Người hói đầu sớm được hỗ trợ điều trị y tế ở một số nơi tại Hàn Quốc. |
Tháng 5/2022, văn phòng quận Seongdong ở Seoul đã trở thành nơi đầu tiên hỗ trợ những người dân bị hói đầu thông qua việc ban hành sắc lệnh, theo The Korea Times.
Bắt đầu từ năm nay, văn phòng quận cung cấp một khoản tiền mặt cho những người từ 39 tuổi trở xuống phải điều trị chứng rụng tóc.
Đến tháng 12/2022, chính quyền thành phố Daegu ban hành chính sách tương tự khi cung cấp các khoản trợ cấp cho những người 19-39 tuổi bị hói đầu.
Thành phố Boryung ở tỉnh Chungcheong Nam cũng đã thông báo vào tháng 1 rằng sẽ cung cấp tới 2 triệu won (1.530 USD) cho những người từ 50 tuổi trở xuống bị rụng tóc, nhằm giúp "cải thiện chất lượng cuộc sống" cho cư dân.
Gần đây, chính quyền thành phố Seoul đang tìm kiếm một chính sách tương tự. Một thành viên của Hội đồng thành phố đã đề xuất sắc lệnh hỗ trợ chi trả một phần tiền thuốc uống trị rụng tóc cho người dưới 40 tuổi vào hôm 16/2.
Tranh cãi
Hạ nghị sĩ Lee Jae-myung, lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập của Hàn Quốc, là người đầu tiên đưa ra ý tưởng hỗ trợ cho những người bị hói đầu.
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm ngoái, ông Lee đã gây xôn xao khi cam kết mở rộng phạm vi bảo hiểm y tế quốc gia bao gồm cả các phương pháp điều trị rụng tóc.
Chứng rụng tóc vốn phổ biến hơn ở những người lớn tuổi. Nhưng dữ liệu các năm gần đây cho thấy ngày càng có nhiều thanh niên Hàn Quốc phải điều trị chứng rụng tóc, hói đầu sớm.
Chính sách hỗ trợ người hói đầu sớm gây tranh cãi tại Hàn Quốc. |
Theo Dịch vụ Bảo hiểm Y tế Quốc gia (NHIS), vào năm 2020, khoảng 230.000 người đã được điều trị chứng hói đầu. Trong đó, người 20-50 tuổi chiếm đến 64,4%.
Vấn đề này đặt ra câu hỏi liệu việc sử dụng các nguồn lực của nhà nước để hỗ trợ điều trị chứng rụng tóc có phù hợp hay không, vì hói đầu sớm không được coi là một căn bệnh đe dọa đến tính mạng.
Khi bảo hiểm y tế không chi trả cho các thủ tục y tế không thiết yếu như phẫu thuật thẩm mỹ hoặc điều trị giảm cân, một số người coi chính sách được ông Lee khởi xướng là không công bằng.
"Lần đầu tiên nghe tin, tôi đã không tán thành với chính sách này", một cư dân 30 tuổi ở quận Seongdong họ Lee cho biết. "Tôi không nghĩ hói đầu là một căn bệnh nghiêm trọng cần điều trị khẩn cấp. Và theo những gì tôi hiểu, họ đang phát tiền cho mọi người bất kể thu nhập. Tôi hy vọng văn phòng quận sử dụng tiền thuế của người dân vào việc gì đó có ý nghĩa hơn như giúp đỡ những người dễ bị tổn thương".
Thành phố Gongju ở tỉnh Chungcheong Nam đã phát triển một chính sách phù hợp hơn trong việc hỗ trợ những người dân bị hói. Bắt đầu từ năm nay, thành phố sẽ trao 500.000 won cho các bệnh nhân ung thư đang bị rụng tóc do hóa trị.
Hói đầu ở tuổi 30
Hàn Quốc không phải nước đầu tiên có chính sách hỗ trợ người hói đầu sớm. Tháng 5/2022, Bộ Bảo trợ xã hội Ireland cũng công bố khoản trợ cấp lên tới 540 USD cho chi phí mua mỗi bộ tóc giả hoặc tóc thay thế.
Chương trình hỗ trợ khoảng 2.000 người bị rụng tóc trong năm đầu tiên. Tuy nhiên, chỉ những người bị rụng tóc do bệnh tật mới đủ điều kiện hưởng chính sách này.
Bộ trưởng Heather Humphreys nói: "Khoản tài trợ được giới thiệu để ghi nhận tác động cả về thể chất và tâm lý mà việc rụng tóc đột ngột có thể gây ra đối với cuộc sống của mỗi người. Tôi thực sự hy vọng khoản tài trợ sẽ giúp một phần nhỏ nào đó trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống của những người cần nó. Chính sách được thiết kế để hỗ trợ những phụ nữ hoặc nam giới bị mất thứ mà rất nhiều người trong chúng ta vẫn coi là điều hiển nhiên".
Tại châu Á, chứng rụng tóc, hói đầu không chỉ khiến người Hàn Quốc quan tâm. Đó cũng là chủ đề thường xuyên được thảo luận ở các quốc gia khác trong những năm gần đây.
Chứng rụng tóc trở nên phổ biến trong giới trẻ các nước Đông Á. |
Trước đây, các nghiên cứu thường chỉ ra rằng hầu hết đàn ông da trắng sẽ phải đối mặt với chứng hói đầu ở một mức độ nào đó, nhưng đàn ông châu Á và đặc biệt là người Đông Á có tỷ lệ rụng tóc thấp nhất.
Một nghiên cứu năm 2010 từ 6 thành phố của Trung Quốc cho thấy ít hơn 3% nam giới trong độ tuổi 18-29 và chỉ hơn 13% nam giới ở độ tuổi 30 bị hói đầu.
Nghiên cứu trước đây của Hàn Quốc cho thấy chỉ có 14,1% nam giới bị ảnh hưởng bởi chứng rụng tóc, trong khi đàn ông Nhật Bản được phát hiện mắc chứng hói đầu muộn hơn khoảng một thập kỷ so với nam giới châu Âu.
Nhưng các khảo sát, nghiên cứu những năm gần đây cho thấy thực tế đã thay đổi.
Một cuộc khảo sát 50.000 người của Hiệp hội Giáo dục và Nâng cao Sức khỏe Trung Quốc cho thấy những người ở độ tuổi 30 của đất nước này bị hói nhanh hơn bất kỳ nhóm tuổi nào. Một cuộc thăm dò tương tự của Đại học Thanh Hoa cho thấy 60% sinh viên đã bị rụng tóc sớm.
Ngoài di truyền, hói đầu sớm còn được cho xuất phát từ nguyên nhân căng thẳng, chế độ ăn uống kém, thiếu ngủ, thói quen hút thuốc.
Nhiều người trẻ xứ châu Á, đặc biệt là Hàn Quốc, Nhật Bản, thường kết thúc một ngày với webtoon (truyện tranh số). Thế giới ảo này giúp họ tạm quên đi mệt mỏi mà không tốn thời gian hay tiền bạc. Sự phổ biến ngày càng lớn của webcomic, hay còn gọi webtoon (truyện tranh số), đã có tác động tích cực đáng ngạc nhiên đến ngành xuất bản.