Bạn cần vài thay đổi nhỏ về lối sống nhằm đẩy lùi nỗi sợ năm mới. Ảnh: Cottonbro/Pexels. |
Khi nhắc đến năm mới, chúng ta thường nghĩ về những dự định cùng tương lai đầy hứa hẹn. Tuy nhiên, không phải ai cũng có suy nghĩ như vậy.
Nhiều người luôn cảm thấy áp lực, lo lắng về giai đoạn nghỉ lễ, hoặc phải lập kế hoạch cho tương lai. Khẩu hiệu “New year, new me” (tạm dịch: năm mới, tôi đổi mới) hoặc “Năm nay sẽ tuyệt hơn năm trước” chỉ khiến họ rơi vào trạng thái sợ hãi, cô đơn, theo Happiful.
Nếu đang đấu tranh với cảm giác lo lắng về năm mới sắp tới, bạn không đơn độc.
Điều quan trọng là cá nhân cần hiểu và thừa nhận cảm giác này. Nhờ đó, bạn mới có thể hướng tới giai đoạn cải thiện tinh thần, giảm thiểu áp lực bủa vây khi nghĩ về năm 2023 sắp đến.
Hội chứng sợ điều mới lạ
Neoannophobia là từ để chỉ nỗi sợ hãi về những điều mới mẻ, thường được dùng khi nói về sự lo âu trước một năm mới sắp đến.
Thông thường, những người mắc chứng này từng có trải nghiệm không tốt về việc thực hiện hóa kế hoạch, hoặc có một năm khốn khổ, buồn bã.
Nhiều người luôn bi quan khi nhìn về năm mới sắp đến. Ảnh: Liza Summer/Pexels. |
Nỗi lo sẽ tăng dần theo từng tháng, và lên đến đỉnh điểm trong khoảnh khắc giao thừa. Ngắm pháo hoa, cụng ly cùng gia đình, bạn bè chưa bao giờ là hoạt động yêu thích của nhóm này.
Thực tế, hội chứng trên phổ biến với những người lớn tuổi. Bởi thời gian còn lại của họ sẽ ngắn đi khi một năm nữa lại đến. Tuy nhiên, nỗi lo âu này ngày càng phổ biến với giới trẻ, đặc biệt là cá nhân có các vấn đề về sức khỏe tinh thần.
Xác định mục tiêu phù hợp
Bất kỳ ai cũng cần tự định hướng trước khi bước sang giai đoạn mới trong đời. Song, việc lập kế hoạch rồi để chúng dang dở, hoặc thậm chí chưa từng bắt tay thực hiện đã trở nên quá quen thuộc.
Có nhiều lý do dẫn đến kết cục không mong muốn này. Yếu tố quan trọng nhất chính là cá nhân đặt quá nhiều mục tiêu không phù hợp với chính mình.
Đa số lập kế hoạch dựa trên lời khuyên từ mạng xã hội hoặc người xung quanh. Trong khi đó, bạn chưa thực sự biết mình muốn và thực sự cần gì để phát triển.
Thay vì cảm thấy tội lỗi, hãy bắt đầu từ những nhu cầu cơ bản nhất của bản thân. Bạn cần bắt đầu từ những thay đổi nhỏ nhặt nhất để hướng dần đến vạch đích như kỳ vọng.
“Đặt mục tiêu là một bước quan trọng để đưa bạn từ vị trí hiện tại đến vị trí bạn muốn. Ngay từ thời điểm bạn bắt đầu nghĩ về những gì bạn thực sự muốn đạt được, bạn đã thực hiện một vài bước quan trọng đầu tiên để đạt được điều đó”, Clare Whalley, huấn luyện viên doanh nghiệp Meta4, nói.
Thay vì cố học theo ai đó, bạn chỉ nên xác lập mục tiêu thực sự phù hợp với bản thân. Ảnh: Fauxels/Pexels. |
Đừng trì hoãn
Không cần đợi đến một thời điểm cụ thể để bắt đầu thực hiện những thay đổi mà bạn muốn.
Sự trì hoãn có thể là một trở ngại lớn. Bạn khó “vào việc” với tâm lý chần chừ, thiếu quyết đoán. Và nỗi sợ cái mới luôn ghì bạn xuống, ngăn chặn nỗ lực thay đổi, làm mới cuộc sống.
“Hầu hết mọi người trì hoãn vì ở yên một chỗ dễ dàng hơn hoặc họ sợ thay đổi. Nếu không có sự can thiệp và hành động tích cực, bạn chỉ mãi dậm chân tại chỗ”, Wendy, huấn luyện viên đời sống từ Life Coach Directory, cho biết.
Bạn có thể thay đổi thói quen trì hoãn bằng việc dậy sớm hơn, dọn dẹp nhà cửa đều đặn. Ảnh: Cottonbro/Pexels. |
Nhằm đẩy lùi thói trì hoãn, cá nhân có thể bắt đầu một số thói quen như sau:
- Dậy sớm hơn, tạo ra nhiều thời gian cho mình
- Sắp xếp lại đồ đạc trong phòng
- Đi mua sắm ở khu chợ/siêu thị mới và nấu món gì đó mới mẻ
- Thử sức với hoạt động mới: làm bánh, nấu ăn, viết lách, chụp ảnh
- Làm bất cứ điều gì khác với thói quen bình thường.
Học cách thiết lập ranh giới
Đặt ra những ranh giới lành mạnh, bền vững không chỉ giúp chúng ta tránh gánh vác quá nhiều việc. Động thái này còn có ý nghĩa định hình vấn đề trọng tâm, cần được lưu ý trong sự nghiệp và cuộc sống riêng.
Nhiều người thường ngại nói “không”, cũng như hiếm khi từ chối những việc khiến mình khó chịu.
Tâm lý này dễ khiến họ rơi vào tình huống bị ép thử cái mới, hoặc cố làm theo để giống mọi người. Không đạt được kết quả như ý, họ bắt đầu có góc nhìn tiêu cực về sự thay đổi cũng như tương lai mình.
Trước hết, hãy tập cách từ chối. Bạn chưa cần thẳng thừng, song thể hiện thái độ không mong muốn, hài lòng là điều cần thiết. Đồng thời, cá nhân cần dành thời gian tìm hiểu xem đâu mới là điều quan trọng với mình.
Bạn thực sự muốn đạt được điều gì vào thời điểm này trong năm tới? Những hoạt động hiện tại có giúp bạn hoàn thành mục tiêu, hay chỉ gây mệt mỏi, mất thời gian? Đâu mới thực sự là chuyển biến khiến bạn hạnh phúc hơn sau vài tháng tới?
Hãy dành thời gian cho chính mình để cải thiện vấn đề lo âu. Ảnh: Karolina Grabowska/Pexels. |
Chăm sóc chính mình
Nếu quá lo lắng về năm sắp tới, đã tới lúc bạn tập trung vào chính mình nhiều hơn. Cơ thể dễ dàng bị bào mòn mỗi khi thần kinh căng thẳng hoặc hồi hộp. Do đó, lời khuyên lớn nhất là chăm sóc cho bản thân, từ trong ra ngoài.
Hãy lưu tâm đến chế độ ăn uống và cố gắng hạn chế cà phê, rượu bia và các loại nước tăng lực.
Các loại rau xanh, thịt trắng sẽ có ích trong việc giảm stress. Đồng thời, cải thiện chất lượng giấc ngủ là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Đặc biệt, đừng động thường xuyên, tập yoga và cố thiền một chút mỗi ngày.
Bên cạnh đó, cá nhân nên chú ý hơn đến tình trạng kiệt sức vì công việc, đời sống. Bạn cần xử lý cảm xúc khi chúng còn ở mức dễ chịu, thay vì để tình trạng chạm ngưỡng nghiêm trọng. Nỗi lo về mọi thứ, kể cả sự mới mẻ, sẽ dần được cải thiện khi lối sống có biến chuyển tích cực.
'Giải oan' cho Gen Z
Tác giả của cuốn sách "Gen Z, Explained: The Art of Living in a Digital Age" (tạm dịch: Giải mã Gen Z: Nghệ thuật sống trong kỷ nguyên số) tin rằng đây là thế hệ lạc quan, có suy nghĩ nghiêm túc dù là người đang đi học, đi làm hay đã có gia đình. Nhóm tác giả cũng bác bỏ tuyên bố rằng thế hệ Z đang trưởng thành quá chậm hoặc thiếu kỹ năng tư duy phản biện. Họ nhận thấy thế hệ này đang phải chịu quá nhiều phán xét tiêu cực.