Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nỗi lòng của sinh viên trường an ninh, quân đội trực Tết

Nhìn bạn bè, đồng đội hớn hở chuẩn bị đồ về quê ăn Tết, những sinh viên trường quân đội, an ninh không tránh khỏi nỗi nhớ gia đình.

Những ngày cuối cùng của năm cũ, mọi người đều cố gắng hoàn thành công việc để trở về đón Tết cùng người thân. Thế nhưng, đối với một số sinh viên các trường thuộc lực lượng vũ trang, niềm hạnh phúc được sum vầy phải tạm nhường lại cho nhiệm vụ ngày Tết.

Khi nhìn những người bạn của mình sắp xếp hành trang để lên tàu, xe về nhà cùng gia đình, những cô, cậu sinh viên trường an ninh, quân đội phải ở lại trực không khỏi có chút chạnh lòng.

"Buôn thì phải tính, lính phải gác"

Mỗi câu chuyện mà học viên, sĩ quan đã và đang phải trực Tết chia sẻ mang một màu sắc khác nhau, nhưng tựu trung là cảm giác hồ hởi, pha lẫn nỗi nhớ nhà trong những ngày ở lại đơn vị, thực hiện nhiệm vụ canh gác.

“Cảm giác lần đầu tiên đón Tết xa nhà khó tả lắm. Nhớ nhất chiều 22 tháng Chạp, nhìn các đồng đội chuẩn bị đồ về quê, còn mấy anh em lớp mình ở lại trực, chia nhau dọn dẹp vệ sinh, hoàn thành nốt công tác trang trí đơn vị đón tết. Cảm giác vừa nao nao buồn, vừa hồ hởi”, Trần Văn Hoan (sinh viên năm 5, Học viện Quân y) nhớ lại cảm xúc lần đầu tiên trực Tết.

Tet cua sinh vien truong an ninh quan doi phai truc anh 1
Những học viên phải ở lại trực cũng chuẩn bị đón một cái Tết vui vẻ cùng nhau. Ảnh: Trần Hoan.

Năm nay, được về quê sớm đón Tết cùng gia đình, không khí những ngày này vẫn khiến Hoan nhớ đến kỷ niệm năm ngoái đón Tết tại đơn vị.

Là người sống tự lập, việc đón Tết xa nhà với chàng sinh viên trường Quân y không quá buồn, cậu chỉ sợ nỗi buồn của người ở nhà: “Mình sợ nhất khi gọi điện về, nghe giọng mẹ buồn, như sắp khóc vậy. Suốt 2 tuần trực đơn vị, mình nhận được nhiều tin nhắn động viên từ mẹ và chị gái. Gia đình luôn là hậu phương vững chắc cho mỗi quân nhân”.

Trong trường, mọi người vẫn thường có câu nói đùa với nhau: “Buôn thì phải tính, lính phải gác”. Canh gác, trực tuần là nhiệm vụ quan trọng, cần thiết, không thể tránh đối với những người trong ngành này. Nhất là những dịp đặc biệt như lễ, Tết, việc trực, canh gác càng phải tăng cường cao hơn nữa.

Với Hồ Sỹ Bảo - sinh viên Học viện Phòng không - Không quân, chuyên ngành Kỹ sư hàng không - đây là cái Tết thứ 3 cậu phải ở lại trực. Dù đã quen với điều này, Bảo cũng cảm thấy nhớ nhà, mong muốn được về cùng mọi người.

Bảo tâm sự: “Gia đình mình cũng động viên, hỏi thăm xem Tết ở đây như thế nào, ăn uống ra sao, có vui không, xe cộ đi về như thế nào. Bạn nào có người yêu ở quê thì nhớ và muốn được về thăm người yêu lắm”.

Năm nay, Bảo trực Tết từ ngày 26 tháng Chạp đến mùng 2 Tết. Sau đó, cậu sẽ được nghỉ về đón những ngày Tết còn lại cùng gia đình.

Bùi Xuân Việt (Học viện Hải quân) cũng phải trực Tết tại trường. Không như một số trường khác được chia kíp để tạo điều kiện cho sinh viên về Tết ít ngày, Học viện Hải quân quy định chỉ sinh viên năm 2 phải trực đầy đủ tất cả ngày Tết. Nhưng bù lại, những năm khác, họ không phải trực.

Ăn Tết xa nhà, đồng nghĩa việc đến kỳ nghỉ hè, Việt mới có thể về thăm gia đình, bởi quy chế nhà trường không còn những ngày nghỉ khác để cậu tranh thủ về quê.

Năm đầu tiên sau khi tốt nghiệp, dù đã chuyển công tác về gần nhà, Hoàng Danh Hòa (cựu sinh viên Học viện An ninh Nhân dân) vẫn không được đón năm mới cùng gia đình. Cậu sẽ trực xuyên Tết từ ngày 28 tháng Chạp đến hết mùng 6 Tết.

Sau 4 năm là học viên trường an ninh, Hòa đã quen thuộc với những nhiệm vụ đặc biệt: “Không được về đón Tết cùng gia đình thì buồn, tuy nhiên vui xuân mới không quên nhiệm vụ. Những ngày thường, chúng tôi phải trực tăng cường có khi cả tháng nên cũng cảm thấy bình thường thôi”.

Niềm vui đón Tết cùng đồng đội

Không về sum họp cùng gia đình không có nghĩa Tết của những người phải ở lại trực không có nhiều niềm vui. Đối với nhiều người, đón năm mới bên đồng đội còn mang ý nghĩa đặc biệt - niềm vui rất lính.

Trực đến mùng 2 Tết, Nguyễn Bá Hải (Học viện Kỹ thuật Quân sự) sẽ đón giao thừa năm nay tại trường. Bạn bè gửi rất nhiều lời chúc, cũng như động viên Hải bằng cách gọi điện hay nhắn tin. Những điều đó phần nào làm vơi đi nỗi nhớ nhà của cậu sinh viên khoa Thiết bị điện tàu.

“Những ngày này, đơn vị tổ chức nhiều hoạt như bóng đá, bóng bàn, còn có liên hoan ăn uống tại đơn vị, văn nghệ, ca hát, tổ chức trang trí phòng truyền thống đón Tết. Tất cả điều đó nhằm tạo không khí đầm ấm cho học viên trực Tết”, Hải cho hay.

Trong những ngày Tết, với sinh viên trường quân đội, an ninh, thầy cô, bạn bè cũng như người thân trong gia đình. Họ cùng sẻ chia niềm vui, chúc nhau những điều tốt lành đầu năm mới.

Trần Hoan bày tỏ: “Quãng thời gian trực trước giao thừa là vui nhất, chúng mình cùng chuẩn bị đón Tết, gói bánh, chuẩn bị hoa quả, hát hò... Khoảnh khắc mình nhớ nhất là khi mấy anh em tự động viên nhau cố gắng. Một đứa thở dài kêu chán, nhớ nhà là mấy anh em trong phòng lại động viên”.

“Nhớ lắm cảm giác đêm giao thừa đi gác, trời vừa lạnh, vừa tối, lại yên tĩnh đến nỗi có thể nghe thấy tiếng lá xào xạc. Đó chắc hẳn không phải là không gian dành cho những người thiếu bản lĩnh vào ngày Tết xa nhà”, chàng trai tâm sự.

Hồ Sỹ Bảo kể Tết ở đơn vị cũng rất vui. Ngày gác 3 tiếng, đêm 2-3 tiếng, rồi chuẩn bị dọn dẹp đón xuân. Ở đây cũng có đầy đủ bàn thờ, bánh kẹo, cũng phải sơn nhà, quét vôi… Đêm giao thừa mọi người quây quần, nói chuyện, hát hò với nhau, nhận lì xì của đơn vị rồi đi vòng vòng chúc Tết các bạn ở vọng gác, gọi điện thoại cho người thân.

Gác cho nhân dân được ăn Tết thật vui

Đối với những sinh viên thuộc lực lượng an ninh, quân đội, việc được tự do, bay nhảy hay tùy ý sắp xếp thời gian rất khó. Có những niềm vui đơn giản như tự nhiên thấy buồn, muốn được xách ba lô lên đi du lịch có vẻ là điều xa xỉ. Một khi đã theo nghề, họ xác định gác lại nhiều chuyện cá nhân để luôn sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ.

Tet cua sinh vien truong an ninh quan doi phai truc anh 4
Với những sinh viên trong ngành thuộc lực lượng vũ trang, nhiệm vụ luôn được đặt lên hàng đầu. Ảnh: Hồ Sỹ Bảo.

Nói về đặc thù nghề nghiệp của mình, Hồ Sỹ Bảo chia sẻ: “Cũng có khi chạnh lòng, chán nản, thèm được như người ta. Nhưng, theo nghề, nghiệp nhà binh thì phải chấp nhận. Mình gác cho nhân dân ăn Tết vui vẻ, an tâm”.

Nguyễn Bá Hải cho rằng: “Mình là bộ đội, chọn con đường binh nghiệp thì phải chấp nhận hy sinh lợi ích cá nhân. Sau một chặng hành trình, nỗi buồn cũng với đi phần nào. Không phải nó mất đi mà là do mình đã quen dần với nó rồi”.

Quyết tâm thi đến lần thứ hai để vào được Học viện Quân y, với Trần Hoan, đây chính là con đường mà bản thân đã hết mình theo đuổi.

“Đời lính là vậy, chấp nhận trao tự do bản thân cho kỷ cương và quy định. Tủi thân có, khó khăn cũng có, nhưng mọi thứ giúp mình vững vàng hơn. Mình vẫn luôn tự hào vì được mặc lên mình màu áo xanh vẻ vang, trách nhiệm và cao đẹp”.

Dọn nhà, rửa xe và những điều không thể không làm để đón năm mới

Trang hoàng nhà cửa, rửa xe, dọn dẹp bàn làm việc… là những việc bạn cần làm trước khi nghỉ Tết.

Đào Phương

Bạn có thể quan tâm