Quyết định dỡ bỏ hạn chế Covid-19 của Thượng Hải (Trung Quốc) vào ngày 1/6 đã giúp “giải thoát” hàng triệu cư dân. Tuy nhiên, một số người cho biết họ đang trải qua hội chứng rối loạn lo âu xã hội sau khi phải ngồi nhà suốt 2 tháng qua, theo Sixth Tone.
Tối 30/5, vài giờ sau khi chính quyền địa phương công bố kế hoạch mở cửa trở lại thành phố, hàng nghìn cư dân đã chia sẻ cảm giác lo âu khi tiếp xúc trực tiếp với người khác.
Trên mạng xã hội, jiefend shi shekong (tạm dịch: nỗi sợ xã hội hậu phong tỏa) đã trở thành cụm từ phổ biến để bày tỏ trạng thái của mình lúc này.
“Tôi đã quen với cuộc sống này suốt 2 tháng qua. Rồi đột nhiên, mọi thứ thay đổi. Chẳng hạn, việc phải chen chúc trên tàu điện ngầm vào giờ cao điểm để đi làm trở nên thật xa lạ đối với tôi. Tôi không biết thế giới bên ngoài hiện như thế nào rồi”, một cư dân Thượng Hải họ Shao nói với Sixth Tone.
Hành khách sử dụng ga tàu điện ngầm vào ngày đầu tiên các dịch vụ tàu điện ngầm của thành phố hoạt động trở lại ngày 22/5/2022.. Ảnh: Brenda Goh/Reuters. |
Đột ngột thay đổi
Kể từ khi Thượng Hải phong tỏa vào ngày 1/4, 25 triệu cư dân Thượng Hải phải ở nhà nhằm ngăn chặn đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất từ trước đến nay. Hầu hết người dân mắc kẹt với giao tiếp ảo và hạn chế tương tác cá nhân.
Việc thiếu sự tương tác giữa con người với nhau đã khiến một số người thay đổi hành vi. Ngay cả những người hướng ngoại, thích giao du hiện cũng phải đấu tranh để đối phó với cuộc sống “bình thường mới”.
Xingxing, cư dân Thượng Hải, cho biết cô thực hiện cách ly từ tháng 3 do khu chung cư nơi cô sinh sống bị phong tỏa sớm.
Do đó, sau khi đọc thông báo của chính quyền về việc mở cửa trở lại thành phố, giám đốc mảng livestream tại một công ty mỹ phẩm cảm thấy lo lắng hơn là vui mừng.
“Tôi từng là người rất thích giao du. Nhưng giờ đây, tôi cảm thấy không thoải mái khi trò chuyện trực tiếp với mọi người trong đời thực. Hơn nữa, tôi đã không làm việc ở văn phòng suốt 2 tháng. Tôi sợ rằng mình không thể đối phó với áp lực công việc lớn khi trở lại”, cô chia sẻ với Sixth Tone.
Một số người dân Thượng Hải ra đường vào ngày 31/5 sau thông báo dỡ bỏ lệnh phong tỏa. Ảnh: Aly Song/Reuters. |
Các chuyên gia cho biết hành vi này phổ biến và dễ hiểu.
Hu Bojun, nhà tâm lý học tại Trung tâm Tư vấn United Family, nói rằng nhiều người Thượng Hải đã quen với thói quen nhất định ít nhất 2 tháng qua.
Ngoài làm việc từ xa, thói quen mới của họ bao gồm di chuyển lên xuống cầu thang để xét nghiệm Covid-19, cố gắng mua nhu yếu phẩm thông qua các nhóm mua chung, và nhận thông tin cập nhật về đợt bùng phát Covid-19 của thành phố.
“Mặc dù cuộc sống trong phong tỏa là bất thường, họ vẫn có cảm giác bình thường bởi đã biết điều gì sẽ xảy đến. Khi lệnh phong tỏa bất ngờ kết thúc, những gì bình thường mà họ thiết lập đột nhiên biến mất”, bà Hu, người làm việc với các nhóm hỗ trợ phong tỏa suốt 2 tháng qua, chia sẻ.
Hu cho biết cảm giác mà nhiều người đang trải qua lúc này có thể do giai đoạn chuyển tiếp đi kèm với sự không chắc chắn hậu phong tỏa ở mức độ nhất định.
Ví dụ, việc xét nghiệm Covid-19 định kỳ, nỗi sợ bị lây nhiễm hoặc nằm trong diện tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19, và áp lực phải hoàn thành công việc tốt hơn đồng nghiệp khác.
Một người đàn ông cầu nguyện bên ngoài ngôi chùa đóng cửa trong thời gian phong tỏa vào ngày 30/5/2022. Ảnh: Aly Song/Reuters. |
Theo nhà tâm lý học, điều này gây ra nỗi lo âu cho một số người ngay cả trong lúc tưởng như tốt đẹp.
Cuộc phong tỏa kéo dài 2 tháng đã ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe tâm thần của mọi người. Đường dây nóng của thành phố đã nhận số lượng lớn cuộc gọi từ người dân Thượng Hải. Trong số đó, nhiều người hỏi về vấn đề liên quan đến nỗi lo âu và trầm cảm do phong tỏa gây ra.
Hiện, khi lệnh phong tỏa đã kết thúc, bà Hu cho rằng điều quan trọng lúc này là phải thừa nhận chấn thương tâm lý hậu giãn cách xã hội sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của mọi người về lâu dài.
Những người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đợt phong tỏa, như mất người thân hoặc bị nghỉ việc, có thể dễ bị tổn thương hơn cả, và việc chăm sóc bản thân là rất quan trọng.
“Hậu phong tỏa là giai đoạn chuyển tiếp và học hỏi. Đó là giai đoạn suy ngẫm để xem điều gì hiệu quả và không hiệu quả, để thực sự sử dụng thời gian để nghĩ về các ưu tiên của mình trong đời”, bà nói.