Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nỗi niềm của nam sinh trượt oan đại học

Dù đã đăng ký xét tuyển thành công vào Học viện Kỹ thuật Quân sự, Lê Việt Hoàng (đạt 27,4 điểm khối A00) vẫn không có tên trong danh sách trúng tuyển năm 2020.

5 ngày sau khi các trường khối ngành quân đội công bố điểm trúng tuyển, cậu học trò Lê Việt Hoàng, trường THPT Bỉm Sơn (Thanh Hoá) hụt hẫng, buồn bã và gần như rơi vào bế tắc.

Dù điểm thi tốt nghiệp THPT rất cao, Hoàng vẫn trượt vì không có tên trong danh sách thí sinh trúng tuyển Học viện Kỹ thuật Quân sự năm 2020.

truot dai hoc oan anh 1

Em Lê Việt Hoàng, cựu học sinh trường THPT Bỉm Sơn (Thanh Hoá). Ảnh: Hà Cường/VTC News.

Trượt oan vì lỗi hệ thống đăng ký

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Hoàng lựa chọn xét tuyển đại học theo khối A00 (Toán 9,4, Lý 8,75, Hóa 9) với tổng 27,15 điểm. Tính cả điểm cộng vùng, nam sinh đạt tổng 27,4 điểm. Trong khi đó, điểm chuẩn vào Học viện Kỹ thuật Quân sự năm nay lấy 26,5 điểm, tức là Hoàng thừa 0,9 điểm.

Giải thích về lý do không đỗ, Hoàng cho biết trong đợt đăng ký nguyện vọng xét tuyển đầu tiên, em đặt nguyện vọng 1 vào trường Sĩ quan Lục quân 1. Tuy nhiên, sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT của mình khá cao, em so sánh điểm với các năm và nhận thấy mình có cơ hội đỗ Học viện Kỹ thuật Quân sự.

Hoàng thảo luận với mẹ và quyết định đổi nguyện vọng đăng ký sang Học viện Kỹ thuật Quân sự. Sau khi Hoàng thao tác điều chỉnh đổi nguyện vọng trực tuyến, hệ thống máy tính thông báo đã chuyển nguyện vọng thành công.

Đến ngày Học viện Kỹ thuật Quân sự công bố điểm chuẩn và danh sách thí sinh trúng tuyển, Hoàng không thấy tên mình trong đó, dù mức điểm của cậu đủ để đỗ vào trường.

Không hiểu tại sao lại trượt oan uổng, Hoàng liên hệ với hai trường để hỏi lý do. Câu trả lời em nhận được là trường Sĩ quan Lục quân 1 và Học viện Kỹ thuật quân sự là hai nhóm trường không thể chuyển đổi nguyện vọng cho nhau.

Hoàng vô cùng hoang mang vì trước đó, trong quá trình tìm hiểu đăng ký nguyện vọng vào hai trường đều không thông báo quy định như vậy.

"Nếu hai trường không thể chuyển đổi nguyện vọng cho nhau thì tại sao hệ thống xét tuyển vẫn thông báo đã điều chỉnh thành công? Đồng thời, nếu hai trường không đổi được cho nhau thì tại sao hệ thống không giữ nguyên nguyện vọng vào trường Sĩ quan Lục quân 1 như ban đầu em đã đăng ký", nam sinh đặt câu hỏi.

Trong khi điều chỉnh nguyện vọng, máy tính báo hợp lệ và thành công nên em rất yên tâm. Nếu lúc đó máy tính báo không hợp lệ, có lẽ, em đã không trượt oan, Hoàng bức xúc và cho biết đang làm đơn tường trình gửi lên Sở GD&ĐT Thanh Hoá, Bộ GD&ĐT, Bộ Quốc phòng.

Em rất hy vọng Bộ GD&ĐT, Bộ Quốc phòng sẽ kiểm tra lại hệ thống điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển và xem xét trao cơ hội cho cậu được theo học ngành quân đội.

truot dai hoc oan anh 2

6 nguyện vọng đăng ký xét tuyển hợp lệ được ghi lại trên hệ thống máy tính của em Lê Việt Hoàng. Ảnh: NVCC.

Nguy cơ vụt tắt ước mơ đại học

Cậu học trò tâm sự, ngay từ bé em đã ao ước được đứng trong môi trường quân đội để giúp đỡ gia đình. Nếu được học trong môi trường quân đội, mẹ sẽ không phải chu cấp tiền học cho em mỗi tháng. Số tiền dành dụm ấy có thể giúp mẹ chống chọi lại căn bệnh ung thư quái ác.

Được biết, mẹ của Lê Việt Hoàng đang mắc bệnh ung thư tuyến giáp và u vú đã nhiều năm. Nguồn thu nhập chính của gia đình Hoàng có được từ việc phân loại đồng nát mưu sinh qua ngày.

Hoàng chia sẻ từ khi lên lớp hai, bố mẹ em đã chia tay. Sức khoẻ mẹ yếu ớt, không thể làm việc nặng nhọc nên chỉ có thể kiếm sống, nhặt từng đồng qua ngày. Chứng kiếm mẹ vất vả, em quyết tâm chăm chỉ học hành để cho mẹ vui.

"Nhưng kết quả xét tuyển đại học không như mong đợi, em thấy rất có lỗi và con đường đi phía trước sẽ không biết ra sao", cậu học trò xứ Thanh buồn bã.

Hoàng đang "rối như tơ vò", nếu không đỗ vào trường quân đội, em sẽ ở nhà một năm vừa ôn thi, vừa tranh thủ kiếm thêm tiền phụ mẹ. Bởi vì mấy năm nay, chỉ vì để dành tiền cho em đi học mà mẹ từ chối việc xạ trị khối u. Sắp tới, bác sĩ chỉ định bắt buộc phải mổ nhưng quả thực gia đình em không đủ tiền.

"Sau khi biết thông báo không đỗ đại học, Hoàng luôn buồn rầu, không nói năng gì với ai", chị Nguyễn Thị Hiếu (mẹ của Hoàng) nhìn con trai mà xót xa. Nhiều ngày nay, chị "mất ăn, mất ngủ" đi khắp nơi để tìm hiểu lý do trượt oan đại học của Hoàng.

Chị Hiếu chia sẻ: "Hoàng là đứa con hiếu thảo, luôn cố gắng học giỏi và động viên mẹ chịu vất vả vì con rồi sau này con học xong, ra trường đi làm con sẽ bù đắp gấp 10, 20 lần".

Tới ngày biết điểm thi, Hoàng ôm lấy mẹ và liên tục hỏi: “Mẹ ơi! Mẹ có vui không? Từ nay mẹ không phải lo tiền học cho con nữa. Con sẽ là chú bộ đội tốt, lo cho mẹ hết phần đời còn lại".

Chị Hiếu không cầm được nước mắt: "Cảnh nhà neo đơn, hai mẹ con "thân cô thế cô" chẳng biết kêu cầu ở đâu. Hoàng trượt đại học thật oan ức". Ước muốn duy nhất của chị lúc này là con trai có thể vào đại học, có vào đại học thì đời nó mới hết khổ.

Ông Nguyễn Văn Hải, Hiệu trưởng trường THPT Bỉm Sơn (Thanh Hóa), cho biết, ngay sau khi xảy ra sự việc, nhà trường, giáo viên chủ nhiệm lớp kịp thời động viên em Lê Việt Hoàng và gia đình.

Em Hoàng đang viết đơn tường trình và kiến nghị, nhà trường sẽ tiếp nhận để chuyển lên Sở GD&ĐT Thanh Hoá, Bộ GD&ĐT, Bộ Quốc phòng.

Ông cho rằng đây là sai sót trong quá trình điều chỉnh nguyện vọng và sơ suất khi chưa tìm hiểu kỹ các quy định tuyển sinh đặc thì ngành quân đội. Tuy nhiên, Hoàng luôn được thầy cô đánh giá là học sinh ngoan, có lực học giỏi và ý chí vươn lên mãnh liệt.

Nam sinh được bạn cõng suốt 10 năm sẽ nhập học ĐH Bách khoa Hà Nội

Nguyễn Tất Minh - nam sinh được bạn cõng đi học suốt 10 năm ở Thanh Hóa - cho biết em học ngành Công nghệ thông tin, ĐH Bách khoa Hà Nội.

https://vtc.vn/noi-niem-cua-nam-sinh-truot-oan-dai-hoc-do-loi-may-tinh-ar574108.html

Hà Cường / VTC News

Bạn có thể quan tâm