Nỗi niềm lấy vợ... tiểu thư
Thời buổi hiện đại, nhiều cô gái trẻ vốn quen được cha mẹ nuông chiều mà quên đi rằng sau này họ sẽ chính là người giữ cho ngọn lửa gia đình hạnh phúc.
“Cám cảnh” lấy vợ tiểu thư
“Thư, vợ tôi có học thức, xinh đẹp, dịu dàng, chẳng phải là con nhà giàu có nhưng tính tình lại rất tiểu thư. Do nàng được bố mẹ chiều quá nên “căn bệnh” này ngày càng nặng, biểu hiện là thói ích kỷ, lười nhác, vụng về, nhõng nhẽo và rất hay khóc. Cái thói tiểu thư khiến cho mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu luôn căng thẳng, và người phải hứng chịu đủ luôn là tôi” – đó là lời chia sẻ của anh Hoàng Nam, trưởng phòng của một công ty quảng cáo ở quận 3, TP. HCM.
Câu chuyện của Tuấn (quê ở Cà Mau) lại là một trường hợp khác. Trong đám bạn bè cùng học đại học, ai cũng nói Tuấn may mắn. Là dân tỉnh lẻ vào thành phố học đại học, ra trường có việc làm ổn định rồi cưới vợ. Ngay cả việc cưới vợ của Tuấn cũng được cho là may mắn.
Tuấn lấy Thảo, chẳng những là dân thành phố chính gốc mà còn là tiểu thư con nhà khá giả. Lấy vợ xong, vợ chồng anh còn được bố mẹ vợ tặng hẳn một căn nhà để cho ra ở riêng. Họ hàng hai bên đều nói Tuấn “mèo mù vớ cá rán”. Nhìn vào, ai cũng bảo anh sướng. Nhưng “phải ở trong chăn mới biết chăn có rận”.
Ngôi nhà 3 tầng khang trang với đầy đủ tiện nghi, nhưng bừa bộn khắp nơi nào là quần áo trẻ con, người lớn vắt ngổn ngang. Đủ thứ tã lót, bít tất, khăn mặt trải trên salon, mắc trên cửa sổ, trên ghế… Dưới sàn nhà la liệt chỗ này giày dép, chỗ kia sách báo, chỗ nọ đồ chơi… Dưới bếp, nồi niêu xoong chảo chưa rửa, nằm lăn lóc trên bếp, trong bồn rửa. Đó là chưa kể mùi nước đái trẻ con nồng nặc.
Mỗi ngày đi làm về, Tuấn lại còng lưng dọn dẹp. Còn Thảo, vợ anh thì coi chuyện dọn dẹp nhà cửa đương nhiên là việc của chồng. Thứ bảy, chủ nhật, cả hai vợ chồng được nghỉ ở nhà, nàng cũng chẳng mảy may động chân động tay vào bất cứ việc gì ngoài việc ngủ rồi hẹn hò bạn bè đi shopping… Tất tần tật mọi chuyện đều do Tuấn “phụ trách”.
Vì đâu nên nỗi?
Các “tiểu thư” thường có quán tính “mình được người khác phục vụ” nên khó rèn luyện được phẩm chất hy sinh vì người khác. Họ cũng có điều kiện học cao, năng động và dĩ nhiên hình thành thói quen tự chủ, mình không cần cậy nhờ ai và cũng thấy phiền khi người khác cậy nhờ mình. Với những yếu tố đó, cái tôi của họ dễ được bồi đắp cao ngất.
Hầu như ai cũng biết, trong hôn nhân, nếu người vợ không biết nhường nhịn, không quen hy sinh, thì thật khó duy trì quan hệ vợ chồng. Ở những đôi vợ chồng hạnh phúc, người ta thường thấy người vợ hy sinh, tận tụy vì chồng con và người chồng ghi nhận sâu sắc sự hy sinh của vợ để sống có trách nhiệm hơn, bù đắp nhiều hơn cho vợ, chứ khó tìm được một đôi vợ chồng hạnh phúc kiểu “quyền lợi và nghĩa vụ như nhau, đảm bảo tối thượng tự do cá nhân, mỗi người tự lo cho mình”.
Một “tiểu thư” cũng ít gặp khó khăn trong cuộc sống, nên sức chịu đựng không bền bỉ. Khi lập gia đình riêng với người chồng có gia cảnh khó khăn, chiếc “mặt nạ tình yêu” mơ mộng rơi xuống, hiển hiện trước mắt đủ mọi khó khăn về mặt kinh tế, về việc thiết lập các mối quan hệ trong gia đình, nuôi dạy con cái… khiến nàng vốn chưa có “sức đề kháng với cái khổ”, dễ thấy trước mắt mình là “địa ngục” và nhanh chóng kết luận mình “lấy nhầm người”.
Các chuyên gia đều khuyên rằng, trong quá trình yêu nhau nên tìm hiểu về tính cách để kịp điều chỉnh cho phù hợp, đừng để đến khi kết hôn mới tìm cách thay đổi thì đã quá muộn.
Theo Cẩm nang mua sắm