1. Nơi nào ở Việt Nam có tượng rồng đá "miệng cắn thân, chân xé mình"?
Tại đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh (triều Lý) ở xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh có bức tượng rồng đá, còn gọi là xà thần do vẫn còn ý kiến tranh luận, thường được miêu tả đang trong tư thế "miệng cắn thân, chân xé mình" kỳ lạ. Tượng được công nhận là Bảo vật quốc gia vào năm 2013. Theo tư liệu của Cục Di sản văn hóa, tượng bằng đá sa thạch màu xanh xám, dạng nửa rồng, nửa rắn với hình thức độc đáo, chưa từng có trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Ảnh: Tố Quyên/Công Luận. |
2. Bảo tàng nào sau đây có cặp tượng chim thần Garuda diệt rắn là Bảo vật quốc gia?
Tại Bảo tàng Bình Định có cặp tượng chim thần Garuda diệt rắn phát hiện tại phế tích Tháp Mẫm (Tháp Mắm), được công nhận Bảo vật quốc gia vào năm 2017. Theo tư liệu của Bảo tàng Bình Định, cặp phù điêu này cao hơn 1 m, mỗi phù điêu nặng khoảng 500 kg, bằng đá cát, thể hiện đối xứng hình tượng chim thần Garuda diệt rắn Naga trong thần thoại Ấn Độ. Ảnh: Bảo tàng Bình Định. |
3. Là Bảo vật quốc gia, bộ thành bậc điện Kính Thiên ở Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội có niên đại thế nào?
Bộ thành bậc điện Kính Thiên ở Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội được công nhận Bảo vật quốc gia vào năm 2020. Theo trang thông tin Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, rồng đá điện Kính Thiên có niên đại thế kỷ 15, được đánh giá là di sản kiến trúc tuyệt tác, tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc thời Lê Sơ. Rồng uốn 7 khúc, thuộc dòng rồng đế vương 5 móng, thể hiện được sự oai hùng, mạnh mẽ. Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội. |
4. Thuộc bộ Cửu đỉnh (Thừa Thiên - Huế), Bảo vật quốc gia được công nhận năm 2012, chiếc đỉnh nào có hình tượng Long/Rồng?
Cửu đỉnh là bộ tác phẩm bằng đồng gồm 9 chiếc đỉnh lớn, đặt trước sân Thế miếu trong Hoàng thành Huế. Mỗi đỉnh có tên riêng, trên thân có khắc tên đỉnh bằng chữ Hán cùng 17 hình ảnh (cây cỏ, muông thú, cảnh vật, địa danh...), tất cả hợp lại như một bộ bách khoa thư bằng hình ảnh về đất nước. Theo tư liệu của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, trên Cao đỉnh - đặt ở trung tâm 9 đỉnh, trên đường thần đạo - có khắc hình tượng Long/Rồng "phi long tại thiên", tức rồng bay giữa trời với khí thế hiên ngang, ung dung tự tại giữa mây lành. Ảnh: Google Arts & Culture. |
5. Bảo vật quốc gia Ấn Sắc mệnh chi bảo hiện lưu giữ ở đâu?
Ấn Sắc mệnh chi bảo có núm hình rồng cuốn, được công nhận Bảo vật quốc gia vào năm 2015, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Hà Nội). Theo tư liệu của bảo tàng, ấn có niên đại 1827, biểu trưng quyền lực của triều đình nhà Nguyễn, dùng để đóng trên các loại sắc phong của vương triều, chế tạo bằng chất liệu quý (vàng) với kỹ thuật đúc, khắc công phu, là hiện vật độc bản, có giá trị đặc biệt. Ảnh: Lê Hiếu. |
6. Một trong những hiện vật ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội) là Bảo vật quốc gia?
Hai cánh cửa chạm rồng chùa Keo là một trong những Bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội), được công nhận vào năm 2017. Theo tư liệu của bảo tàng, đây là bộ cánh cửa chính của tam quan nội chùa Keo ở Thái Bình, khoảng thế kỷ 17. Mỗi cánh chạm một hình rồng lớn, một hình rồng nhỏ và một hình nghê, cho đồ án "lưỡng long chầu nhật" với bố cục đăng đối khi hai cánh cửa hợp lại. Ảnh: Minh Hằng. |
7. Nơi nào ở Ninh Bình có cặp long sàng là Bảo vật quốc gia?
Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng thuộc Khu di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư ở huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Nơi đây có cặp long sàng trước nghi môn ngoại và trước bái đường (niên đại thế kỷ 17), là hiện vật độc bản được tạo tác đặc sắc, công phu, đã được công nhận Bảo vật quốc gia vào năm 2017. Ảnh: Nguyễn Blog. |