Zing trích dịch bài đăng trên Korea Times & Korea Bizwire, đề cập đến nỗi lo sợ khi ra đường vào ban đêm và mối nguy bị những kẻ có ý định tấn công tình dục rình mò, theo về tận nhà của phụ nữ trẻ ở Hàn Quốc.
Tháng 6/2019, video giám sát quay lại từ căn hộ của một cô gái sinh sống tại khu Sillim-dong (Seoul) làm dấy lên lo ngại phụ nữ bị người lạ rình mò, đeo bám từ ngoài đường để tấn công tình dục, nhất là với những người ở một mình.
Video cho thấy cô gái bước vào thang máy cùng một người đàn ông khoảng 30 tuổi. Đến phòng, cô bấm mở cửa căn hộ của mình. Ngay khi cánh cửa vừa đóng lại, người đàn ông lao đến, định bước vào nhà song bất thành. Sau đó, người này có phản ứng giận dữ, liên tục đấm đá vào nắm cửa.
Camera giám sát ghi lại được cảnh người đàn ông họ Cho cố xông vào căn nhà của nạn nhân. Ảnh: YouTube. |
Phụ nữ sống một mình trở thành "con mồi"
Mọi chuyện không dừng lại ở đó.
Kẻ lạ mắt này vẫn không chịu bỏ cuộc và cố tìm cách đột nhập. Hắn thậm chí còn soi đèn pin điện thoại vào bảng điều khiển trong bóng tối để cố gắng tìm ra dấu vân tay của cô gái.
Cảnh sát sau đó phát hiện người này cũng đe dọa sẽ phá cửa nếu nạn nhân không để hắn ta vào. Mãi một lúc lâu sau, kẻ biến thái mới bỏ đi.
Sau khi bị bắt giữ, người đàn ông họ Cho cho hay đã bám đuôi cô gái từ trên phố. Về cáo buộc xâm phạm chỗ ở, người này phủ nhận, nói mình say rượu và không nhớ gì cả. Cho cũng từng bị phạt với tội danh quấy rối tình dục một phụ nữ trên đường vào năm 2012.
Kang Joo-eun (25 tuổi), một sinh viên đại học sống cùng khu, cho biết đã từng chứng kiến vài trường hợp đàn ông say xỉn theo cô về đến tận cửa.
Theo số liệu thống kê gần đây nhất của chính phủ Hàn Quốc, khoảng 2,8 triệu phụ nữ Hàn Quốc sống một mình. Con số này đang tăng lên mỗi năm khi nhiều người trẻ chọn sống độc thân hoặc tạm hoãn hôn nhân.
Trẻ, độc thân, sống một mình - những cô gái trong độ tuổi 20-30 dễ trở thành mục tiêu của những tên tội phạm tình dục. Ảnh: SCMP. |
Phụ nữ sống một mình dễ trở thành đối tượng mà các nhóm tội phạm nhắm tới. Báo cáo năm 2017 của Viện Tội phạm học Hàn Quốc chỉ ra phụ nữ có nguy cơ phải đối mặt với tội phạm cao gấp 2,3 lần so với nam giới trong nhóm tuổi dưới 33.
Những phụ nữ sống một mình tại các căn nhà nhỏ trong khu dân cư hay tòa nhà nằm trong các con hẻm tối hơn cho biết quấy rối, rình rập là tình trạng phổ biến. Nhiều gã đàn ông hoàn toàn trong tình trạng tỉnh táo và ở độ tuổi còn rất trẻ, theo lời khai được thu thập.
Không an toàn khi ra đường vào ban đêm
Joo (23 tuổi) quyết định chuyển đến một tòa nhà dân cư lớn hơn nằm cạnh đường phố chính sau nhiều lần gặp phải người lạ theo dõi hoặc quấy rối cô trên đường về nhà.
“Những gã đó bắt chuyện và cố tình nói nhỏ. Khi bạn từ chối và bước tiếp, họ sẽ chạy theo và ôm bạn từ phía sau, hoặc lặng lẽ theo bạn xuống con hẻm. Tôi từng phải ẩn náu bên trong một siêu thị trước khi có thể chạy về nhà”, Joo kể lại.
"Tại tòa nhà mới này, có một người bảo vệ gác ở tầng 1. Tiền thuê hàng tháng cao hơn 200.000 won (170 USD) nhưng tôi đoán bạn có thể gọi đó là chi phí bảo vệ mạng sống của tôi”, cô nói.
Những người không có khả năng chuyển đến nơi an toàn hơn thì áp dụng các biện pháp như để giày nam trước cửa nhà hoặc phát bản ghi âm giọng nam với hy vọng xua đuổi những kẻ có ý định xâm phạm.
Hầu hết phụ nữ Hàn Quốc đều tỏ ý lo ngại về vấn đề an toàn khi ra đường vào buổi đêm. Ảnh: Korea Bizwire. |
Các chuyên gia cho biết vẫn chưa có luật nào để trừng phạt thích đáng những kẻ rình rập như Cho, đối tượng có ý định rõ ràng thực hiện hành vi bạo lực tình dục.
Trong một số ít các trường hợp được báo cáo, đa số những kẻ có hành vi như Cho đều được thả tự do sau khi đóng một tiền khoản tiền phạt nhỏ hoặc chỉ bị tạm giam một thời gian ngắn.
Theo cuộc khảo sát xã hội 2 năm/lần do Bộ Thống kê Hàn Quốc thực hiện, khoảng 60% phụ nữ Hàn Quốc ở độ tuổi 20-30 cảm thấy không an toàn khi ra đường vào ban đêm, trong khi chỉ 10% đàn ông ở cùng độ tuổi thấy tương tự.
Những cô gái trong độ tuổi 20 là những người không muốn ra đường vào ban đêm nhất trong tất cả nhóm tuổi tham gia khảo sát, chiếm tỷ lệ 58,7%. Kế đó là nhóm phụ nữ ở độ tuổi 30 với 56,3%.
Tỷ lệ nam giới ở cùng độ tuổi lại phản ánh điều trái ngược hoàn toàn. Chỉ 12,4% nam giới trong độ tuổi 20 cảm thấy không an toàn khi ra đường vào buổi tối, mức thấp kỷ lục. Con số này ở nhóm tuổi 30 là 15,3%.
Trong nhóm từ 13-19 tuổi, 59,9% thiếu nữ thấy việc ra ngoài buổi tối ẩn chứa nhiều nguy hiểm, trong khi chỉ 14,4% nam thiếu niên thấy vậy.
Cả nam giới (38,7%) và phụ nữ (45,7%) chọn các tin tức đầy rẫy về các loại tội phạm khác nhau là lý do chính khiến họ cảm thấy không an toàn khi ra ngoài vào ban đêm. Lý do thứ hai tùy thuộc vào giới tính.
Phụ nữ chọn việc đường xá vắng vẻ, người thưa thớt là nguyên nhân chính, trong khi nam giới lo ngại chuyện thiếu đèn đường, camera quan sát và các phương tiện an toàn khác.