Dân số Hàn Quốc đang già hóa nhanh chóng. Ảnh minh họa: Kpopmap. |
Ngày 19/6, chính quyền thành phố Jeongeup, tỉnh Bắc Jeolla (Hàn Quốc) cho biết đã tăng giới hạn độ tuổi đối với nhóm dân số trẻ lên 45 tuổi. Cụ thể, giới hạn tuổi nhóm này được mở rộng từ 18-39 thành 18-45 tuổi.
Sự thay đổi này nhằm cho phép nhiều người hơn được hưởng lợi từ các chính sách của thành phố dành cho thanh niên, theo Korea Bizwire.
"Sự thay đổi phản ánh thực trạng tốc độ già hóa nhanh và dân số ngày càng giảm của thành phố. Chúng tôi đang thực hiện các biện pháp chủ động để giải quyết tình trạng số lượng thanh niên ngày càng giảm bằng cách tăng giới hạn độ tuổi", chính quyền thành phố cho hay.
Với việc thực hiện chính sách mới này, số người trẻ cư trú tại Jeongeup đã tăng từ 19.200 (chiếm 18% dân số thành phố) lên 26.500 (chiếm 25% dân số thành phố) vào tháng 5.
Tại Seoul, quận Dobong trở thành nơi đầu tiên điều chỉnh độ tuổi của nhóm dân số trẻ, từ 19-39 thành 19-45 tuổi.
Ngoài ra, quận đang trong quá trình nghiên cứu ban hành một quy định mới nhằm thành lập một quỹ riêng cho thanh niên. Điều này là cần thiết bởi khi số thanh niên tăng lên do thay đổi chính sách sẽ cần sự hỗ trợ tài chính lớn hơn cho nhóm này.
Quỹ này sẽ được sử dụng để cung cấp các khoản vay cho thanh niên về nhà ở và các dự án khởi nghiệp. Đây cũng là quỹ đầu tiên thuộc loại này ở các quận tại Seoul.
Ở vùng nông thôn, lực lượng lao động chủ yếu trong độ tuổi 40, 50 khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ của chính phủ dành cho nhóm "dân số trẻ", vốn giới hạn đến 39 tuổi. Ảnh: Yonhap. |
Dân số trẻ giảm dần cũng là một vấn đề nghiêm trọng ở các vùng nông thôn Hàn Quốc, và trong trường hợp xấu nhất, nó có thể dẫn đến sự sụp đổ của các hoạt động nông nghiệp.
Để đối phó, chính phủ Hàn Quốc đang xem xét ý tưởng tăng giới hạn độ tuổi cho nông dân trẻ, những người đủ điều kiện nhận các lợi ích khác nhau, lên hơn 39 tuổi.
Hiện, người Hàn Quốc trong độ tuổi 19-34 được coi là thanh niên hợp pháp. Trong lĩnh vực nông nghiệp, những người đến 39 tuổi vẫn được xếp vào nhóm nông dân trẻ.
Nông dân trẻ được hưởng nhiều lợi ích của chính phủ, bao gồm các sáng kiến về định cư nông nghiệp và hỗ trợ chăm sóc con nhỏ cho thanh niên bắt đầu kinh doanh trang trại thông minh.
Tuy nhiên, với thực tế ở nhiều vùng nông thôn, nơi những người độ tuổi 40, 50 vẫn được coi là "trẻ", họ không đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định ở trên.
Nhiều nơi ở Hàn Quốc đang nới rộng giới hạn độ tuổi quy định nhóm dân số trẻ trong bối cảnh già hóa dân số. Ảnh: Yonhap. |
Theo dữ liệu từ Statistics Korea, độ tuổi trung bình của các chủ doanh nghiệp nông nghiệp là 68 vào năm 2022, cho thấy sự lão hóa đáng kể của lĩnh vực này so với các lĩnh vực khác.
Chẳng hạn, trong ngành sản xuất, tuổi trung bình của người lao động là 42,5 tuổi vào năm 2020.
“Trong lĩnh vực nông nghiệp, năng suất lao động cao nhất được quan sát thấy ở những người ở độ tuổi 40 và 50. Do đó, lợi ích nên được tập trung vào nhóm tuổi này", Eom Jin-yeong, nhà nghiên cứu tại Viện Kinh tế Nông thôn Hàn Quốc, cho biết.
Ngược lại, một số lượng đáng kể người trẻ ở độ tuổi 20 đang từ chối tìm kiếm việc làm, khiến nhiều người lo ngại.
Dữ liệu cho thấy nhiều người ở độ tuổi 60 đang tích cực tìm kiếm việc làm, trong khi nhiều cá nhân độ tuổi 20 đang trì hoãn tìm việc. Theo Statistics Korea, tỷ lệ người ở độ tuổi 60 muốn làm việc đã tăng từ 66,3% vào tháng 5/2018 lên 71,8% vào tháng 5/2022.
Trong bối cảnh cấu trúc dân số của Hàn Quốc thay đổi và sự già hóa của xã hội, xu hướng này dự kiến còn mạnh mẽ hơn trong tương lai.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.