Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Nơi người dân ăn 12 bữa một ngày vào năm mới

Người dân nước này quan niệm 7, 9, 12 là những con số mang lại nhiều may mắn. Vì thế, họ sẽ ăn số bữa tương ứng để có một năm mới dư dả, ấm no, nhiều sức khỏe.

Người Estonia ăn nhiều bữa trong năm mới để cầu may mắn, sức khỏe. Ảnh: Karolina Wiercigroch.

Estonia là quốc gia rất quan tâm đến việc tổ chức các ngày lễ như Giáng sinh, năm mới. Giống như nhiều nước khác, người Estonia dành nhiều ngày để lên kế hoạch chuẩn bị cho năm mới, đảm bảo bữa tiệc tiễn năm cũ, đón năm mới phải thật hoành tráng để chào đón những điều tốt đẹp nhất.

Khi đồng hồ điểm 0h, người dân sẽ đắm chìm trong không khí lễ hội và tận hưởng một đêm trọn vẹn với người thân và bạn bè.

Ăn 12 bữa một ngày

Nếu người Tây Ban Nha có phong tục ăn 12 quả nho trước đêm giao thừa, người Philippines chuẩn bị mâm cỗ với 12 loại quả tròn, người Estonia lại có truyền thống ăn 12 bữa một ngày.

Đại sứ quán Estonia ở London, Anh, nói rằng ở Estonia, người dân tin rằng 7, 9, 12 là những con số may mắn, Straits Times dẫn nguồn. Nếu ăn số bữa tương ứng vào năm mới, họ sẽ có được sức mạnh tương đương 7, 9 hoặc 12 người gộp lại, đồng thời có được một năm dư giả, ấm no.

Tuy nhiên, trong những bữa ăn năm mới, người Estonia sẽ không ăn hết thức ăn mà trừ lại một phần để mời tổ tiên và các linh hồn về thưởng thức.

phong tuc ngay Tet anh 1

Hernesupp Suitsukoodiga là món súp thường thấy trong bàn tiệc năm mới ở Estonia. Ảnh: Tuuli Retseptid.

Bữa ăn năm mới của Estonia thường có Kiluvõileib, Hernesupp Suitsukoodiga và Mulgikapsad. Món tráng miệng thường là bánh gừng, bánh hạnh nhân. Loại đồ uống truyền thống trong bữa tiệc năm mới ở Estonia là bia và rượu mật ong, nhưng nhiều năm gần đây người dân lại ưa chuộng vang nóng và champagne.

Không riêng bữa tiệc năm mới, Kiluvõileib xuất hiện trong mọi bữa tiệc quan trọng ở Estonia. Đây là món ăn làm từ bánh mì lúa mạch đen, cá trích cơm, bơ lạt hoặc bơ trứng. Khi dùng Kiluvõileib, người Estonia thường ăn kèm trứng luộc và rau thơm để làm tăng hương vị.

Hernesupp Suitsukoodiga là món súp truyền thống của Estonia, thường được các gia đình chuẩn bị vào đêm giao thừa. Nước dùng của súp là nước ninh xương lợn hun khói, tỏi và hành. Ngoài ra, súp được cho thêm đậu khô, cà rốt, sau đó hầm nhừ hoặc xay nhuyễn. Với các thế hệ ở Estonia, Hernesupp Suitsukoodiga là món ăn có hương vị quen thuộc, đưa họ trở về tuổi thơ.

Giống như Kiluvõileib, Mulgikapsad được coi là món ăn "quốc dân" của Estonia vì được ăn quanh năm và không thể thiếu trong những ngày lễ lớn như Giáng sinh, năm mới. Mulgikapsad cũng là một dạng món hầm được làm từ lúa mạch, thịt lợn xông khói, dưa bắp cải... Người Estonia yêu thích món này đến mức sản xuất các phiên bản đóng hộp và bày bán trong siêu thị.

phong tuc ngay Tet anh 2

Estonia tổ chức nhiều hoạt động náo nhiệt vào dịp năm mới. Ảnh: The Baltic Guide.

Đi chợ trong đêm giao thừa

Đêm giao thừa ở Estonia là một bữa tiệc ánh sáng với các chương trình, sự kiện và hoạt động bắn pháo hoa. Sau lễ Giáng sinh, người dân địa phương sẽ bắt tay vào chuẩn bị các hoạt động cho năm mới với những ý tưởng mới mẻ.

Trong đêm giao thừa, không phân biệt tuổi tác, giới tính, mọi người đều cùng nhau tham dự những bữa tiệc lớn, nhỏ trong gia đình hoặc trên các con phố.

Khác với Việt Nam dừng mọi hoạt động mua bán trong đêm giao thừa, người Estonia lại thích đi chợ vào thời khắc chuyển giao giữa năm mới và năm cũ. Trong đêm giao thừa, các cửa hàng, chợ và trung tâm thương mại vẫn hoạt động, thu hút nhiều người đến mua sắm đồ đạc cho gia đình hoặc mua để làm quà tặng.

Ngoài các bữa tiệc, người Estonia thích xem hòa nhạc, biểu diễn nhào lộn hoặc xem kịch vào dịp giao thừa. Ở thủ đô Tallinn, cũng là thành phố đông dân nhất ở Estonia, các chương trình văn hóa, văn nghệ được tổ chức ở Estonia Concert Hall.

Các chương trình được tổ chức ở Estonia Concert Hall mang đậm bản sắc văn hóa, di sản của Estonia nên thu hút khá nhiều người xem. Do đó, nếu muốn tham dự chương trình tại đây, người dân thường phải đặt vé sớm.

Zing giới thiệu đến bạn những cuốn sách nói về ngày Tết của người Việt xưa:

Việt Nam phong tục: Phan Kế Bính miêu tả rất kỹ các phong tục trong họ hàng, gia đình. Từ đó, những lớp trầm tích văn hóa được tôn lên, người đọc có thể cảm nhận được vẻ đẹp phong phú của một nền văn hóa lâu đời.

Hội hè lễ tết của người Việt: GS Nguyễn Văn Huyên đem đến một lối viết phóng khoáng, bay bổng trong các tiểu luận của mình ở Hội hè lễ tết của người Việt. Cuốn sách mở ra một không khí náo nhiệt và đượm màu sắc văn hóa của các ngày lễ Tết trên dải đất hình chữ S này.

Học phong tục Tết qua thơ

Thơ Tết với câu chữ ngắn, dễ hiểu sẽ giúp Tết cũng như phong tục và truyền thống Tết gần với trẻ em ở độ tuổi thiếu nhi hơn.

Thái An

Bạn có thể quan tâm