quá bất ngờ. Điều quan tâm nhất lúc này là sớm tìm được thi thể cháu Huyền để vong linh cháu được an nghỉ. Và những người thân trong gia đình được an ủi phần nào".