Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Nỗi niềm của thí sinh trước kỳ thi có một không hai

Kỳ thi tốt nghiệp THPT đặc biệt diễn ra trong sự chờ mong của thầy và trò. Không ít lần, sĩ tử thấp thỏm vì phải lùi lịch thi trong điều kiện dịch bệnh bùng phát trở lại.

Ky thi tot nghiep THPT khong tron ven anh 1

Chiều 3/8, Nguyễn Bá Long Vũ (20 tuổi, Thừa Thiên - Huế) tranh thủ lúc nghỉ để thu dọn đồ đạc, đưa ra bến xe gửi về quê trước. Nam sinh vẫn ở lại Hà Nội, theo học lớp ôn thi của thầy Tạ Quang Quyết đến ngày 5/8.

Trước khi ra khỏi nhà, Vũ không quên lấy khẩu trang trên kệ tường bên phải phòng học, cạnh chai nước rửa tay khô. Hai vật dụng quen thuộc được đặt sẵn trong phòng học của thầy Quyết, góp phần giúp thầy trò chống dịch Covid-19, để có thể vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT đặc biệt nhất lịch sử.

'Kiến thức không mất đi nhưng đôi khi hơi nản vì Covid-19' Nhiều thí sinh chia sẻ do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc học tập và ôn thi gặp nhiều khó khăn. Sau những lúc "hơi nản", các em thể hiện quyết tâm thi tốt.

Hai lần lùi lịch thi

Long Vũ là thí sinh tự do. Em từng tham gia kỳ thi THPT quốc gia 2018 và thiếu nửa điểm để chạm tay vào giấc mơ vào trường công an.

Sau một năm học đại học ở Huế theo nguyện vọng 2, tháng 8/2019, 10X quyết định thi thử thêm lần nữa. Em đăng ký ôn thi lớp thầy Quyết, theo diện học sinh nội trú và trải qua một năm ôn thi đầy biến động.

Trong khi các địa phương liên tục kéo dài thời gian nghỉ Tết vì dịch Covid-19, ngày 22/2, Bộ GD&ĐT quyết định thời gian thi tốt nghiệp THPT năm nay diễn ra từ ngày 23 đến 26/7, thay vì cuối tháng 6 như các năm trước.

Lúc này, dù có chút hoang mang, Vũ cũng như nhiều thí sinh khác, không quá lo lắng. Các em hiểu vì dịch bệnh, việc học gián đoạn, dời lịch thi là điều không thể tránh khỏi.

Hơn nữa, bên cạnh các em luôn có thầy cô trấn an, động viên. Ngoài làm công tác tư tưởng cho học trò, thầy Tạ Quang Quyết còn gấp rút điều chỉnh chương trình, tránh học sinh nhàm chán vì phải học đi học lại nội dung cũ.

Khi mọi thứ tưởng chừng đã đi vào quỹ đạo, ngày 13/3, Bộ GD&ĐT một lần nữa điều chỉnh, lùi kỳ thi sang ngày 8-11/8. Lần này, tâm lý may mắn vơi đi ít nhiều.

“Cả thầy và trò lo không được thi, cứ tiếp tục lùi như vậy, bao giờ mới tổ chức được”, thầy Quyết nhớ lại khoảng thời gian thấp thỏm.

Lúc đó, thầy lo nhất cho thí sinh thi lại hay những bạn là chiến sĩ nghĩa vụ. Các em nỗ lực học trong cả năm trời, miệt mài ngày đêm, mong ngóng kỳ thi hơn bất cứ ai.

Ngẫm lại năm qua, thầy Quyết không nhớ biết bao lần nhận câu hỏi “bao giờ thi”, “còn thi không thầy” từ học trò. Thầy hiểu những tâm tư đó và luôn sẵn sàng giải đáp, trấn an vì “lúc này, giáo viên không động viên thì còn ai có thể giúp sĩ tử yên tâm”.

Ky thi tot nghiep THPT khong tron ven anh 2

Kỳ thi THPT quốc gia đổi thành tốt nghiệp THPT cùng với thông tin không tách điểm môn thi trong bài tổ hợp khiến thí sinh lo lắng. Ảnh: Phạm Ngôn.

Tất cả vì quyền lợi thí sinh

Quá trình ôn thi trật guồng quay khi chỉ còn cách ngày thi hai tuần. Ngày 25/7, ca mắc Covid-19 thứ 416 được phát hiện ở Đà Nẵng, kết thúc chuỗi gần 100 ngày không có ca nhiễm SAS-CoV-2 trong cộng đồng.

Lúc này, người lo lắng nhất là những thí sinh ở Đà Nẵng - tâm dịch đợt này. Chiến sĩ nghĩa vụ Thái Quý, 25 tuổi, chỉ mong dịch bệnh được kiểm soát nhanh chóng để kỳ thi diễn ra như kế hoạch.

Phải thi đợt sau, 9X không tránh khỏi lo lắng song vẫn tiếp tục ôn bài. Khi sĩ tử ở vùng khác bước vào kỳ thi đặc biệt nhất nhì lịch sử, Thái Quý vẫn 7h học Lịch sử đến 9h, học Toán từ 13h30 đến 15h và dành khoảng thời gian sau 20h học Ngữ văn.

Từ vùng tâm dịch, Thái Quý chia sẻ năm 2020 nhiều xáo trộn song em không thấy quá vất vả. 9X cho rằng thay vì lo âu về biến động, khó khăn, mình nên nghĩ đến những điều tốt đẹp, tương lai để có động lực học tập. Mỗi lần hoang mang, Quý luôn tự động viên hoặc chơi thể thao để thả lòng rồi lại dồn tâm trí, thời gian vào việc học.

“Nếu được thi, em vẫn còn cơ hội vào đại học”, Thái Quý giữ niềm tin ngay tại thời điểm bấp bênh nhất.

Dù hết lời động viên học trò, thầy Tạ Quang Quyết thừa nhận các em lo lắng, hoang mang là điều không thể tránh khỏi và năm 2020 thực sự là "trận chiến tâm lý" với cả thầy và trò.

Điều dễ thấy là trong mọi “biến cố” của kỳ thi tốt nghiệp THPT lịch sử, cả Nguyễn Bá Vũ Long, Thái Quý lẫn thầy Tạ Quang Quyết đều tin tưởng rằng mọi quyết định đều hướng tới đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho biết trường căn cứ tình huống cụ thể để chờ kết quả thi đợt 2 rồi xét tuyển hoặc dành chỉ tiêu cho thí sinh chưa thi đợt một.

ĐH Kinh tế Quốc dân, Học viện Tài chính hay ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Nông Lâm TP.HCM cũng nhắn nhủ thí sinh yên tâm vì trường sẽ điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp.

Từ ngày 4/8, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM, tiến hành phân tích tỷ lệ thí sinh từ vùng có dịch nhập học các ngành trong 3 năm qua và tỷ lệ thí sinh vùng đó đăng ký xét tuyển năm nay để chia chỉ tiêu đợt 2 cụ thể cho từng ngành.

ĐH Công nghiệp TP.HCM cũng tiến hành thống kê dữ liệu thí sinh ở vùng có dịch để xác định chỉ tiêu dành cho những em thi sau. ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) thậm chí quyết định dành 40-50% chỉ tiêu tuyển sinh cho thí sinh sống trong vùng phải giãn cách xã hội vì dịch.

TS Phạm Tấn Hạ - Phó hiệu trưởng ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - và TS Trần Đình Lý - Phó hiệu trưởng ĐH Nông Lâm TP.HCM - khẳng định trường sẵn sàng điều chỉnh công tác tuyển sinh tiếp, miễn sao có lợi nhất cho thí sinh.

Ky thi tot nghiep THPT khong tron ven anh 3

Những con số chú ý về kỳ thi tốt nghiệp THPT trong dịch Covid-19

Sau hai lần lùi lịch, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ diễn ra ngày 9 và 10/8. Học sinh lớp 12 làm 4 bài thi thay vì có thể chọn 5 bài như năm ngoái.

Nguyễn Sương

Bạn có thể quan tâm