Nỗi niềm học trò 'bỗng nhiên mất tích'
Nam sinh lớp 10 từng đột ngột mất tích chia sẻ: “Mỗi lần về nhà thấy bố mẹ cãi nhau hoài, em chán lắm. Bây giờ nếu bố mẹ lại cãi vã thì em vẫn bỏ đi”.
Đa số bỏ nhà đi bụi, hay "bỗng dưng mất tích" của các bạn trẻ là do căng thẳng trong gia đình, thiếu sự quan tâm của các bậc phụ huynh... Ngoài ra, nhiều trường hợp “dạt vòm” là do bạn bè rủ rê, người lạ dụ dỗ.
Ngày càng có nhiều vụ học sinh bỗng nhiên mất tích, sau đó lại quay trở về. Ảnh minh họa. |
"Thích thì bỏ nhà đi"
Cách đây khoảng một tháng, chị Phạm Thị N. (Định Quán, Đồng Nai) hốt hoảng vì em trai là Phạm Hữu H., đang học lớp 10, đột ngột mất tích. Chị N. cho biết, em trai mình vốn hiền lành, nhút nhát nên không nghĩ là cậu em có thể dám bỏ nhà đi.
Cả nhà đổ xô đi tìm H. khắp nơi nhưng không thấy. Sau đó một ngày, H. gọi điện về cho chị, khóc òa trong điện thoại vì không biết đường về nhà.
“Tôi tìm thấy nó ngồi dưới đường gần vòng xoay Tam Hiệp (Đồng Nai). Nó nói là bỏ đi chơi với một người lớn tuổi hơn. Chơi hết tiền thì bị người này bỏ lại ngoài đường nên không biết đường về”, chị N. kể.
H. nói: “Mỗi lần về nhà thấy bố mẹ cãi nhau hoài, em chán lắm. Hôm đó có một anh rủ em đi chơi, sẵn đang chán bố nên em đi theo. Bây giờ em sợ rồi nhưng nếu bố mẹ lại cự cãi thì em vẫn bỏ đi”.
Sợ H. lại dại dột bỏ đi theo người lạ, gia đình chị N. phải gửi em đi học nội trú với hy vọng ở nơi xa lạ, sẽ chăm học và không bỏ đi nữa.
Tham gia các hoạt động kỹ năng cũng là cách giúp tuổi mới lớn trưởng thành (trong ảnh là các bạn học sinh ở TP.HCM tham gia hoạt động kỹ năng phòng chống HIV. |
Cùng tình cảnh, chị Ngô Kiều Oanh (Bình Định) cũng vất vả vì đứa em trai học lớp 11 "thích thì bỏ nhà đi, thích thì quay về" khiến gia đình luôn trong tình trạng phập phồng lo lắng.
“Tôi không hiểu nổi vì sao mọi người đều quan tâm, yêu thương nó. Mà lâu lâu, thích thì nó lại đi sang nhà bạn chơi nhiều ngày rồi không về. Lúc đi nó lại mang theo tiền của mẹ. Mỗi lần nó đi, mẹ tôi lại hoảng lên vì sợ bị dụ dỗ hút ma túy hay làm việc xấu”, chị Oanh chia sẻ.
Đó cũng là một trong số ít trường hợp các gia đình gặp phải khi trẻ có khi mới học lớp 6, 7 cũng bỏ nhà đi. Có khi trẻ bỏ đi rồi về, một hai năm sau lại tiếp tục bỏ nhà "đi bụi"...
Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hữu Long, giảng viên CĐ Sư phạm Trung ương TP.HCM, đối với những đứa trẻ đã từng bỏ nhà đi một lần thì cũng rất dễ dàng đi tiếp lần hai. Do vậy, cách hành xử "nhai đi nhai lại" lỗi lầm của trẻ là rất cần nên tránh.
Chính vì vậy mà nếu lỡ trẻ có bỏ đi một lần thì các bậc cha mẹ hãy học cách "quên" việc này để tạo cảm giác thân thiện, gần gũi giúp con cảm thấy được tha thứ và yêu thương.
Hành động theo cảm tính
Theo thạc sĩ Hữu Long, trẻ em ở lứa tuổi vị thành niên là lứa tuổi rất nhạy cảm về tâm lý, dễ dàng hành động theo cảm tính.
Vì thế mà các em dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài nhiều hơn. Các em dễ dàng nghe theo lời rủ rê hấp dẫn từ một ai đó. Bỏ nhà đi cũng là cách mà các em muốn chứng tỏ năng lực tự lập của mình.
Mặt khác, do không tìm thấy sự hòa hợp giữa mình và những người thân trong gia đình nên trẻ dễ bị xung đột trong các mối quan hệ xã hội cũng như trong chính bản thân.
“Vì những lí do đó mà việc bỏ nhà đi “bụi” với các em thường là một cách giải tỏa”, thạc sĩ Long phân tích.
Ngoài ra, có một thực tế hiện nay là trẻ vị thành niên, trẻ nhỏ có quá nhiều điều kiện tương tác ảo với thế giới xung quanh mình mà không nhận thức được ai tốt, ai xấu: bạn bè trên mạng, bạn trên game, trên các diễn đàn, mạng xã hội...
Không còn như cái thời cách đây 5-10 năm khi mà trẻ chỉ có thể quen biết, giao tiếp với người thân trong gia đình, thầy cô bạn bè, bạn hàng xóm. Chính việc tiếp xúc và được chia sẻ nhanh chóng các vướng mắc, các ý định trên không gian ảo khiến cho trẻ vị thành niên khó phân biệt và nhận định đúng các lời khuyên hay các hướng dẫn.
Do vậy, theo ông Long, thời đại này cha mẹ còn phải nên đọc các tình huống xã hội liên quan đến việc trẻ bị dụ dỗ từ người lạ với những lời ngon ngọt, bị lừa gạt trên mạng xã hội…, để giúp con trẻ sớm nhận thức vấn đề và có hướng xử lý tốt nhất.
Ngay từ nhỏ thì việc dạy trẻ những kỹ năng sống cơ bản là việc làm rất quan trọng. Kỹ năng sống được dạy dựa vào lứa tuổi, đặc điểm cá nhân, đặc điểm môi trường sống để giúp trẻ có bản lĩnh, biết cách sống một cách tốt hơn. Học cách từ chối trước những lời rủ rê của người lạ, những cổ vũ theo tính bản năng của đám đông.
Thạc sĩ Hữu Long khuyên: “Cha mẹ hãy cố gắng tạo điều kiện để giúp con cái có cơ hội bộc lộ "cái tôi” của mình trong chính gia đình để trẻ không bị “bức bí” để tìm cơ hội bên ngoài để thể hiện". Từ đó, mới mong hiện tượng "bỗng dưng mất tích" giảm bớt.
Theo Thanh Niên