Ngày 14/10, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Cần Thơ ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao (48 tuổi, ngụ huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Lý do đình chỉ điều tra là do “chuyển biến tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa”.
Theo nội dung vụ án, ngày 26/2/2009, bà Giao đứng ra thành lập Doanh nghiệp tư nhân Quỳnh Giao với ngành nghề kinh doanh là sản xuất, phân phối cá và nuôi trồng thủy sản.
Quá trình điều tra, công an nhận định dù biết rõ bản thân làm ăn thua lỗ, nợ nhiều người, không có khả năng thanh toán nhưng để tạo lòng tin cho người khác, bà Giao đứng ra thành lập doanh nghiệp, đưa ra một số giấy tờ, nói mình có nguồn tiền rất lớn từ nước ngoài sắp chuyển về để người khác tin tưởng ký hợp đồng kinh doanh hoặc đưa tiền cho bà vay mượn.
Cơ quan điều tra cáo buộc, tính từ giữa năm 2008 đến tháng 6/2010, bà Giao đã thực hiện hành vi gian dối chiếm đoạt tổng số tiền 12,5 tỷ đồng từ 8 người.
Bà Giao vẫn luôn tin rằng mình không có tội. |
Ngày 21/1/2013, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Cần Thơ ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Giao để điều tra về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngày 1/2/2013 , bà Giao bị bắt tạm giam, đến ngày 20/7/2015, thay đổi biện pháp ngăn chặn bằng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú.
Ngày 4/7/2018, TAND TP Cần Thơ đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bà Giao 15 năm tù, đồng thời ra lệnh bắt tạm giam bà tại tòa. Sau đó, bà Giao kháng cáo kêu oan.
Tại phiên tòa phúc thẩm diễn ra vào ngày 3/1/2019, TAND cấp cao tại TP.HCM đã tuyên hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ cho VKSND TP Cần Thơ điều tra lại.
Đến ngày 12/10, cơ quan điều tra ra quyết định thay đổi tội danh của bà Giao từ Lừa đảo chiếm đoạt tài sản sang tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Điều bất ngờ, chỉ 2 ngày sau đó, cơ quan điều tra tiếp tục có bản kết luận số 68, trong đó nêu rõ, quá trình điều tra lại, công an xác định giao dịch giữa bà Giao và 7 bị hại trong vụ án là giao dịch dân sự, không có dấu hiệu hình sự.
Riêng trường hợp thứ tám là bà Nguyễn Thị Bích Liên thì vẫn bảo lưu quan điểm cấu thành tội phạm hình sự. Đồng thời trong ngày, cơ quan điều tra lại ra quyết định đình chỉ điều tra bị can như đã nêu trên.
“Tính từ ngày 20/1/2014 - 14/10/2020, vụ án của tôi đã có đến 12 bản kết luận từ cơ quan điều tra, 6 lần đưa ra xét xử, trong đó có 4 lần tòa hoãn”, bà Giao nói.
Chia sẻ về quãng thời gian gần 8 năm với thân phận bị can, bà Giao ngậm ngùi: “Khổ không kể xiết. 47 tháng bị tam giam là những ngày đau xót”.
Thời điểm bà bị bắt tạm giam, hai con đang học cấp II. Với đồng lương ít ỏi của một thầy giáo, ông H.T.P. (chồng bà Giao) phải cố gắng chắt chiu lo cho cuộc sống gia đình, nuôi hai con ăn học và chạy khắp nơi kêu oan cho vợ trong sự xa lánh, xì xầm của hàng xóm.
Nói về cảm xúc sau khi nhận được quyết định đình chỉ điều tra, bà Giao chia sẻ vẫn cảm thấy chưa thể yên lòng. Trước sau gì bà vẫn tin mình bị oan. Theo lời bà, tính từ ngày 22/7/2009 (Âm lịch) cho đến ngày 15/12/2010 đối với 7 vụ việc, bà đã thanh toán cả gốc lẫn lãi số tiền đã vay, tất cả đều có các chứng từ và biên nhận làm bằng chứng.